BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở Khánh Hòa

15/06/2018 08:14

Sâu sát và chủ động. Những bài học ấy không bao giờ cũ trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều năm nay, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở Khánh Hòa thường xuyên được đổi mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Bám sát cơ sở, chủ động giải quyết bức xúc

Xã Sơn Bình, huyện miền núi Khánh Sơn ngày hè nắng như đổ lửa. Những con suối cạn khô. Những vạt đồi cháy sém. Đồng chí Lê Thanh Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cảm nhận hết sự cằn khô, bức bối nơi này. Khô như vậy, trồng trỉa làm sao, chăn nuôi làm sao? Làm việc với lãnh đạo địa phương và các ban, ngành đi cùng, đồng chí quyết định chi ngay 1,1 tỷ đồng, đầu tư công trình cấp nước sạch cho xã Sơn Bình. Chỉ một thời gian ngắn thi công, cả xã Sơn Bình đã có nước sạch để dùng hằng ngày. Nước trong và mát lắm. Chẳng như trước nay, nước suối mùa nắng thì phải chắt từng giọt, những ngày mưa thì đục như nước bùn mà vẫn phải dùng ăn uống. Bà con vui mừng chia sẻ.

Với phương châm lãnh đạo, chỉ đạo theo tư duy tỉnh sát xã; huyện sát thôn; xã sát hộ dân. Toàn bộ các đồng chí thường vụ, các Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND đều được phân công trực tiếp theo dõi, phụ trách một số xã, phường. Trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phải phụ trách những xã thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn. Trong chương trình công tác hằng năm, các đồng chí được phân công theo dõi, phụ trách đều xây dựng nội dung kiểm tra, chỉ đạo các địa phương được phân công. Nhờ đó, kinh tế - xã hội ở các xã, phường được định hướng ở tầm cao hơn. Những vướng mắc trong thực tiễn được xử lý kịp thời, hiệu quả.

Đi sâu cơ sở, đi sát nhân dân mới thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng, những điều nhân dân bức xúc. Nhưng, điều ấy lại khiến những đồng chí được phân công đi cơ sở trở nên... bức xúc. Bởi yêu cầu phát triển là lớn, nhu cầu của người dân về nhiều mặt cũng rất lớn. Mà người đi cơ sở, đứng trước dân, cũng chỉ biết có... hứa, để về... xin ý kiến. Mà đã phải xin ý kiến thì thời gian chờ đợi khá dài. Từ đó, nhiều đồng chí tỏ ra ái ngại khi đi cơ sở. Từ bài học thực tế sinh động đó, Tỉnh ủy Khánh Hòa xây dựng cơ chế cho phép mỗi đồng chí thường vụ, thường trực được phép quyết định chi trực tiếp số tiền một tỷ đồng đầu tư cho các công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa bàn mình phụ trách. Thấy điều gì cần thiết cho dân thì quyết ngay.

Có thể thấy, cách làm sát dân, chủ động, tạo động lực góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn cấp xã, phường. Bí thư Tỉnh ủy Lê Thanh Quang cho biết, hiện nay, số tiền mỗi đồng chí thường vụ, thường trực được phép trực tiếp chi hằng năm là 1,5 tỷ đồng. Cùng với hiệu quả kinh tế - xã hội là niềm tin của người dân đối với lãnh đạo tỉnh tăng lên.

Khánh Hòa có hai huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, phần lớn cư dân ở đây là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Sau khi bàn bạc kỹ, Tỉnh ủy Khánh Hòa ra nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Các đồng chí trong thường vụ, thường trực cùng các sở, ban, ngành về từng xã, từng thôn giúp đỡ tư liệu sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn. Đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh hỗ trợ gạo, tiền ăn hằng tháng, nhờ đó sĩ số học sinh trên lớp ổn định, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao. Ông Mấu Hồng Thái ở thôn Tà Nĩa, xã Sơn Trung tỏ ra rất tự hào về những người con đã tốt nghiệp đại học của mình. Ông bảo, các cháu được như vậy là nhờ chính sách trợ cấp tiền, gạo cho học sinh miền núi của tỉnh. Gia đình tôi mừng lắm!

Nghị quyết gắn với thực tiễn

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân, những nội dung lãnh đạo của Tỉnh ủy luôn được thể hiện bằng nghị quyết, với quyết tâm cao, gắn với cơ sở, gắn với thực tiễn.

Trước đây, qua nghị quyết, Khánh Hòa xác định cơ cấu kinh tế địa phương là công nghiệp - du lịch - nông nghiệp. Thực tiễn phát triển cho thấy, tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế ngày càng tăng, ở nhiều thành phần kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ kịp thời xác định chuyển cơ cấu kinh tế thành dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp. Tỉnh ủy lãnh đạo công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch phù hợp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển dịch vụ - du lịch. Theo phương hướng này, ngành dịch vụ, du lịch Khánh Hòa đang có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc.

Nhằm đổi mới mạnh mẽ từ thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Cẩm nang sinh hoạt chi bộ, chỉ đạo, hướng dẫn cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhờ đó, nội dung sinh hoạt chi bộ ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, phù hợp với từng loại hình, gắn với thực hiện các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Một số chi bộ trong tỉnh tập hợp những ý kiến, dư luận của nhân dân phê phán cán bộ, đảng viên, lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi cộm trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ nhằm cảnh báo, nhắc nhở, bàn biện pháp sửa chữa, khắc phục...

Cố gắng nhiều, kinh tế - xã hội địa phương phát triển đúng định hướng, toàn diện, bền vững, nội bộ cấp ủy đoàn kết nhưng Bí thư Tỉnh ủy Lê Thanh Quang vẫn cứ băn khoăn nhiều vấn đề. Thực tế cho thấy, tình trạng xa dân, quan liêu, lãng phí, tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên và các tệ nạn xã hội khác chậm được khắc phục. Nhiều vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai, tài sản… còn xảy ra nhưng chậm được giải quyết. Việc nhận diện bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý, nắm bắt tình hình tư tưởng, biểu hiện xa dân, quan liêu, lãng phí, tiêu cực đối với cán bộ, đảng viên của một số cấp ủy còn bất cập. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình vẫn còn tình trạng nặng về nêu thành tích, chưa thật nghiêm túc trong đánh giá những tồn tại, hạn chế.

Khánh Hòa hiện đang tập trung khắc phục những vấn đề nêu trên, tiếp tục nâng cao nhận thức trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ vững nền nếp sinh hoạt, phát huy trí tuệ tập thể, vai trò của người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, trong đó tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực…, tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tập trung các mặt: đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của hệ thống chính quyền ở địa phương; đổi mới công tác cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của cơ quan tư pháp; đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục đổi mới phong cách lề lối làm việc của đảng viên, cán bộ, công chức.

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh: Điều đáng quý nhất của Khánh Hòa hiện nay là cấp ủy đoàn kết, nhân dân đồng thuận, tạo được sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tỉnh ủy quán triệt các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, những người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc hơn về không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; các cơ quan tham mưu, các cấp ủy đảng, ban cán sự phải hoàn thiện các cơ chế, mô hình hoạt động.

Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG và PHONG NGUYÊN


Nguồn: http://www.nhandan.com.vn
Tìm kiếm