1. Bình luận chung
Xem xét trong lịch sử thế giới từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây thì cũng có biết bao nhiêu cá nhân thành vĩ nhân, thành lãnh tụ lãnh đạo, tiêu biểu như Mahatma Gandhi, Nelson Mandela, Martin Luther King Jr, Mẹ Teresa, Karl Marx, V.I.Lênin... Tài năng, trí tuệ, tâm, tầm và thành công của họ đã quy phục được hàng triệu, triệu con người và làm nên lịch sử huy hoàng của các triều đại, các quốc gia, các đế chế.
Ở một địa phương, một đơn vị cũng là hình ảnh thu nhỏ của logic trên. Nếu có một cá nhân lãnh đạo giỏi, có tâm, có đức, biết dùng người và tạo thời cơ, nắm cơ hội thì đơn vị đó, doanh nghiệp đó sẽ phát triển đi tới cường thịnh. Nếu như thế giới có Bill Gates, Warren Buffett, Elon Musk, Mark Zuckerberg … thì Việt Nam có nhiều lãnh đạo địa phương, đơn vị làm nên lịch sử mà nhân dân, đất nước mãi ghi nhận, mà tiêu biểu là đồng chí Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú, người được mệnh danh là “cha đẻ của khoán hộ” mà người ta quen gọi là “khoán mười”, “cha đẻ của Đổi mới trong nông nghiệp” ở Việt Nam. Còn rất nhiều tấm gương cán bộ lãnh đạo quyết định quan trọng cho việc thành bại của sự nghiệp đất nước, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp ở nước ta.
Khi hai vai lãnh đạo và lãnh tụ hòa nhập vào một con người thì đất nước, nhân dân có phúc, sung sướng, giàu có, đất nước phát triển. Khi một đơn vị, một doanh nghiệp có thủ trưởng là thủ lĩnh thì người lãnh đạo có 2 chức năng, tố chất ấy sẽ thành công, sẽ huy động được nguồn lực: sức lực, trí tuệ, đóng góp, quy tụ quanh người lãnh đạo đơn vị đó, tỉnh đó, huyện đó, xã đó, ban ngành đó và doanh nghiệp đó.
V.I.Lê nin đã từng nói: “Cán bộ quyết định tất cả”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói nhiều đến vai trò đạo đức của cán bộ. Trong bản Di chúc thiêng liêng viết từ hơn 50 năm trước (từ năm 1965), Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhiều di huấn về vai trò, về đào tạo, bồi dưỡng, tu dưỡng của đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp cách mạng trước khi đi xa: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”...
Là người cũng đã trải qua nhiều cương vị công tác, trong nhiều lĩnh vực như doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Lãnh đạo Khu Công nghệ cao Hòa Lạc,…, tôi rất thích mô típ lãnh đạo như Donald Trump - Tổng thống thứ 43 của Mỹ hiện nay, Tổng thống Nga V.Putin, Nữ tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic,… Họ có xuất xứ, lịch sử khác nhau nhưng có các tố chất của một lãnh đạo đáng kính.
Các tỷ phú thế giới như Bill Gates, Warren Buffett, Elon Musk, Mark Zuckerberg,... có thể xem là những tấm gương cho doanh nhân Việt Nam.
2. Các yếu tố, tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược
Theo tôi, cán bộ cấp chiến lược lãnh đạo đất nước trong giai đoạn này phải hội tụ được hầu hết các yếu tố, tiêu chuẩn như: đạo đức, trí tuệ…, cụ thể như sau:
Một là, phải có sức khỏe tốt (sức khỏe thể chất, sức khỏa tinh thần).
Hai là, có học thức chính quy, có tri thức khá toàn diện và ít nhất một chuyên môn sâu: “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Ba là, phải có đạo đức tốt: trong công việc, trong cuộc sống, trong gia đình, xã hội và tại cơ quan, nơi làm việc.
Bốn là, phải có tâm trong sáng, có tầm: thể hiện khả năng tư duy, nhìn nhận, đánh giá và hoạch định chiến lược cho phát triển.
Năm là, biết tích lũy kinh nghiệm: từ thực tiễn đã trải qua nhiều cương vị, địa vị, địa bàn, lĩnh vực công tác mà đúc rút ra kinh nghiệm thành công, thất bại và bài học cho mình, có tác động lan tỏa cho mọi người hoặc ít nhất là số đông.
Sáu là, có phương pháp tiếp cận mọi vấn đề mình gặp, xử lý một cách logic, khoa học, thực tế và khả thi khi gặp hoàn cảnh khó khăn, phức tạp. Ví dụ: xử lý biểu tình, bạo loạn, đơn thư tố cáo người khác, tố cáo mình,…
Bảy là, nói ít, phát biểu ngắn, cố gắng không phụ thuộc vào văn bản, vào bài đã được người giúp việc soạn trước mà nên xem xét tình thế, hoàn cảnh, môi trường diễn biến và loại hình đối tượng mà nói cho đúng, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ đồng cảm và dễ tiếp thu.
