Những cách làm chủ động, sáng tạo
Chia nhỏ 27 biểu hiện trong Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII thành 82 biểu hiện nhỏ hơn để dễ “soi chiếu”, đánh giá là cách làm sáng tạo của Tỉnh ủy Trà Vinh. Việc này khởi nguồn từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét kết quả tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân, thấy hầu hết nhận diện, đánh giá còn chung chung.
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Tiến cho biết: Từ các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến toàn bộ đảng viên, không ai dám nhận mắc biểu hiện suy thoái gì, chỉ ghi là có hoặc chưa có. Rất nhiều tập thể tự đánh giá không có biểu hiện suy thoái. Điều đó gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch khắc phục.
Do mỗi biểu hiện trong 27 biểu hiện có nội hàm rộng, trong khi một cá nhân, đơn vị chỉ mắc một hoặc vài nội dung trong đó. Vì vậy, sau khi chỉ đạo các địa phương, đơn vị góp ý kiến và giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu cụ thể hóa từ 27 thành 82 biểu hiện nhỏ hơn, ngày 20-4-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có công văn yêu cầu các tập thể, cá nhân tổ chức đánh giá lại. Sáu tổ công tác được thành lập để kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thường xuyên. Mỗi quý, tổ công tác kiểm tra ít nhất từ hai đến ba đơn vị, nhận xét từng tổ chức, cá nhân người đứng đầu, có đề xuất những trường hợp cần khen thưởng hoặc phê bình, xử lý.
Sau ba tháng triển khai, kết quả đánh giá (tổng hợp vào tháng 7-2017) cho thấy đã có sự cải thiện rõ nét. Theo đồng chí Trần Văn Tiến, các tập thể và cá nhân nghiêm túc, mạnh dạn hơn trong tự phê bình và phê bình, chỉ ra được những biểu hiện suy thoái, từ đó xác định rõ nội dung cần tập trung sửa chữa, khắc phục, tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Những biểu hiện mắc phải chủ yếu là: Trong kiểm điểm, phê bình còn nể nang, né tránh; lười học tập lý luận chính trị, nghị quyết của Đảng; không sâu sát tình hình cơ sở, thiếu kiểm tra đôn đốc; lãng phí thời gian lao động... Không có trường hợp nào mắc biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cùng với đó, Tỉnh ủy triển khai cho toàn bộ đảng viên viết bản cam kết giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái tùy theo vị trí công tác hoặc nhiệm vụ được phân công và tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Cá nhân nào viết cam kết mà nội dung có biểu hiện sao chép, rập khuôn, thiếu thực tế, chưa gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, phải viết lại cho đến khi đạt yêu cầu. Bản cam kết được giao cho chi bộ theo dõi, có đánh giá trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng và báo cáo cấp trên mỗi quý.
Bên cạnh việc chỉ đạo nhận diện các biểu hiện cho đúng và sát, tỉnh chủ động phòng ngừa thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái. Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị đổi mới nội dung, hình thức các cuộc tiếp xúc cử tri sao cho phát huy được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân. Sáu tháng hoặc một năm, đảng viên là cán bộ chủ chốt tự phê bình trước quần chúng và tiếp thu ý kiến góp ý. Các tổ chức đảng, chính quyền có những hình thức để người dân đánh giá, phản hồi về thái độ, tác phong công tác, về sở hữu tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên...
Tỉnh ủy thành lập ba đoàn kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, đồng thời phân công các thành viên trực tiếp làm việc với chi bộ nơi cư trú, chi bộ nơi đảng viên đang sinh hoạt để đối chiếu kết quả kê khai. Bí thư Huyện ủy Càng Long Nguyễn Thanh Chấm cho biết, năm 2017, ngoài việc niêm yết công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý tại cơ quan, huyện tổ chức công khai thêm tại các cuộc họp chi bộ mở rộng nơi cán bộ cư trú. Đây là chỉ đạo mới của Tỉnh ủy nhằm tăng tính minh bạch, sự trung thực và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Thông qua kênh kiểm tra này, huyện ủy biết trong số 95 cán bộ, đảng viên, có 18 đồng chí kê khai thiếu thông tin, hai đồng chí kê khai không đúng quy định.
