Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh-Thiếu niên và Nhi đồng của QH: “Tôi rất tâm đắc với quan điểm của Thủ tướng là phải đổi mới thể chế”. Dư luận chung cả nước cũng như của các đại biểu QH đều đánh giá cao thông điệp đầu năm của Thủ tướng, vì đã nói đến những vấn đề cốt lõi trong phát triển KTXH đất nước.
Những động lực cải cách trước đây dù phù hợp nhưng đến nay trở thành "manh áo đã chật", do đó cần thiết phải đưa những chính sách pháp luật mới vào cuộc sống để phù hợp với thời đại mới. Tôi rất tâm đắc với quan điểm mà Thủ tướng nhấn mạnh là phải đổi mới thể chế và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mọi đổi mới phải bắt đầu từ thể chế, thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm phát triển.
Về quyền tự do dân chủ nhân dân trong thông điệp, tôi cho rằng dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước. Mọi quyền tự do dân chủ của công dân phải được đảm bảo và hiến pháp cũng đã quy định rõ. Thủ tướng đã nói rất đúng khi nhấn mạnh việc phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là trong việc tham gia xây dựng chính sách, lựa chọn người đại diện, sở hữu tài sản.
Để thực hiện được những nội dung của thông điệp, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn lực con người. Muốn xây dựng xã hội phát triển phải bằng thể chế thì cần phải tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về đạo đức, tính nhân văn, lúc đó các hành vi phi nhân tính mới giảm được. Bên cạnh đó, bộ máy các cơ quan công quyền cần có tâm, có tầm và vì dân hơn nữa, chứ không vì lợi ích của bản thân hay một nhóm người.
TS Lê Đăng Doanh: “Báo chí cần mở diễn đàn “hiến kế” đưa thông điệp vào cuộc sống”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu thông điệp bằng nhiệm vụ “đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”, đã đề cập đúng trọng tâm, đáp ứng nguyện vọng của người dân đang bức xúc với những yếu kém và bất cập của bộ máy, từ giáo dục, y tế đến vệ sinh, an toàn thực phẩm...
Thủ tướng đòi hỏi: “Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật.
“Đây là định hướng lớn chiến lược, đòi hỏi có chương trình hành động cụ thể của các ngành, các cấp, song lòng mong mỏi của người dân là sớm được thấy ngay trong những ngày đầu năm những hành động cụ thể thiết thực của bộ máy công quyền các cấp như cung cấp thông tin công khai, minh bạch về lịch làm việc của công chức nhà nước, chi tiêu tiền ngân sách, thiết lập đường dây nóng để người dân phản ánh nguyện vọng, trả lời và giải quyết kịp thời thỏa đáng những đề xuất của dân...
Chúng ta đang sống trong một thế giới có những thay đổi rất sâu sắc, mạnh mẽ, hạnh phúc không còn chỉ là có cơm ăn, áo mặc mà còn bao hàm môi trường sống trong sạch, xã hội an toàn, mọi người có cơ hội phát triển, bình đẳng về pháp luật. Vì vậy, cần khuyến khích không khí trao đổi cởi mở, góp ý kiến xây dựng về con đường, phương pháp khác nhau nhằm phục vụ mục đích chung là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, khắc phục thói độc quyền chân lý, độc thoại, chụp mũ cho những ý kiến khác.
Thủ tướng cũng đề ra yêu cầu rất đúng đắn về việc “Phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách”...
Báo chí cần mở ra những diễn đàn “hiến kế”, tranh thủ ý kiến rộng rãi của bạn đọc, nhằm sớm đưa những ý tưởng chính sách quan trọng trong thông điệp của Thủ tướng vào cuộc sống.
TS Trần Ngọc Châu - Giám đốc Kênh truyền hình tin tức tài chính FBNC: “Thông điệp đã định lượng cụ thể hơn về vấn đề dân chủ”. Tôi nhận thấy rằng nếu như trong thông điệp đầu năm 2013, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên về ổn định kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền tệ thì trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng lại nhấn mạnh đến vấn đề có tác động nhiều hơn, đó là hoàn thiện thể chế và mở rộng dân chủ. Theo như phân tích của Thủ tướng, đất nước mỗi khi có sự thay đổi lớn thì cần có thể chế mới tác động vào thực tiễn để thay đổi. Năm 1986, nhờ có quyết sách đổi mới, đất nước ta thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ.
Trong vấn đề nông nghiệp, từ một nước phải đi xin viện trợ lương thực, mà chỉ cần có “Khoán 10” , chúng ta trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo. Chính những thể chế mới đã tác động vào sự thay đổi nền kinh tế và cuộc sống xã hội. Tuy nhiên từ năm 1986 đến nay, những thể chế giúp đất nước phát triển gần như đã bắt đầu chật hẹp. Muốn nền kinh tế tăng tốc thì phải có thể chế mới. Tôi cho rằng Thủ tướng đã nhấn mạnh vấn đề này một cách kịp thời, trọng tâm, nhất là trong bối cảnh vừa thông qua Hiến pháp mới.
Thông điệp cũng định lượng cụ thể hơn về vấn đề dân chủ, chẳng hạn Thủ tướng nhấn mạnh việc hạn chế tự do của dân chúng cần rất thận trọng, người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm và cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Để mở rộng dân chủ, phải có thể chế phù hợp lòng dân. Những ví dụ nêu ra trong thông điệp là những bằng chứng hiển nhiên cho thấy những thể chế ban hành vào lúc thích hợp và đúng với lòng dân sẽ tạo hiệu quả lớn trong xã hội, thậm chí thay đổi được tình hình đất nước.
|