Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 31.10, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk).
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng và việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Trong đó, với việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau 20 năm, Quốc hội mới xem xét việc thành lập một thành phố trực thuộc Trung ương. Đây sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 trong cả nước nếu được Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến để thực hiện thành công tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, đặc biệt là góp ý, hiến kế để xây dựng, phát triển TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Chỉ quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng
Đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Thực tế hiện nay cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì có 3 thành phố đã áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và TP. Hải Phòng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp này.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội thống nhất phương án Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khi không tổ chức HĐND ở quận, ở phường; quyết định cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, phường.
“Những nội dung khác liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù và khác với quy định của luật thì nên quy định trong Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Hải Phòng mà Chính phủ đang dự kiến đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đúng theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với dự thảo Nghị quyết. Theo đó, mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng là: cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND thành phố; chính quyền địa phương ở các quận, phường tại TP. Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường). Mô hình này cũng tương tự như mô hình đang được thực hiện tại TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần bổ sung quy định chuyển tiếp theo hướng: cán bộ công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành; tiếp tục rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP. Thủy Nguyên của TP. Hải Phòng.
Đối với trưởng công an quận, trưởng công an phường là sĩ quan công an nhân dân và chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự là sĩ quan quân đội nhân dân kiêm nhiệm chức danh công chức thuộc UBND quận, UBND phường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, tính tới hiệu quả như thế nào, có phù hợp hay không.
"Không thể đặc thù cho nơi này mà không đặc thù cho nơi khác"
Ở bình diện rộng hơn, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị và việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị trong tương lai.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cả nước hiện có 5 thành phố trực thuộc Trung ương nhưng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố này không giống nhau. Vì vậy, khi ban hành cũng như tổ chức thực hiện Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng phải nghiên cứu, rút được kinh nghiệm của các địa phương đã thực hiện trước đó.
Việc ban hành thêm một Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng cũng sẽ làm tăng thêm tình trạng thiếu thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị trên cả nước. Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng, các bộ, ngành quan tâm, giúp Hải Phòng tổ chức được chính quyền đô thị một cách thuận lợi, không làm phát sinh những vấn đề như tại một số địa phương vừa qua.
“Chúng ta cũng phải khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang được thực hiện tại một số địa phương, tiến tới việc đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước. Nếu không làm như vậy, tới đây có địa phương nào lại đề xuất được áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Quốc hội phải xem xét từng địa phương thì cũng rất khó”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu quản lý, phát triển TP. Hải Phòng theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp gần nhất.
Nhấn mạnh lại yêu cầu cần tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần sớm đánh giá, tổng kết thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tại 10 địa phương đã được Quốc hội cho phép thực hiện, qua đó xem chính sách nào phù hợp, hiệu quả có thể áp dụng chung thì nghiên cứu luật hóa, tạo ra sự minh bạch, công bằng trong cả nước.
“Quốc hội quyết định vấn đề chung cho cả nước thực hiện, không thể đặc thù cho nơi này mà không đặc thù cho nơi khác. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.