Xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2018 do Bộ TT&TT công bố cho thấy Thừa Thiên - Huế là địa phương đứng vị trí thứ nhất cả nước về phát triển Chính phủ điện tử cấp tỉnh.
Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ở các cơ quan nhà nước làm cơ sở xây dựng chính quyền điện tử, qua đó, chuyển dịch dần từ "chính quyền quản lý" sang "chính quyền phục vụ, kiến tạo" góp phần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ, công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành trên môi trường điện tử tại cơ quan, đơn vị đã được đầu tư, xây dựng thông qua hệ thống trang điều hành đa cấp được xây dựng theo giải pháp tập trung, tạo thành hệ thống các công sở điện tử trong cơ quan nhà nước. Vì vậy, các ý kiến chỉ đạo điều hành được thực hiện và giám sát xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Hệ thống thư điện tử công vụ đã được xây dựng, triển khai tới toàn bộ công chức, viên chức trên địa bàn. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế (http://thuathienhue.gov.vn) được hình thành theo mô hình liên thông 3 cấp kết nối và liên thông đến trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn. Hệ thống này cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ việc giám sát của người dân với hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Để xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai điện tử hóa bốn thành phần quan trọng là cơ quan điện tử, công chức điện tử, công dân điện tử và doanh nghiệp điện tử. Trong đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai cung cấp cho người dân, doanh nghiệp hình thức đăng ký trực tuyến (https://dichvucong.thuathienhue.gov.vn).
Đến nay, Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cung cấp 1.349 thủ tục hành chính cấp độ 2; 530 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3; 404 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Qua đó, tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Với hệ thống này, người thành lập doanh nghiệp có thể chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh mà không cần đến trực tiếp.
Một số cơ quan triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông...Ngoài ra, hình thức thanh toán trực tuyến cũng được đưa vào triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả tại Cổng thanh toán trực tuyến tỉnh. Đây là Cổng thanh toán trực tuyến đầu tiên trong cả nước kết nối với hệ thống thông tin của ngân hàng...
Tỉnh Thừa Thiên- Huế đã thành lập, triển khai và đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công cấp tỉnh; trung tâm hành chính công các cấp với 9 huyện, thị xã và thành phố Huế. Trong đó, có sự tham gia của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như: Bảo hiểm xã hội, Thuế, Kho bạc, Hải quan và Công an. Trung tâm hành chính công là nơi duy nhất tiếp nhận và phối hợp giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp thông tin, dịch vụ về các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện thông qua hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại…
Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước theo ngành dọc từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn được xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN), qua đó đã kết nối toàn bộ thiết bị công nghệ thông tin của các đơn vị, địa phương và đảm bảo triển khai ứng dụng chung trên môi trường mạng.
Hệ thống mạng diện rộng của tỉnh được triển khai kết nối hệ thống mạng LAN các cơ quan nhà nước tạo ra một hệ thống kết nối thống nhất để trao đổi dữ liệu. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông nhằm triển khai thống nhất hệ thống các ứng dụng, cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước của địa phương.
Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã hình thành theo mô hình liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Đến nay, Cổng đã cung cấp gần 400 thủ tục hành chính trực tuyến với gần 1.000 hồ sơ đăng ký và nhận kết quả trực tuyến. Số hồ sơ đăng ký trực tuyến ngày càng tăng, đặc biệt là thu hút sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của người dân.
Cổng thông tin điện tử có nhiệm vụ cung cấp toàn diện mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành, quy hoạch... Đặc biệt, thông qua Cổng thông tin điện tử, các văn bản về chế độ, chính sách, pháp luật của tỉnh được cập nhật, lồng ghép với hoạt động tuyên truyền để kịp thời chuyển tải thông tin đến người dân.
Thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, đơn vị trên địa bàn thực hiện hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; tiếp tục sử dụng hiệu quả hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh trên cơ sở tích hợp liên thông thống nhất thành một hệ thống đồng bộ. Bên cạnh đó, nâng cấp và triển khai diện rộng hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh đến cấp xã và các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng, triển khai hiệu quả kiến trúc chính quyền điện tử trên cơ sở quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
MK