BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Quản lý chương trình, tài liệu đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý

21/12/2022 15:31

Nghị định số 89/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức, viên chức đã tạo sự thay đổi căn bản và sâu sắc trong quản lý các chương trình, tài liệu, chứng chỉ đối với các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới. Để đưa nội dung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP vào thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung và quản lý hiệu quả chương trình, tài liệu ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tình hình hiện nay.

Ảnh minh họa

Thực trạng công tác quản lý các chương trình, tài liệu

Thời gian qua, nội dung về quản lý ĐTBD đã được triển khai khẩn trương và nghiêm túc như: phân công, phân cấp tổ chức và quản lý ĐTBD công chức, viên chức (CCVC); đánh giá chất lượng ĐTBD; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và chính sách, chế độ đối với giảng viên; điều kiện và quyền lợi, trách nhiệm của CCVC được cử đi ĐTBD; kinh phí ĐTBD; kiểm soát chất lượng ĐTBD cán bộ, CCVC; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng cán bộ, CCVC trong hoạt động ĐTBD; đổi mới hình thức, nội dung chương trình và phương pháp ĐTBD nhằm nâng cao kỹ năng hành chính cho công chức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức. 

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và đưa vào giảng dạy các chương trình lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính; bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức… theo hướng giảm thời lượng giảng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, tập trung bồi dưỡng các kỹ năng cho công chức thực thi nhiệm vụ và đảm bảo tính liên thông, dễ dàng cập nhật, sát với tình hình thực tế. Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức đáp ứng được nội dung và kiến thức lý luận, hướng dẫn nghiệp vụ công tác; đảm bảo tính khoa học, sát với thực tế công tác của công chức. Tuy nhiên, mức độ trùng lặp của các chương trình là tương đối phổ biến, chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương có nhiều nội dung trùng với chương trình ngạch chuyên viên chính và tương đương. Nội dung chương trình, tài liệu còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực hành, thiếu các kỹ năng thao tác công việc, còn ít các bài tập tình huống và kinh nghiệm xử lý công việc tại công sở. Các chương trình, tài liệu đều thiết kế và biên tập để giảng viên truyền đạt kiến thức theo phương pháp giảng dạy truyền thống, khó áp dụng phương pháp giảng dạy mới nhất là sử dụng sự trợ giúp của các trang thiết bị hiện đại.

Mặt khác, do các chương trình được thiết kế chủ yếu dựa vào chức trách và nhiệm vụ của công chức ở các ngạch, chức danh công chức để mô tả công việc, kiến thức, kỹ năng cần có nên tính thiết thực, hiệu quả không cao. Sự khác biệt mang đặc thù cấp học, bậc học đối với chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp chưa nhiều. Phương pháp biên soạn chương trình, tài liệu đã được đổi mới, nhưng vẫn còn khoảng cách với nhu cầu của đội ngũ công chức và yêu cầu của hoạt động công vụ. Việc biên soạn các chương trình, tài liệu còn chậm; chưa ban hành được hệ thống chương trình bồi dưỡng dành cho viên chức. Các chương trình bồi dưỡng ngạch công chức tương đương, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý chậm được ban hành, gây khó khăn cho hoạt động bồi dưỡng công chức. Vì vậy, nội dung chương trình, tài liệu cần được rà soát, cập nhật, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện phù hợp với thực tiễn.

Quan điểm đổi mới công tác quản lý các chương trình, tài liệu

Cần xác định rõ hình thức, nội dung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã; theo yêu cầu vị trí việc làm (VTVL). Nội dung bồi dưỡng gồm: lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu VTVL. Đồng thời, đổi mới nội dung chương trình, tài liệu, phương thức bồi dưỡng, tránh trùng lặp về nội dung, tập trung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của VTVL (vị trí lãnh đạo, quản lý và VTVL chuyên môn nghiệp vụ), góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC một cách thực chất; xây dựng các công cụ đánh giá năng lực của CBCCVC làm căn cứ xây dựng quy hoạch, kế hoạch ĐTBD. Cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng không phù hợp, tránh trùng lặp về nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng.

