CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
(Theo Nghị định 116/2008/NĐ-CP, ngày 14/11/2008)
Vị trí và chức năng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch phát triển, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế chung và một số lĩnh vực cụ thể; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế (bao gồm cả khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác); quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt ODA) và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đấu thầu; thành lập, phát triển doanh nghiệp và khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; thống kê; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Trình Chính phủ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm và hàng năm của cả nước cùng với các cân đối vĩ mô của nền kinh tế quốc dân; lộ trình, kế hoạch xây dựng, sửa đổi các cơ chế, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô; quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển; tổng mức và cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước theo ngành, lĩnh vực; tổng mức và phân bổ chi tiết vốn đầu tư trong cân đối, vốn bổ sung có mục tiêu; tổng mức và phân bổ chi tiết vốn trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia; chương trình của Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sau khi được Quốc hội thông qua; chiến lược nợ dài hạn trong chiến lược tổng thể về huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, ODA và việc đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ; chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển các loại hình doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; các dự án khác theo sự phân công của Chính phủ.
3. Trình Thủ tướng Chính phủ:
a) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng, lãnh thổ; quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế; tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước; danh mục các chương trình, dự án đầu tư quan trọng bằng các nguồn vốn; các khoản chi dự phòng của ngân sách trung ương cho đầu tư xây dựng cơ bản, bổ sung dự trữ nhà nước, hỗ trợ tín dụng nhà nước, góp vốn cổ phần, liên doanh; chi ứng trước cho đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật; kết quả thẩm định các dự án quy hoạch, thẩm định kế hoạch đấu thầu và kết quả đấu thầu các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm phát triển các loại hình doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã;
b) Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thống kê và các dự thảo văn bản khác trong các ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.
4. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển, thống kê đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
6. Về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch:
a) Xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sau khi được Quốc hội thông qua; điều hành thực hiện kế hoạch về một số ngành, lĩnh vực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao;
b) Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong từng thời kỳ; tổng hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển của các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng, lãnh thổ, quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế; có ý kiến về các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi được yêu cầu;
c) Tổ chức công bố chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ sau khi được phê duyệt; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch, kế hoạch hàng năm và năm năm gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và vùng, lãnh thổ đã được phê duyệt;
d) Tổng hợp chung các cân đối chủ yếu của nền kinh tế quốc dân: cân đối tích luỹ và tiêu dùng; cân đối về tài chính, tiền tệ; vay và trả nợ nước ngoài; ngân sách nhà nước; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và giám sát các cân đối này; đề xuất các giải pháp lớn để giữ vững các cân đối theo mục tiêu chiến lược và kế hoạch; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và lập dự toán ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện mục tiêu kế hoạch;
đ) Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương; tổ chức theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định kỳ hàng tháng, quý, năm.
7. Về đầu tư phát triển và phân bổ ngân sách nhà nước:
a) Tổng hợp chung về đầu tư phát triển. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch về đầu tư toàn xã hội năm năm, hàng năm; danh mục các chương trình, dự án ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA; danh mục các chương trình, dự án đầu tư nhóm A trở lên sử dụng nguồn vốn của Nhà nước và danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu, các dự án quan trọng;
b) Xây dựng tổng mức và cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo ngành, lĩnh vực; tổng mức và cân đối vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước theo ngành, lĩnh vực (bao gồm cơ cấu đầu tư của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương); tổng mức vốn dự trữ nhà nước, tổng mức vốn góp cổ phần và liên doanh của nhà nước, vốn bổ sung cho các doanh nghiệp công ích, tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ và công trái theo ngành, lĩnh vực, tổng mức vốn chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp phân bổ chi tiết vốn đầu tư trong cân đối ngân sách cho các Bộ, ngành, vốn bổ sung dự trữ nhà nước, vốn đối ứng ODA và các dự án quan trọng, vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và công trái theo ngành, lĩnh vực.
Tổng hợp phân bổ chi tiết vốn của từng chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp), các chương trình mục tiêu và các khoản bổ sung có mục tiêu khác;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển; giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước, đặc biệt là vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước;
d) Thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước các dự án đầu tư quan trọng quốc gia; thẩm định các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu và các dự án khác do Thủ tướng Chính phủ giao; thẩm tra các dự án đầu tư khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.
