BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hà Nội: Hiệu quả bước đầu của sắp xếp tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ

22/09/2016 13:43

Thực hiện xong giai đoạn 2 của quá trình sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, với việc giảm 171 trưởng, phó phòng; 55 phòng, ban, TP. Hà Nội được Ban Tổ chức Trung ương đánh giá thực hiện nghiêm túc, bước đầu có hiệu quả và có nhiều sáng tạo.

Ảnh minh họa

Xong giai đoạn 2 của quá trình sắp xếp

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, UBND TP. Hà Nội đã xây dựng quy chế làm việc gồm 53 điều, cụ thể từng chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Sau xây dựng quy chế, TP. Hà Nội tiếp tục xây dựng kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 liên quan đến công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ với mục tiêu quá trình sắp xếp phải bảo đảm ổn định công việc, không gây xáo trộn tư tưởng trong cán bộ, nhân viên. Quá trình thực hiện cũng phải bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của bộ máy trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm một người một việc xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở.

Trên cơ sở các yêu cầu như vậy, TP. Hà Nội thực hiện theo 4 giai đoạn: Thứ nhất là sắp xếp lại các phòng ban, cơ quan thuộc UBND thành phố; sau đó rút kinh nghiệm thực hiện sắp xếp ở 22 Sở và cơ quan ngang Sở (hiện nay đã thực hiện xong giai đoạn 2); giai đoạn 3 vào cuối tháng 9 và tháng 10 thực hiện sắp xếp các Ban quản lý dự án và các quận, huyện, thị xã; thứ 4 là sắp xếp lại các vị trí việc làm trên cơ sở thu gọn đầu mối công việc.

Xong giai đoạn 2, toàn Thành phố đã giảm 55 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp; giảm 35 trưởng phòng, ban, 136 phó phòng, ban.

Trong đó, 22/22 Sở và tương đương sau sắp xếp giảm 46 phòng ban (22,5%), giảm thêm 6 phòng, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Bảo lưu phụ cấp chức vụ đối với trưởng, phó phòng sau sắp xếp, kết hợp xem xét luân chuyển, điêu động, bô nhiệm ở những vị trí thích hợp.

Ở các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, sau rà soát, sắp xếp giảm từ 401 xuống 280 đơn vi, giảm 121 đơn vị (30,2%).

Đi vào vấn đề cụ thể tại các đơn vị sau thực hiện, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, khó khăn trong quá trình thực hiện tại các đơn vị là sự thông suốt về nhận thức, cách làm, phương pháp từ lãnh đạo TP đến các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã đến lãnh đạo cấp phòng… Quá trình thực hiện đã có 6 lần Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố đối thoại với Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các đơn vị.

Tại các Sở, lãnh đạo các đơn vị cũng thực hiện đối thoại nhiều lần với cán bộ lãnh đạo các phòng, ban để đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Chung, không phải ở đơn vị nào cũng đạt được sự đồng 100% ở đội ngũ cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp lại. Một số ít cán bộ lãnh đạo, quản lý dôi dư sau sắp xếp, bố trí lại còn lo lắng, tâm tư về chế độ, chính sách, có ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy đây vấn đề khó khăn nhất trong quản lý, sắp xếp lại tổ chức trong các Sở và cơ quan tương đương.

Sẽ giảm tiếp biên chế

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chắc chắn trong thời gian tới thành phố sẽ giảm tiếp biên chế bởi ngay trong quá trình sắp xếp lại có thể nhìn thấy những vị trí việc làm dôi dư sau sắp xếp. Ví dụ được ông Nguyễn Đức Chung nêu ra là trong công tác quản lý quảng cáo trước đây do 5 đơn vị quản lý (Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông Vận tải, các quận, huyện) nhưng nay đã dồn về một đơn vị quản lý là Sở Văn hóa và Thể thao.

Cũng như vậy, về quản lý chiếu sáng, trước kia do 3 đơn vị quản lý (trên vỉa hè là Sở Xây dựng, chiếu sáng giữa lòng đường là Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa Thể thao) nhưng nay chiếu sáng liên quan đến trang trí thuộc Sở Văn hóa Thể thao quản lý, còn lại do Sở Xây dựng quản lý.