Phân công, phân nhiệm rất rõ công việc, trách nhiệm, quyền lợi cho người giúp việc (cấp phó), cộng sự, hoặc các tổ chức, cá nhân cấp dưới để họ chủ động chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước họ và trước mình. Không nên ôm đồm công việc. Làm việc đúng chức trách của mình. Làm sao mà mình đi vắng, nhưng cơ quan, đơn vị được giao phụ trách không bị ảnh hưởng đáng kể. Với thời đại công nghệ 4.0 thì nên khai thác, sử dụng công nghệ online để quản trị điều hành công việc, tiến tới ít họp trực tiếp nhất, dành thời gian đi cơ sở, sát dân, sát sự việc, công trình, nhất là những công việc trọng tâm, trọng điểm vì nơi đó họ cần mình hơn.
“Nói ít, họp ít, làm nhiều, gần dân, sát cơ sở” là khẩu hiệu, là nguyên tắc làm việc của cán bộ mà dân dễ gần, dễ phục và thành công. Xin bàn sâu về những nội dung này như sau:
Trước hết, cán bộ lãnh đạo cần quan tâm đến chất lượng, đến kế hoạch, chương trình lớn, lâu dài. Muốn làm được việc đó theo tôi là biết được mình là ai? Đang ở đâu? Trọng trách của mình? Và tác động thành bại cho xã hội do quyết định của mình tạo ra. Vì thế phải có tư duy logic, biết nghe mọi ý kiến, kể cả trái chiều, cần có phản biện khách quan, độc lập, khoa học trước vấn đề lớn, phức tạp, có tính chất quyết định. Biết chọn cái nào là cơ bản, cái nào là cốt lõi, cái nào cốt tử và có tính lan tỏa,… để làm.
Thứ hai, cán bộ lãnh đạo phải có kiến thức rộng, chịu khó học hỏi để có thể vào cuộc được với hệ thống chính trị xã hội như tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học công nghệ, quản trị, kinh tế xã hội, thậm chí tâm linh. Từ những kiến thức và năng lực đó mà có thể “chơi” được với bất cứ ai? ở đâu? khi nào? Từ đó, vị cán bộ lãnh đạo đó sẽ là “fan” hâm mộ của giới trẻ, của mọi tầng lớp, giai tầng xã hội và có khoảng cách nhất định với họ, nhưng nhỏ thôi vì mình là lãnh đạo. Gần 13 năm làm lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này: “Dân vận” - sống trong lòng dân.
Thứ ba, phải thực hành được phương ngôn: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” rất khó, vô cùng khó của Tôn Tử. Sống sao cho giản dị (có thể hòa đồng như người dân bình thường ngoài giờ hành chính hoặc khi đang thi hành công vụ, ăn sáng, uống cà phê, uống bia ngoài vỉa hè,…) . Phải là tấm gương cho con cháu chính trong gia đình mình học, soi vào để nó thành người tốt, không ỷ lại, cậy thế là con lãnh đạo, là các “thái tử”, không biết làm ra tiền mà chỉ biết có quá nhiều tiền để chi phí, đua đòi và hư hỏng. Lãnh đạo mà để con hư, gia đình không êm ấm, dòng tộc có nhiều vấn đề gây dư luận, ảnh hưởng không tốt,… thì không thể được với góc nhìn của xã hội, nhân dân và bản thân cán bộ lãnh đạo đó cũng không an tâm, an lòng mà làm việc, mà lên lớp rao giảng cho cấp dưới, cho quần chúng. Họ có thể hoan hô, vỗ tay, có thể dạ vâng nhưng trong lòng, trong tâm khảm họ không phục. Mà không tâm phục, khẩu phục thì không thể lãnh đạo thành công được.
Chúng ta có thể nhìn tấm gương của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hiện nay đang lãnh đạo Đảng và Nhà nước với một tâm thế như vậy. Về khía cạnh tham khảo, hãy nhìn vào gia đình, thân thế, sự nghiệp của ông Donald Trump - vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Thứ tư, có nguyên tắc và nhiều kinh nghiệm sẽ không ngại, không sợ, không né tránh những sự việc khó khăn, phức tạp. Chấp nhận va chạm, đối mặt với khó khăn, phức tạp thì sẽ tìm ra lối thoát - là giải pháp xử lý phù hợp, kết quả. Nghe dân nói, nghe ý kiến trái chiều, phản biện để sàng lọc tìm ra điểm chung về nguyên nhân, nguồn gốc xuất xứ của sự việc; từ đó có giải pháp xử lý, khắc phục triệt để nguyên nhân, chứ không chữa triệu chứng, để “biến sự phức tạp thành đơn giản”. Lãnh đạo phải biết biến ý kiến cá nhân mình khi đã suy nghĩ, xem xét chín muồi thành ý kiến, nghị quyết của tập thể.