Nghiên cứu để chuyển từ ĐTBD sang học tập; từ bồi dưỡng kiến thức đến nâng cao năng lực. Có nghĩa là, CBCCVC luôn ở trạng thái phát triển, học tập trong suốt quá trình làm việc và quá trình tự học. Vì vậy, cần trang bị cho họ các năng lực cần thiết để thực hiện công việc, đồng thời năng lực cần vượt ra ngoài phạm vi của kiến thức để giải quyết các vấn đề thuộc thái độ và các kỹ năng. Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn đầu chuyển sang phương pháp ĐTBD trên cơ sở năng lực, áp dụng có điều chỉnh các hệ thống năng lực từ kinh nghiệm các nước phát triển cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hệ thống đào tạo từ truyền đạt kiến thức tới đào tạo trên cơ sở năng lực là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải có sự cam kết, theo đuổi và kiên trì lâu dài theo cách tiếp cận từng bước một.

Đổi mới quản lý các chương trình, tài liệu

Hiện nay, việc cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng không phù hợp đã và đang được thực hiện, tránh trùng lặp về nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng; không quy định chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với công chức ngạch cán sự và tương đương, vì VTVL của ngạch cán sự chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ và quy định về tiêu chuẩn ngạch cán sự hiện hành không yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước; để khắc phục sự trùng lặp về nội dung (phần kiến thức, kỹ năng chung về quản lý nhà nước) giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức chuyên ngành hiện nay. Quy định công chức giữ các ngạch chuyên ngành tương đương cùng học một chương trình, tài liệu bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; phần nội dung theo yêu cầu của từng chuyên ngành sẽ thực hiện khi bồi dưỡng theo yêu cầu của VTVL. Thực hiện theo phương án này sẽ cắt giảm được 61/64 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức hiện có.

Quy định viên chức mỗi chuyên ngành chỉ học một chương trình bồi dưỡng (không chia theo hạng chức danh nghề nghiệp như đối với công chức). Đồng thời, bổ sung quy định trường hợp viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng. Thực hiện quy định này sẽ cắt giảm được 89/145 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức hiện có. Quy định các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu VTVL bao gồm: Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo yêu cầu VTVL lãnh đạo, quản lý (cấp vụ, cấp sở, cấp huyện, cấp phòng); Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu VTVL chuyên môn nghiệp vụ (VTVL nghiệp vụ chuyên ngành, VTVL nghiệp vụ chuyên môn dùng chung, VTVL chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung); Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã.

Năm 2022, Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với các đối tác nước ngoài và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạch định chính sách, quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo trẻ, chính quyền địa phương và ngành Nội vụ; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế; CBCCVC tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Công chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức trước khi bổ nhiệm ngạch (chương trình này là bắt buộc trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức).

Bộ Nội vụ đã rà soát, đề xuất đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm trong việc xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng (bỏ quy định phải thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi ban hành), bảo đảm đồng bộ với phân công, phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng CBCCVC. Các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng đối với viên chức chuyên ngành được giao quản lý. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành, quản lý chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu VTVL chuyên môn nghiệp vụ đối với CBCCVC và cán bộ, công chức cấp xã thuộc thẩm quyền quản lý.

Ngày 22/4/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức (chuyên viên và tương đương; chuyên viên chính và tương đương; chuyên viên cao cấp và tương đương). Các chương trình bồi dưỡng theo VTVL lãnh đạo, quản lý (lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương; lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương; lãnh đạo cấp phòng và tương đương). Tiếp đó, ngày 02/6/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 421/QĐ-BNV về Chương trình bồi dưỡng đối với ngạch chuyên viên chính và tương đương gồm 26 chuyên đề. Mục tiêu chung của chương trình nhằm củng cố, cập nhật kiến thức về quản lý nhà nước và kỹ năng tương ứng, nâng cao năng lực trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương, góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị, năng lực và chuyên nghiệp, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân

Cần nghiên cứu, bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi của CBCCVC, cụ thể: các cơ quan được giao xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, theo yêu cầu VTVL lãnh đạo, quản lý phải ban hành chương trình trước ngày 01/7/2022. Cán bộ, CCVC có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ     

 

Nguồn: tcnn.vn

Tìm kiếm