“Như vậy đương nhiên cán bộ ở các bộ phận làm về quản lý quảng cáo ở các quận, huyện, thị xã và các Sở cũng như cán bộ thuộc các phòng quản lý chiếu sáng sẽ dôi dư sau sắp xếp”, Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch TP Hà Nội cũng khẳng định, trong thời gian tới số lượng cán bộ, công chức cấp phường xã sẽ giảm sau sắp xếp, giảm ở 3 bộ phận. Đó là, khi thành phố thí điểm xong và thực hiện chi trả tiền lương hưu chuyển sang chi trả qua bưu điện; thứ hai là thành phố đang đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, khi vận hành ổn định số lượng cán bộ tại các bộ phận này sẽ giảm; thứ 3 khi đã hiện đại hóa được nền hành chính số lượng cán bộ chắc chắn sẽ giảm.

Tuy nhiên, sang giai đoạn sắp xếp lại các vị trí việc làm, Hà Nội sẽ gặp vướng mắc trong một số lĩnh vực, tiêu biểu ở ngành giáo dục liên quan đến các vị trí phục vụ. Hiện Hà Nội có khoảng trên 133.000 cán bộ, giáo viên, trong đó có trên 98.000 vị trí là giáo viên. Số còn lại là lực lượng quản lý và vị trí phục vụ, trong đó các vị trí phục vụ đang được thành phố tính toán lại.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT, mỗi trường học hiện có 6 biên chế nhân viên (1 thư viện, 1 kế toán, 1 thủ quỹ, 1 y tế, 1 văn thứ lưu trữ). Với số lượng học sinh đông, số trường, điểm trường, và lớp học khá lớn và với mô hình trường học tương lai là học 2 buổi/ngày, việc giảm biên chế cho các chức danh này là vấn đề khó khăn đối với ngành.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, với ngành GD&ĐT, vấn đề bất cập là quy định liên quan đến các điểm trường, Hà Nội có 2.652 trường, trên 9.000 phòng học và khoảng 1,7 triệu học sinh. Nếu chia đều có khoảng 19 học sinh/phòng học. Tuy nhiên, có nơi lên đến trên 40 học sinh/lớp, có nơi chỉ gần 20 học sinh/lớp. Số học sinh/lớp học chênh lệch giữa khu vực nội thành và ngoại thành rất lớn. Chính vì vậy trong thời gian qua căn cứ vào quy định và để giảm bớt áp lực số học sinh/lớp, thành phố đã phát triển thêm các điểm trường, như vậy lại gắn với phát triển thêm biên chế trong ngành giáo dục. Việc tăng trường, tăng lớp dẫn đến nơi thì thừa chỉ tiêu, nơi thì thiếu chỉ tiêu đối với khu vực nội thành, ngoại thành.

Ngành Y tế cũng gặp bất cập khi hiện nay cấp quận, huyện có ít nhất 4 cơ sở y tế: Phòng Y tế, Y tế dự phòng, dân số và các bệnh viện. Theo ông Nguyễn Đức Chung, có những phường đã có bệnh viện nhưng vẫn có trạm y tế mà người dân hiếm khi vào trạm y tế khám bệnh. Hiện nay, thành phố đang thực hiện quy hoạch liên quan đến Sở Y tế và Sở GD&ĐT, trong đó có liên quan đến chức năng của trạm y tế, phòng y tế và các vị trí thuộc ngành GD&ĐT theo hướng tinh gọn nhất.

Để thực hiện hiệu quả các giai đoạn còn lại, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, thành phố đang tiếp tục tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đồng thời xây dựng quy chế, quy trình giải quyết từng công việc cụ thể từ cơ sở xã, phường đến thành phố. Phấn đấu đến năm 2020 cung cấp từ 70% - 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính.

Trong năm 2016, Hà Nội sẽ hoàn thành phê duyệt đề án vị trí, việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp. Trong mục tiêu đặt ra, đến năm 2020, Hà Nội cũng giảm tối thiểu 10% số biên chế được giao và hoàn thành trước 1 năm so với yêu cầu của Nghị quyết 39-NQ/TW.

Gia Huy

Nguồn: http://chinhphu.vn
Tìm kiếm