BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khó của HĐND cấp xã khi không tổ chức HĐND cấp huyện

27/08/2009 10:14

   Nghị quyết của QH về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã triển khai ở 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh thành phố. Quảng Bình không được chọn làm thí điểm, nhưng với kinh nghiệm hoạt động, xin trao đổi một số khó khăn của HĐND cấp xã (xã, thị trấn) khi không tổ chức HĐND cấp huyện.

 Thực tế hoạt động của HĐND cấp xã ở huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) nhiều năm qua cho thấy, nếu không tổ chức HĐND huyện thì HĐND cấp xã sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Thứ nhất, Luật Tổ chức HĐND và UBND không quy định HĐND là ngành dọc, không quy định về mối quan hệ phối hợp trong công tác giữa Thường trực HĐND cấp trên với Thường trực HĐND cấp dưới. Nhưng trong thực tiễn hoạt động, HĐND cấp dưới luôn có sự chỉ đạo của Thường trực HĐND cấp trên. Nét nổi bật là nhiều địa phương trong cả nước đã duy trì chế độ giao ban hàng quý hoặc 6 tháng/lần giữa Thường trực HĐND cấp trên với Thường trực HĐND cấp dưới. Ở Quảng Bình, hoạt động giao ban được duy trì thường xuyên. Mục đích của việc giao ban là giúp cho Thường trực HĐND cấp trên nắm bắt kịp thời các hoạt động của HĐND cấp dưới, qua đó chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, nhất là trong công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp; nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri (TXCT), hiệu quả giám sát, giải quyết tốt ý kiến cử tri, khiếu nại tố cáo của công dân và những vấn đề nổi cộm ở địa phương… Điều đáng nói là nhiều nhiệm kỳ qua, mối quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND cấp huyện với Thường trực HĐND cấp xã luôn chặt chẽ. Khi HĐND cấp xã có vấn đề vướng mắc thường xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND cấp huyện để có hướng xử lý phù hợp. Cho nên, nếu không còn HĐND cấp huyện thì HĐND cấp xã sẽ mất một “chỗ dựa” vững chắc trong quá trình hoạt động. HĐND cấp tỉnh thì khó “với” tới tận các xã để hướng dẫn kịp thời, khi có vướng mắc nảy sinh; Thường trực HĐND cấp xã cũng không thể dễ dàng xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thường trực HĐND cấp tỉnh.

    Thứ hai là khó khăn trong TXCT. Theo quy định, đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình. Trước và sau các kỳ họp, các đại biểu phải gặp gỡ cử tri nơi ứng cử để báo cáo kết quả kỳ họp, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện nghị quyết. Ít nhất, mỗi năm một lần đại biểu HĐND phải báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND; trả lời những ý kiến và kiến nghị của cử tri. Ở Tuyên Hóa, thường một tổ đại biểu HĐND huyện có từ 3 đến 5 đại biểu ứng cử trên địa bàn 2 đến 3 xã, rất thuận lợi cho việc TXCT. Mặt khác, là người ở địa phương nên các đại biểu rất am hiểu tình hình, nhiều tổ đại biểu đã thực hiện tốt việc “nghe dân nói và nói cho dân nghe”. Do đó, những vấn đề cử tri băn khoăn đã được giải đáp kịp thời, có nhiều tổ không phải tổng hợp ý kiến cử tri báo cáo lên trên. Thế nhưng, nếu không còn HĐND cấp huyện thì chỉ còn đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp xã TXCT. Trong khi, đại biểu HĐND tỉnh khó có thể về từng xã để TXCT như đại biểu HĐND huyện và cũng không phải ai cũng am hiểu tình hình của địa phương để trao đổi với cử tri. Thực tế thời gian qua, mỗi lần tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn về TXCT chỉ được 2 điểm / 20 xã, thị trấn; có đại biểu lại bận việc chuyên môn nên không về tiếp xúc với cử tri. Ở địa bàn miền núi đi lại khó khăn, mỗi điểm TXCT thường cách nhau hàng chục cây số nên cử tri đến dự chủ yếu chỉ là đại diện lãnh đạo các xã, thị trấn và một số cử tri ở địa phương- nơi tổ chức TXCT. Vì vậy, mọi ý kiến cử tri đều “đọng lại” ở HĐND cấp xã, trong khi năng lực, trình độ của các vị HĐND xã còn nhiều hạn chế, lại thiếu am hiểu tình hình… Vì vậy, hầu hết ý kiến chỉ được tiếp thu mà không giải thích cho cử tri hiểu.
   Thứ ba là khó khăn trong thực hiện chức năng giám sát. Khi không còn HĐND cấp huyện, cũng đồng nghĩa với việc không còn các cuộc giám sát của Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân địa phương. HĐND tỉnh rất khó “trải” lực lượng ra để giám sát tới tận các xã, bởi địa bàn giám sát quá rộng. Đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn huyện chỉ 5 đến 6 vị, đa số lại hoạt động kiêm nhiệm, chủ yếu là hoạt động tại kỳ họp, ít có thời gian giám sát trước và sau kỳ họp. Mặt khác, khi không còn HĐND cấp huyện, trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh nặng nề hơn, một số nhiệm vụ của HĐND cấp huyện sẽ được chuyển giao cho HĐND cấp tỉnh, trong đó có cả việc giám sát hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện… Giám sát các hoạt động ở địa phương lúc này chủ yếu là HĐND cấp xã, trong khi cấp xã lại không có các ban, năng lực trình độ của đại biểu HĐND cấp xã lại có hạn, nên khó đảm đương nhiệm vụ.
   Thứ 4, khi tổ chức các kỳ họp HĐND cấp xã, không có đại diện Thường trực HĐND và đại biểu HĐND huyện ứng cử trên địa bàn về dự, trong khi đại diện Thường trực và các ban HĐND tỉnh không thể đi dự hết kỳ họp HĐND các xã để nắm tình hình, trao đổi kinh nghiệm hoạt động... Hơn nữa, đại biểu HĐND tỉnh cũng không thể am hiểu tình hình các xã, thị trấn như đại biểu HĐND huyện, nên mọi vướng mắc tại kỳ họp sẽ rất khó giải quyết…
   Để khắc phục những khó khăn trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, đặc biệt là HĐND cấp xã, cần tăng cường cả số lượng và chất lượng đại biểu HĐND tỉnh, cụ thể là tăng cường số lượng Thường trực, thành viên các ban HĐND; tăng cường mối quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa HĐND, UBND cấp tỉnh với UBND cấp huyện và HĐND, UBND cấp xã; quy định cụ thể về thời gian hoạt động cho các đại biểu không chuyên trách để phát huy hết vai trò trách nhiệm trước nhân dân.
Theo http://www.nguoidaibieu.com.vn

 

Tìm kiếm