BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


ĐBQH đề xuất các giải pháp khi Thành phố Huế trực thuộc Trung ương

21/11/2024 19:30

Chiều ngày 21/11/2024, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, với nhiều ý kiến đồng tình, góp ý của các ĐBQH.

Tiếp thu giải trình ý kiến các ĐBQH về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nội dung này mang tính lịch sử, khi đây là thành phố văn hóa di sản đầu tiên của Việt Nam và là thành phố di sản của thế giới, của nhân loại đã được UNESCO công nhận, vinh danh.

Theo Bộ trưởng, các ĐBQH đã bày tỏ ủng hộ, đồng tình, thống nhất cao việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ý kiến của các đại biểu chất chứa những kỳ vọng, đồng thời đề xuất những nội dung để đưa Huế xứng đáng trở thành thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương và để làm sao thành phố phát triển nhanh, bền vững như mong đợi. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội

Theo tờ trình của Chính phủ, thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2 và 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỉ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).

Đề án đã có đánh giá tác động kỹ lưỡng; xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc Trung ương; phương án sử dụng trụ sở, tài sản công và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định.

"Để đảm bảo việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo khoa học, chặt chẽ, chí rõ cả về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm của quốc tế khi thành lập các đô thị di sản. Theo đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế, lấy bảo tồn làm cốt lõi, nhằm tạo tâm lực và nguồn lực cho sự phát triển của Huế. Đồng thời tạo sức lan toả từ Huế cho cả vùng, góp phần cho phát triển đất nước", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bộ trưởng Nội vụ cũng nhấn mạnh việc đổi mới tư duy trong phát triển đô thị Việt Nam, nhằm xây dựng không gian đô thị kế thừa, đa dạng, phong phú, thông minh, xanh, hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc. 

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, giàu bản sắc.

Về cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội, Thừa Thiên Huế đã đạt tiêu chuẩn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng cho thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hiện nay thành phố Huế bước đầu thành lập sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề đô thị hóa vì hiện nay mới có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Do đó, đại biểu đề nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn về nguồn lực để thành phố Huế có thể vươn xa hơn về kinh tế - xã hội, nhất là đô thị đặc thù của Cố đô.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) nêu góp ý về tên gọi của thành phố Huế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đại biểu, tỉnh Thừa Thiên Huế có thành phố Huế, nếu lấy tên là thành phố Huế trực thuộc Trung ương thì rất dễ nhầm với thành phố Huế hiện tại.

Do vậy, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc đề xuất tên gọi là thành phố Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) nêu góp ý về tên gọi của thành phố Huế. Ảnh: Quốc hội

Với vấn đề tên gọi được đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, tên gọi cần hội tụ các yếu tố lịch sử, văn hóa để tên gọi phải bao trùm, chất chứa các tầng lớp văn hóa và phải thể hiện được là thành phố di sản, khơi dậy tiềm thức của người Việt Nam và du khách quốc tế khi nói đến Huế, đến Thừa Thiên Huế. 

"Cái tên Huế đã được ghi trong bản đồ di sản thế giới. Và tên gọi này có được gần như sự đồng thuận tuyệt đối của người dân. Đây là tên gọi rất hay. Chúng ta xác định đây là thành phố cố đô, thành phố di sản văn hóa của Việt Nam", Bộ Trưởng nhấn mạnh. 

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, Quốc hội quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có nhiều tác động tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những khó khăn, thách thức có thể phát sinh, đặt ra yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị địa phương cần có đánh giá đầy đủ toàn diện để có những giải pháp giải quyết hiệu quả. Theo nữ đại biểu đoàn Ninh Bình, việc phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách địa phương chưa cao phần nào tạo áp lực đối với thành phố trong giai đoạn đầu.  

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình). Ảnh: Quốc hội

Do vậy, đại biểu đề nghị trong Đề án xác định rõ hơn các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế và chính sách để phát huy cao nhất tiềm năng và nguồn lực của thành phố và của Trung ương cho đầu tư phát triển. Đồng thời, đề nghị bổ sung, lồng ghép trong Đề án nội dung về thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; có giải pháp để nâng tầm vóc phát triển ngành du lịch lên vị thế mới để thành phố Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch.

Cùng với đó, đề án cần xác định rõ hơn các giải pháp, phương hướng, kế hoạch để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Trong đó, đề nghị làm rõ hơn những quan điểm, mục tiêu, các đột phá trong xây dựng chiến lược phát triển KH&CN, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thừa Thiên Huế phù hợp với bối cảnh chung của cả nước và thế giới; ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt mà Thừa Thiên Huế có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế. 

Nguồn: vov.vn
Tìm kiếm