Làm rõ những việc cần thực hiện để hoàn thiện Nhà nước pháp quyềnTôi rất mừng khi Trung ương Đảng đặt vấn đề quyết tâm xây dựng và sớm ban hành một Nghị quyết riêng về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Những bài học thực tiễn trong các cuộc cải cách lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian qua cho thấy, sự thực hiện riêng lẻ các cuộc cải cách đó bằng những Nghị quyết khác nhau của Bộ Chính trị khó tránh khỏi trùng lặp, “vênh” nhau và có phần thiếu thống nhất trong tổng thể.
GS. TS. Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp
Khi tổng kết Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 cũng như Chương trình tổng thể cải cách hành chính, chúng ta thấy cần có một nghị quyết riêng để thiết kế một cách tổng thể, chỉ đạo thực hiện nhất quán theo hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, lấy việc bảo đảm những nguyên tắc pháp quyền làm linh hồn, đồng thời là thước đo để đo lường mức độ thành công của các cuộc cải cách trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cũng nói thêm rằng đây là Nghị quyết để thực hiện những ý tưởng, chủ trương mà Nghị quyết của Đại hội Đảng lần XIII đã đề ra, do đó chúng ta cần phải khẩn trương hơn về thời gian.
Từng giảng dạy khá nhiều về Nhà nước pháp quyền ở các lớp học khác nhau, trước khi giảng, bao giờ tôi cũng đặt một câu hỏi: Các anh/ chị (phần lớn là cán bộ, công chức, viên chức) hiểu như thế nào về Nhà nước pháp quyền? Đa phần học viên trả lời: Nhà nước pháp quyền là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Trả lời như vậy không sai, nhưng chưa đủ, chủ yếu đang ở mức độ nhận thức trên bề mặt của vấn đề thôi.
Nêu ví dụ như thế để tôi muốn đặt ra một yêu cầu cần có trong Nghị quyết về Nhà nước pháp quyền là phải xác định rõ nội hàm của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, vừa góp phần bảo đảm sự thống nhất về nhận thức, vừa lấy đó làm mô hình về mặt lý thuyết của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để đánh giá Nhà nước pháp quyền hiện thực, làm rõ những việc cần tiếp tục thực hiện để có Nhà nước pháp quyền hoàn thiện hơn.
Những thiết kế mang tính nội dung thiết yếu cần có của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong Nghị quyết có thể là: (i) Xác định rõ những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam như là tổng thể thống nhất của hai giá trị phổ biến của trí tuệ nhân loại và giá trị đặc thù do điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mức độ phát triển của đất nước ta quy định; (ii) Làm rõ bước phát triển về chất của Nhà nước pháp quyền trong vai trò về dân chủ, quyền con người, vai trò phục vụ, kiến tạo phát triển, từ đó đặt ra yêu cầu đổi mới sâu sắc tư duy, nhận thức về Nhà nước và pháp luật; (iii) Khẳng định một cách đầy đủ, rõ ràng hệ nguyên tắc pháp quyền mà Nhà nước, xã hội, công dân phải tuân theo và lấy đó làm yêu cầu đặt ra cho cải cách lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Phải nói rằng những nội dung này đã được các chương trình nghiên cứu nhà nước, các đề tài cấp nhà nước độc lập, đề tài cấp bộ và các công trình khoa học của các nhà khoa học đã nói đến nhiều, rất cần Đảng ta khẳng định thành chủ trương, chính sách, thể hiện một cách rõ ràng quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Tất cả vì dân chủ, sự thịnh vượng của đất nướcLiên quan đến một số vấn đề cụ thể như xác định mốc thời gian tổng kết công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, theo tôi nên lấy mốc từ Cách mạng tháng 8 năm 1945, đặc biệt là từ khi Hiến pháp năm 1946 được ban hành. Các chương trình nghiên cứu cấp nhà nước, các đề tài nhà nước độc lập cũng như nhiều công trình khoa học đã công bố đều khẳng định rằng, 5 bản Hiến pháp của nước ta (Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Hiến pháp 2013) là những nấc thang lớn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 do Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo soạn thảo, tuy không nhắc đến khái niệm pháp quyền hay Nhà nước pháp quyền, nhưng là bản Hiến pháp biểu hiện đầy đủ nhất những yếu tố cốt lõi của Nhà nước pháp quyền.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Chiến lược về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cần có những chuyên đề mang tính nội dung của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đó là các vấn đề bảo đảm dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền con người, pháp luật và tính tối thượng của pháp luật, vấn đề về mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền với xã hội, với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN… Xét về lý thuyết, đây là vấn đề gốc của Nhà nước pháp quyền, là tiêu chí cơ bản nhất để đo lường mức độ phát triển, hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền, đồng thời là yếu tố khẳng định, bảo đảm tính chính danh vốn là yêu cầu không thể thiếu được của Nhà nước pháp quyền.
Bộ máy nhà nước dù được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; pháp luật dù được xây dựng bằng dân chủ, bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục luật định, nhưng nếu không vì bảo đảm dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người thì bộ máy nhà nước và pháp luật đó vẫn được coi là chưa đáp ứng yêu cầu pháp quyền, chưa làm tròn vai trò pháp quyền của mình.
Bác Hồ đã từng khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2000, tập 5, trang 689).
Thấm nhuần tư tưởng đó, Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội thực hiện cải cách, đổi mới đều khẳng định vị trí, vai trò làm chủ của nhân dân, lấy việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân làm mục tiêu, đồng thời là động lực của sự phát triển. Tất cả các chủ trương lớn của Đảng ta về cải cách lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, về chống quan liêu, tiêu cực, tham nhũng… đều nhằm mục đích bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, đều nhằm tìm kiếm, xác lập cho được cơ chế hữu hiệu thực hiện quyền lực thực sự của nhân dân, bảo đảm quyền con người, xây dựng một Nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển. Vì vậy, những vấn đề đó trong Nhà nước pháp quyền phải được đặt thành một nội dung lớn để nghiên cứu với tư duy và cách tiếp cận mới.
Trong các nội dung nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền, trước hết cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về sắp xếp thứ tự ưu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống, vấn đề gì mà kết quả nghiên cứu của nó là tiền đề phải có cho việc nghiên cứu vấn đề sau thì phải được ưu tiên đầu tư nghiên cứu trước trong thời hạn ngắn nhất có thể... Chẳng hạn, những vấn đề lý luận phải đi trước một bước, góp phần bảo đảm nhận thức thống nhất về lý luận, về mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà chúng ta muốn có, lấy đó làm cơ sở lý thuyết cho việc đánh giá thực trạng, xác định định hướng tiếp tục cải cách lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp… theo nguyên tắc pháp quyền.
Đồng thời với việc xác định thứ tự ưu tiên các nội dung nghiên cứu cũng rất cần tăng cường hình thức hội thảo chung và tọa đàm liên ngành để nâng cao nhận thức chung, kế thừa các kết quả nghiên cứu của nhau, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá và đồng bộ trong việc đề xuất định hướng, giải pháp hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
GS. TS. Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư phápNguồn: baophapluat.vn