BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chiến thắng Điện Biên Phủ - Điểm hẹn tất yếu của lịch sử - Bài 2: Ký ức người trong cuộc

07/05/2024 18:03

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại nổ súng gây chiến tại Nam Bộ với dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Bội ước Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, chúng ráo riết tăng cường lực lượng, đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm vào cơ quan đầu não của ta ở Thủ đô Hà Nội. Đến tháng 11/1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: TTXVN

Trước hành động gây hấn của thực dân Pháp, để bảo vệ Nhà nước non trẻ và nền độc lập cả dân tộc vừa giành được, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã nêu cao tinh thần độc lập, tự do, quyết chiến, quyết thắng, nhất tề đứng lên thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ.

“Thích thú nhất của tôi là đánh và cướp dù của địch”

Tháng 4/2024. Bảy mươi năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong căn gác nhỏ nằm trên phố Điện Biên Phủ (Hà Nội), người Đại tá già gầy gò, khắc khổ hơn 10 năm qua vẫn miệt mài trao truyền những bài học lịch sử, những vốn kiến thức ngoại ngữ tích lũy trong suốt cuộc đời binh nghiệp cho thế hệ trẻ mà không nhận một đồng học phí nào. Ông còn cưu mang những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được học hành tới nơi, tới chốn. Trò chuyện với chúng tôi, ông “bắn” tiếng Pháp “như gió”. Ông là Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu.

Sinh năm 1926, Đại tá Nguyễn Bội Giong nay đã cận kề cái tuổi bách niên nhưng ông vẫn vô cùng mẫn tiệp, ông nhớ tên từng người đã cùng mình tham gia hoạt động cách mạng, từng mốc lịch sử, diễn biến sự kiện. Những ngày này, ký ức về Điện Biên Phủ trào dâng trong ông như chỉ trực chờ có người dốc bầu tâm sự.

Cậu học trò trường Bưởi năm xưa cuốn chúng tôi vào câu chuyện lịch sử có lớp lang, hào sảng.

Học giỏi, năm 1938, Nguyễn Bội Giong thi đỗ vào trường Bưởi, giành học bổng bán phần, rồi toàn phần. Mặc dù học xong tú tài, được sang Pháp học đại học, nhưng ông quyết định xé tấm giấy thông báo của Hiệu trưởng trường Bưởi trước sự ngạc nhiên của người mẹ và sự tiếc nuối của bao người hàng xóm. “Người ta đến tận nơi đưa cho mẹ trang trọng, sao con lại xé đi mất. Cả phố đến xem, nói rằng ít người được như cậu Giong, chắc chắn 1 – 2 tháng nữa cậu sang Pháp học, có khi cậu lấy vợ Pháp”, ông Nguyễn Bội Giong chia sẻ.

Khi trường Bưởi di chuyển vào Thanh Hóa, ông ở lại Hà Nội, rồi về quê tham gia cách mạng.

Năm 1944, ông đã tiếp xúc với Việt Minh qua đồng chí Vũ Oanh và coi người đồng chí ấy “là người thượng cấp đầu tiên” của mình. Ở quê, ông gia nhập Tổ Thanh niên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh và được giao là Tổ trưởng Tổ Thanh niên cứu quốc tại vùng Sét, làng Giáp Tứ, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ông đã cùng nhân dân địa phương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

“Công việc đầu tiên của tôi là rải truyền đơn, cứ chỗ nào đông người thì rải. Sau thử thách cao hơn là dán áp phích. Muốn dán áp phích phải có 4 người, người đi trước lấy chổi giả vờ đi quét đường nhưng là chổi sạch, quét ở tường mình dán. Người thứ 2 đi trát hồ lên tường. Người thứ 3 đi dán, là tôi. Người thứ 4 làm nhiệm vụ quan sát, xem mật thám có rình mò không… Bản áp phích đầu tiên ấy là Bắc Sơn khởi nghĩa”, người Đại tá già nhớ rành rọt từng chi tiết.

Năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, ông rời quê về Hà Nội tham gia quân đội, là Trung đội trưởng quyết tử của Trung đoàn Thủ đô chiến đấu cho đến khi được lệnh rút lên chiến khu Việt Bắc. Tại đây, Nguyễn Bội Giong được cử đi học tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 3.

Đối đầu với trận càn quy mô lớn lên Việt Bắc của thực dân Pháp vào Thu-Đông năm 1947, ông bị thương khá nặng ở chân nhưng vẫn cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu. Tháng 2/1948, khi vết thương tạm ổn, ông được trên điều về làm Thư ký quân sự ở Văn phòng Tổng Chính ủy. Đi qua các mùa chiến dịch, ông nắm giữ các cương vị là Bí thư quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, phái viên của Bộ Tổng tư lệnh trong các chiến dịch quan trọng như: Biên giới, Điện Biên Phủ...

Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng Tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Ảnh: TTXVN

Thu - Đông năm 1953, ông lên Điện Biên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được giao giúp việc về công tác chỉ huy, tham mưu cho Đại tướng, Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp.