8. Về đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài:
a) Làm đầu mối giúp Chính phủ quản lý đối với hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư;
b) Thực hiện việc đăng ký hoặc thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và chủ trì thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT;
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư, đề xuất hướng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, triển khai và thực hiện dự án đầu tư; đánh giá kết quả và hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; kiểm tra, giám sát, đánh giá tổng thể hoạt động đầu tư công. Báo cáo tình hình thực hiện chương trình mục tiêu và dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư; làm đầu mối tổ chức các cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ với các nhà đầu tư ở trong nước và ở nước ngoài.
9. Về quản lý ODA:
a) Là cơ quan đầu mối trong việc thu hút, điều phối và quản lý nhà nước về ODA; chủ trì soạn thảo chiến lược, chính sách, định hướng thu hút và sử dụng ODA; hướng dẫn các cơ quan chủ quản xây dựng danh mục các chương trình, dự án ưu tiên vận động ODA; tổng hợp Danh mục các chương trình, dự án ODA yêu cầu tài trợ;
b) Chủ trì việc chuẩn bị nội dung, tổ chức vận động và điều phối các nguồn ODA phù hợp với chiến lược, định hướng thu hút, sử dụng ODA; đề xuất việc ký kết điều ước quốc tế khung về ODA và điều ước quốc tế cụ thể về ODA không hoàn lại theo quy định của pháp luật; hỗ trợ các Bộ, ngành và các địa phương chuẩn bị nội dung và theo dõi quá trình đàm phán điều ước quốc tế cụ thể về ODA với các nhà tài trợ;
c) Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức có liên quan chuẩn bị chương trình, dự án ODA; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định cơ chế tài chính trong nước sử dụng vốn ODA thuộc diện ngân sách nhà nước cấp phát hoặc cho vay lại;
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp và lập kế hoạch giải ngân vốn ODA, xây dựng kế hoạch vốn đối ứng hàng năm và xử lý các nhu cầu đột xuất đối với các chương trình, dự án ODA thuộc diện cấp phát từ nguồn ngân sách nhà nước;
đ) Theo dõi, kiểm tra và đánh giá các chương trình, dự án ODA theo quy định của pháp luật; làm đầu mối xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề có liên quan đến nhiều Bộ, ngành; định kỳ tổng hợp báo cáo về tình hình và hiệu quả thu hút, sử dụng ODA.
10. Về quản lý đấu thầu:
a) Thẩm định kế hoạch đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi việc tổ chức thực hiện công tác đấu thầu đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổng hợp việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu; tổ chức mạng lưới thông tin về đấu thầu theo cơ chế phân cấp hiện hành.
11. Về quản lý các khu kinh tế:
a) Xây dựng, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu kinh tế trong phạm vi cả nước;
b) Tổ chức thẩm định quy hoạch tổng thể các khu kinh tế, việc thành lập các khu kinh tế; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu kinh tế sau khi được phê duyệt;
c) Làm đầu mối hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo tình hình đầu tư phát triển và hoạt động của các khu kinh tế; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất về mô hình và cơ chế quản lý đối với các khu kinh tế.
12. Về thành lập và phát triển doanh nghiệp:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước; cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ đối với sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế;
b) Tham gia cùng các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định đề án thành lập, sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước; tổng hợp tình hình sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước và tình hình phát triển doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác của cả nước;
c) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác đăng ký kinh doanh; hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh; kiểm tra, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện đăng ký kinh doanh và sau đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.
13. Về kinh tế tập thể, hợp tác xã:
a) Xây dựng chiến lược, chương trình và kế hoạch phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng kết việc thực hiện các chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã;
b) Tổ chức xây dựng các cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
14. Về lĩnh vực thống kê:
a) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực thống kê; thống nhất quản lý việc công bố và cung cấp thông tin thống kê, niên giám thống kê theo quy định của pháp luật;
b) Quy định thẩm quyền ban hành các bảng phân loại thống kê (trừ bảng phân loại thống kê của ngành toà án, kiểm sát) theo quy định của pháp luật;
c) Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cơ sở, chế độ báo cáo thống kê tổng hợp, chương trình điều tra thống kê quốc gia dài hạn, hàng năm và các cuộc điều tra thống kê theo quy định của pháp luật.
15. Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, bao gồm:
a) Xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án sau khi được phê duyệt;
b) Trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm theo thẩm quyền các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, kế toán trưởng;
c) Phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
16. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
17. Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
18. Quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định pháp luật; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ.
19. Quản lý nhà nước các hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
20. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
21. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung, chương trình cải cách hành chính nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
22. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
23. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
24. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.