Thứ năm, không ai giỏi toàn diện, không ai biết tất cả. Người lãnh đạo giỏi là người biết dùng người, biết quy tụ quần chúng, những người tài, giỏi, đức độ, các trí thức, doanh nhân, các bậc lão thành cao niên quanh mình, hiến kế cho mình. Tránh tình trạng “có người tài mà không biết, mà không dùng, dùng mà không tin”. Hãy tìm thấy ở họ và dùng họ ở cái mình thiếu, mình cần và không nên quan tâm quá đến khuyết điểm, hạn chế của họ. Nên động viên khéo léo để họ dốc lòng, dốc sức tận tâm với mình, với công việc. Làm được như vậy thì mình sẽ thành công, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Thứ sáu, đặt cho mình nguyên tắc làm việc: “bình tĩnh, tỉnh táo, sáng tạo, quyết đoán” trong mọi công việc, mọi tình huống, mọi vị trí đơn vị công tác, tiến tới có thể thành công ở hầu hết các công việc, các đơn vị mình được cấp trên phân công, phân nhiệm.
Thứ bảy, cán bộ đi công tác trong nước và nước ngoài phải thu được ít nhất từ 1 đến 2 kết quả sau chuyến công tác để về áp dụng cho công việc thì sẽ cải thiện hiệu quả công tác của cá nhân và đơn vị. Đi để học, đi để về làm tốt hơn chứ không như lâu nay.
3. Vài kiến nghị và giải pháp
Tôi đồng tình với chủ trương cần có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được đào tạo bài bản và được quy hoạch lâu dài hiện nay. Song, tôi cũng xin tham gia vài ý kiến như sau:
a) Quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn thể nhân dân Việt Nam. Vì thế, nên có cách nào đó để cho các đảng viên, các tổ chức Đảng và cả nhân dân lựa chọn, giới thiệu cho hệ thống các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ tập hợp được ý kiến giới thiệu của nhân dân.
Nên công khai rộng rãi tiểu sử, khả năng, trình độ và vị trí dự định bố trí cho các cán bộ thuộc diện quy hoạch để Đảng viên, nhân dân góp ý, tham gia kiểm tra, giám sát, giúp đỡ họ rèn luyện, học tập để trở thành lãnh đạo.
b) Các cán bộ đã được đưa vào quy hoạch phải có chương trình hành động rất cụ thể, có lời hứa, cam kết trước tổ chức Đảng, trước cấp trên, trước nhân dân nơi mình đã, đang làm việc và nơi sau này mình cống hiến. Có thể tổ chức các cuộc tranh cử như các đại biểu ứng cử tại mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
c) Nên điều động, luân chuyển các cán bộ đi cơ sở: chọn nơi nào khó khăn, gian khổ, phức tạp để tôi rèn họ.
d) Nên xem lại cách đào tạo chính quy, tại chức cho các chức danh cán bộ chiến lược. Đào tạo cách họ thành lãnh đạo như kiểu của Đại học Havard (Hoa Kỳ), Đại học Phương Đông (Nga), Trường Hành chính quốc gia (Pháp), hoặc Học viện Hành chính Quốc gia, cụ thể là: đào tạo các chương trình (hiểu, vận dụng, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật); đào tạo cách xử lý văn bản; điều hành một hội nghị, cuộc họp, hội thảo, tọa đàm,…; đào tạo kỹ năng sống cho cán bộ; đào tạo các chuyên môn văn hóa, tôn giáo; đào tạo cách xử lý tình huống lớn (biểu tình, bạo loạn, tiếp dân, trả lời báo chí); đào tạo kỹ năng và nghệ thuật tiếp khách, nói chuyện trước công chúng; đào tạo lòng trung thành, trung thực và tinh hiệu quả công việc; nên yêu cầu đi thực tế trong đào tạo có thu hoạch ngắn nhưng điều ở cơ sở và giải pháp...
đ) Cần học tập áp dụng mô hình tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, đãi ngộ cán bộ của Singapore: “Chọn người tài - trả lương cao - Bộ máy tinh gọn”. Năm 1997, tôi được dự án ODA của tổ chức DANIDA (Đan Mạch) đầu tư dự án cải cách hành chính tỉnh Đăk Lăk và được đi thực tế nhiều trường, nhiều cơ quan trung ương của Singapore, tôi thấy được nhiều về chính sách của họ trong tổ chức đào tạo sử dụng đãi ngộ cán bộ. Bằng phương pháp “head hunter - săn đầu người”, họ tìm cán bộ ngay khi cán bộ còn là sinh viên khá giỏi của năm gần cuối đại học, có chế độ đài thọ, tài trợ và mời hợp đồng về làm cơ quan nhà nước rất hấp dẫn. Họ trả lương cao hơn so với bên ngoài, họ có ưu đãi về nhà ở,… Theo tôi, ta nên cải cách chế độ tiền lương công chức, viên chức bằng cách cắt giảm 20-30% số lượng công chức, viên chức, lấy số tiền chi từ quỹ lương dư ra cộng với chính sách cấp thêm để trả lương cao gấp 2-2,5 lần hiện tại./.
TS. Nguyễn Văn Lạng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk
Nguồn: tcnn.vn