Nhớ về kỷ niệm sâu sắc ở chiến dịch, Đại tá Nguyễn Bội Giong hào hứng “thích thú nhất của tôi là đánh và cướp dù của địch”. Do binh lực, hỏa lực của địch mạnh, đánh bình thường sẽ gây thương vong rất nhiều, mở đầu chiến dịch, ta được nhận chỉ đạo phải đánh theo lối “vây, lấn, tấn, diệt”. Vây bằng công sự trận địa đào dưới đất của mình, đào công sự lấn về phía địch, càng gần càng tốt, cách xa nhất là 100m, còn thông thường chỉ 50 - 60m, vì gần như vậy địch không dám ném bom, bắn pháo, sẽ tự hại chính mình, đồng thời ta cũng khống chế được máy bay thả dù của địch. Lúc đó ta dùng pháo cao xạ 37 ly do Liên Xô viện trợ, khống chế không cho địch xuống thấp, máy bay phải thả dù ở độ cao 1.000m dẫn đến định hướng không chính xác, nhiều dù rơi vào trận địa của ta. Ta vừa đoạt được dù tiếp tế của địch, bổ sung vật chất kỹ thuật cho quân đội, vừa dồn quân địch vào thế thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược…

Chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt” là cách đánh sáng tạo, tiến công địch trong công sự kiên cố bằng cách bao vây, đánh dần từng bước, tiêu hao, phá hoại và lấn chiếm từ ngoại vi vào trung tâm, làm cho địch suy yếu, tiến tới tiêu diệt chúng.

Cắt nguồn chi viện của địch

Cũng như Đại tá Nguyễn Bội Giong, những người lính Điện Biên năm xưa còn ở lại với hậu thế hôm nay đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, có những người đã trên trăm tuổi. Ước mong các cụ giữ gìn sức khỏe để tới dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ như lời chúc của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khi đến thăm các gia đình Chiến sỹ Điện Biên - cụ Hứa Văn Phong (99 năm tuổi đời, 77 năm tuổi đảng) và cụ Dương Văn Lâm (65 năm tuổi đảng) - ở thành phố Điện Biên Phủ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua đã là điều rất đáng mừng. Hạnh phúc hơn cả là có những cụ vẫn vô cùng minh mẫn, vẫn mang trong mình khí thế hào hùng lúc tuổi mười lăm, đôi mươi, nhớ như in những kỷ niệm ở chiến trường, kể những câu chuyện hào sảng, tiếp lửa truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ.

15 tuổi đã vào quân ngũ, từng tham gia bảo vệ Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến khi còn là một cậu bé, sau đó lên chiến khu, tham gia chiến dịch Tây Bắc, rồi chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên Đại đội phó cơ quan tham mưu Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, nguyên Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng kể, trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, cấp trên có chủ trương dùng hỏa lực pháo binh cắt cầu hàng không của địch ở sân bay Mường Thanh. Sân bay này có vị trí vô cùng quan trọng. Để mất sân bay là địch mất đường tiếp tế, mất chi viện và sẽ bị cô lập. Còn ta, chiếm được sân bay sẽ cắt được nguồn chi viện của địch.

Ngày đó, ta với địch ở cự ly rất gần nên ta tổ chức đánh lấn, đào hào tiến sâu về phía địch. Địch ở gần, bộ đội nằm phơi mình đào rất dễ bị dính đạn, nên phải đào thành nhiều lớp chiến hào, có nhiều nhánh để dễ ẩn náu và chiến đấu. Đã có nhiều trận đánh giằng co giữa ta và địch ở khu vực sân bay. Địch bắn phá ác liệt. Ban ngày, chúng dùng xẻng, cuốc san bằng chiến hào của ta, ban đêm chúng thả pháo sáng để ngăn hoạt động của ta.

Khi đào chiến hào đánh lấn, các chiến sỹ sáng tạo cách chống đỡ với lựu đạn và mảnh súng cối của địch là làm những con cúi bằng khúc gỗ, quấn xung quanh nhiều vòng rơm, lá cây, dây leo để đẩy ở trên mặt hào theo tiến trình của động tác đào công sự lấn vào sát điểm tựa của địch. Đồng thời, mỗi chiến sỹ cũng có chiếc mũ đan bằng dây thừng ken nhiều lớp lá rừng, đội khi đào chiến hào... Nhờ thế giảm rất nhiều thương vong cho chiến sỹ ta.

Gian khổ, hy sinh nhiều, nhưng tinh thần các chiến sỹ không hề nao núng. Những đường hào vẫn ngày một ăn sâu vào sân bay địch.

Đêm 26/4/1954, Trung đoàn 88 được lệnh đánh chiếm sân bay Mường Thanh. Trước sức mạnh tiến công của pháo cao xạ, máy bay địch phải thả dù hàng từ trên cao, rơi vào khu vực quân ta kiểm soát, ta thu được rất nhiều chiến lợi phẩm là hàng hóa nhu yếu phẩm, vũ khí đạn dược. 

Trong cuốn "Trận Điện Biên Phủ", ký giả J.Roa viết: "Riêng ngày 27/4/1954 đã bị mất 65 tấn do máy bay Packet thả xuống và 20 tấn do máy bay Dakota thả vào ban ngày. Về ban đêm mất 29 tấn hàng do C119 thả và 50 lính tăng viện do Dakota thả; do lính nhảy dù đã cạn nên người ta buộc phải chọn những người tình nguyện chưa biết nhảy dù, hiện có cả thảy 745 người và họ nhảy không rơi hoàn toàn vào tuyến của chúng ta (quân Pháp - PV)".

Bài 3: Giải mật trận chiến lịch sử

Nguồn: baotintuc.vn/ttxvn
Tìm kiếm