Mới gần nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã có 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật. Từ thực trạng này đã đặt ra vấn đề về quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ. Tại sao nhiều cán bộ được quy hoạch, bổ nhiệm đúng quy trình nhưng sau đó lại xảy ra sai phạm?
Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Tại Hội nghị bất thường diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 cựu Ủy viên Trung ương Đảng là ông Chu Ngọc Anh, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; và ông Nguyễn Thành Long, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, do những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến vụ Việt Á.
Tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra, các ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng đã bị cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương vì những sai phạm xảy ra trong những nhiệm kỳ trước.
Qua những trường hợp này cho thấy, ngoài việc phải xem xét lại các quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ, thì phải xem đến trách nhiệm của những cá nhân tham gia vào quá trình lựa chọn, giới thiệu, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ.
Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong công tác cán bộ của Đảng, những người có trách nhiệm để tham gia vào quá trình đó cũng phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn, giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí đó. “Quy trình gì đi chăng nữa cũng phải qua thực hiện của con người”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo nguyên tắc tổ chức của Đảng, tập thể cấp ủy mới có quyền quyết định về công tác cán bộ. Tuy vậy, thực tế lại đang bị chi phối rất lớn từ người đứng đầu bằng quyền lực mềm, những người đứng đầu rất có thể sẽ “lái” các bước trong công tác cán bộ theo ý mình.
Từ thực tế này, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị phải làm rõ, cụ thể các bước dân chủ và tập trung.
Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt tử trong hoạt động của Đảng nhưng chỗ này, chỗ kia vẫn chưa được thực hiện nghiêm. Trong Quy định 105 của Bộ Chính trị có 5 bước để tiến hành bổ nhiệm cán bộ, vậy bước nào là bước dân chủ, bước nào là bước tập trung cần phải tiếp tục làm rõ. Chỗ nào phải để cho dân chủ, để người ta có ý kiến, để có được lá phiếu đúng đắn nhất về uy tín của cán bộ được bổ nhiệm; chỗ nào phải định hướng, phải tập trung, cũng cần phải thể hiện rất sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tất cả quy trình cán bộ đều do con người thực hiện ngay từ khâu đầu tiên là giới thiệu cán bộ không phải cả tập thể đồng loạt giơ tay giới thiệu một người mà thực tế là có một người đề xuất, khởi xướng lựa chọn cán bộ. Người giới thiệu nhân sự có thể xuất phát từ lợi ích cá nhân mà đề xuất tiến cử cán bộ. Do vậy khi tiến cử cán bộ sai, người tiến cử giới thiệu phải liên đới chịu trách nhiệm, có như vậy mới lựa chọn được cán bộ đủ tâm, tài, trí phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
“Nhiều người giới thiệu “đàn em” mình kế tục mình nhưng họ lại rơi vào vòng lao lý vậy mình có trách nhiệm không, trách nhiệm rất lớn. Anh giới thiệu sai, tôi muốn tìm động cơ của anh khi giới thiệu, giới thiệu là vì "cánh hẩu" với anh, cùng lợi ích nhóm với anh hay giới thiệu để “bảo lãnh chính trị”. Nếu xảy ra tình trạng người mình giới thiệu vi phạm thì mình cũng phải gánh trách nhiệm”, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào nêu quan điểm.
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo VnEconomy
PGS. TS. Nguyễn Vũ Tiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, chúng ta đã nhiều lần đề cập trách nhiệm của người giới thiệu, lựa chọn, bố trí sai cán bộ, nhưng thực tế, chưa có trường hợp nào người làm công tác tổ chức cán bộ bị xem xét trách nhiệm đúng mức, bởi chúng ta mới nói trách nhiệm chung chung, chứ chưa thật cụ thể. Vì vậy, nếu không có quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với cấp ủy và người đứng đầu khi chọn cán bộ sai, khó lòng khắc phục được tình trạng quy trình đúng, kết quả sai như thời gian vừa qua.
“Chúng ta có quy định nhưng chúng ta mới chỉ nói về mặt Đảng, thế nhưng chịu trách nhiệm thế nào phải có luật, trong Luật cán bộ công chức có lẽ cần sửa đổi vấn đề này, giới thiệu sai, giới thiệu không đúng cán bộ, trách nhiệm của người giới thiệu, của cấp ủy đó như thế nào. Chứ cứ nói phải chịu trách nhiệm chung chung sẽ không đạt được mong muốn đội ngũ cán bộ có chất lượng”, PGS. TS. Nguyễn Vũ Tiến phân tích thêm.
Đằng sau các chức vụ lãnh đạo, quản lý là quyền lực, bổng lộc. Việc bố trí nhân sự sẽ chịu nhiều sự tác động, vì vậy rất cần có những quy định chặt chẽ với những chế tài cụ thể để có tác dụng răn đe, kiểm soát quyền lực mạnh mẽ hơn trong công tác giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ./.
Nguồn: vov.vn