Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Sáng 23-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Tại các tổ Báo QĐND Online có mặt, các đại biểu đều đánh giá cao sự tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (DTSĐHP). Tuy nhiên, phân tích Chương IX về chính quyền địa phương, nhiều đại biểu cho rằng cần quy định rõ ràng, hợp lý hơn…
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban DTSĐHP đã trình Quốc hội 2 phương án về chính quyền địa phương. Theo đó, Phương án 1 quy định một cách khái quát để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương; Phương án 2 giữ các quy định hiện hành của Hiến pháp năm 1992 về các đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương của nước ta.
Qua tổng hợp ý kiến, đa số ý kiến nhân dân, đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội thì cả 2 phương án mà Dự thảo đưa ra đều chưa phù hợp với yêu cầu đó. Phương án 1 thì chưa làm rõ được mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; còn Phương án 2 thì không đáp ứng được yêu cầu đổi mới tổ chức chính quyền địa phương theo nghị quyết của Đảng và thực tiễn đặt ra.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp là vấn đề rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ cả về lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý chế định chính quyền địa phương theo hướng: Về đơn vị hành chính (Điều 110): Dự thảo tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và ổn định trong cả nước; bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Dự thảo. Về tổ chức chính quyền địa phương (Điều 111) quy định: “1. Chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. 2. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp, phân quyền do luật định.”
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) chỉ ra, do chúng ta đang trong quá trình thực hiện thí điểm mà chưa có sự tổng kết, đánh giá việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và bước đầu thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, chính quyền ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở một số địa phương nên trong việc soạn thảo còn lúng túng. Đại biểu Tâm đề nghị Ủy ban DTSĐHP cần nghiên cứu, đầu tư thích đáng để điều chỉnh hợp lý hơn. Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (đoàn Vĩnh Long) cũng cho rằng, chưa tổng kết việc không tổ chức Hội đồng nhân dân theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 thì chưa nên đề cập đến việc này trong Hiến pháp.
Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Du lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) góp ý, quy định như Điều 110 là quá chặt, đem đặt vào thực tế đang phát triển như TP Hồ Chí Minh sẽ khiến thành phố “mắc kẹt”. Trong khi đó, Điều 111 thì quy định khá lửng lơ khi quy định, chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính “phù hợp” với đặc điểm địa phương. Cùng với đó, theo đại biểu Lịch, nguyên tắc của chính quyền địa phương là tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp, phân quyền, nên cần đưa nội dung này vào trong Hiến pháp. Đại biểu Lịch nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội khóa 13 và sửa đổi Hiến pháp lần này là phải cải cách được hành chính quốc gia, đưa chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn. Do vậy, chương về chính quyền địa phương cần được nghiên cứu kỹ, quy định hợp lý với điều kiện, phát triển của đất nước.
Ủng hộ ý kiến của đại biểu Lịch, đại biểu Lê Đông Phong (đoàn TP Hồ Chí Minh) khi phân tích về Điều 110 kiến nghị: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nhưng dưới tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương thì nên quy định “theo luật định”, tạo cơ chế mở để các địa phương linh hoạt áp dụng trong khi vẫn bảo đảm nhà nước là nhất thể.