Theo Bí thư Huyện ủy Tiểu Cần Bùi Thiết Côn, đưa cán bộ chủ chốt ra tự phê bình trước dân hoặc tăng cường đối thoại với người dân là những cách làm hiệu quả nhằm phát hiện hạn chế, thiếu sót trong chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ và kịp thời nắm bắt những vấn đề có vướng mắc để chỉ đạo giải quyết, tránh xảy ra mâu thuẫn, bức xúc kéo dài, khiếu kiện vượt cấp. Cuối tháng 5 vừa qua, huyện tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền xã và người dân tại xã Tân Hùng với hơn 150 người tham dự. Sau khi nghe Đảng ủy xã báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, người dân có nhiều ý kiến góp ý, phản ánh về một số hạn chế mà người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã cần quan tâm. Đó là, chỉ đạo thực hiện công tác thủy lợi nội đồng chậm, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sản xuất. Tình trạng người dân tự ý chuyển đổi đất ruộng thành đất vườn xảy ra khá nhiều, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất lúa mà còn phá vỡ quy hoạch vùng sản xuất, nhưng chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời. Một vài cán bộ lãnh đạo xã chưa sâu sát cơ sở. Vai trò tiên phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên nơi cư trú chưa cao... Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã giải trình từng vấn đề người dân nêu và tiếp thu những ý kiến góp ý, từ đó xác định nhiệm vụ cần tập trung trước mắt.
Khắc phục khuyết điểm gắn với giải quyết vấn đề bức xúc
Xác định thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII là phải khắc phục cho được những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra, Tỉnh ủy Trà Vinh rất coi trọng việc kiểm tra vấn đề này, đồng thời đánh giá tình hình ở cơ sở, nhất là việc giải quyết những vấn đề bức xúc. Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Minh Đằng cho biết, Tỉnh ủy thường xuyên có văn bản đôn đốc. Thí dụ, công văn ngày 7-4-2017 gửi các tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy, bí thư các ban cán sự đảng, đảng đoàn, nêu rõ: Kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 43 khuyết điểm, hạn chế; đến cuối năm 2015, đã khắc phục được 35, còn lại tám hạn chế, khuyết điểm mới chỉ khắc phục một phần. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, yêu cầu các đồng chí rà soát, đánh giá kết quả khắc phục. Đến nay, có phát sinh mới hay tái phạm không? Kèm theo công văn là phụ lục tám khuyết điểm.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị tập trung rà soát, đánh giá, từ đó nhiều vấn đề “nóng” được quan tâm giải quyết. Sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai tại UBND huyện Duyên Hải cũ (từ năm 1992 đến 2015) đã được tỉnh chỉ đạo thanh tra làm rõ. Qua thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng, sáu địa phương, đơn vị có sai phạm đã bị xử lý, kiến nghị thu hồi hơn 19 tỷ đồng (đã thu được hơn 699 triệu đồng). Thu hồi nhiều diện tích đất công bị lấn chiếm trên địa bàn thành phố Trà Vinh. Khắc phục những trường hợp sai sót sau tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh trong hai năm 2014 và 2015. Đôn đốc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015”. Giám sát việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh; tiến độ thi công dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Trà Vinh… Năm 2017, qua công tác kiểm tra, giải quyết tố cáo, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 79 đảng viên (có 25 cấp ủy viên các cấp), trong đó cách chức sáu cá nhân và khai trừ chín cá nhân do có vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, đoàn kết nội bộ, những điều đảng viên không được làm, làm trái nguyên tắc tài chính, không chấp hành quyết định điều động.
Để thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ngô Chí Cường cho biết, đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy cụ thể hóa 82 biểu hiện thành những biểu hiện nhỏ hơn nữa, giúp việc nhận diện thẳng thắn và sâu sát hơn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” bằng cách mở rộng nhiều nội dung công khai như: các giải pháp, chương trình, kế hoạch hành động, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII; việc khen thưởng, kỷ luật; kết quả kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác đánh giá, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, quy hoạch cán bộ; kết quả tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân; việc mua sắm, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng… Đối với từng cá nhân, công khai bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và bản kê khai tài sản, thu nhập.
Tỉnh ủy tiếp tục rà soát sát sao và chỉ đạo uốn nắn việc khắc phục những biểu hiện suy thoái, nhất là những hạn chế, khuyết điểm liên quan đến việc trọng tâm, bức xúc trên địa bàn. Việc lấy ý kiến tín nhiệm của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý các cấp được thực hiện rộng rãi, tập trung vào những nội dung về phẩm chất đạo đức, lối sống, quan hệ và phong cách vận động quần chúng. Đồng thời, coi đây là một trong những cơ sở để xem xét khi bổ nhiệm, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, nhằm bảo đảm ý kiến của quần chúng nhân dân được phát huy hiệu quả, tránh hình thức. Tỉnh sẽ ban hành Quy chế người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.