BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Giảm biên chế phải đi liền cải cách hành chính

08/01/2015 17:14

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ mười BCH Trung ương Đảng khoá XI, đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: Vì sao từ lâu và nhiều lần chúng ta đã bàn, thống nhất chủ trương và thực tế cũng đã tích cực triển khai thực hiện nhưng đến nay tổ chức bộ máy vẫn ngày càng phình to, biên chế tăng cao, cấp phó còn nhiều; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chậm được cải thiện? 

Ông Lê Văn Cuông
Trao đổi với ĐĐK, ông Lê Văn Cuông- nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Tinh giản bộ máy phải đi liền với cải cách hành chính.
PV: Lâu nay chúng ta nói nhiều đến tinh giản biên chế nhưng đến nay tổ chức bộ máy vẫn phình to, biên chế tăng cao, cấp phó còn nhiều, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chậm được cải thiện. Theo ông nguyên nhân là do đâu?
Ông Lê Văn Cuông: Thứ nhất, hiện nay quyết định về biên chế giao cho Chính phủ, Trung ương và Thường vụ Quốc hội. Như vậy là có "ba kênh” quyết định về biên chế. Mà "ba kênh” cùng quyết định thì sẽ khó quản, khó kiểm soát được.
Do vậy theo tôi chỉ nên tập trung vào một kênh là Quốc hội quyết định. Quốc hội quyết định ngân sách cả nước trong đó có ngân sách biên chế, nhưng lại có 3 kênh quyết định biên chế thì đó cũng là nguyên nhân khiến việc tinh giản biên chế chưa đạt như mong muốn. Thứ hai, mỗi khi bộ máy phình thêm thì đương nhiên lại phải tăng biên chế. Thứ ba, hiện nay chưa xác định được vị trí làm việc cho các chức danh nên đó lại là cơ sở cho các cơ quan, tổ chức dựa vào đó không những không giảm biên chế mà còn đề xuất tăng biên chế. Thứ tư, chúng ta giao chỉ tiêu ngân sách lại không mang tính chất khoán mà tính đầu biên chế để định mức mỗi biên chế mấy chục triệu. Như vậy người ta dựa vào đó để tăng biên chế, có cơ hội đưa người vào trong cơ quan nhà nước. Điều đáng nói ở đây là đưa người vào không phải từ nhu cầu khách quan của công việc mà đưa theo kiểu thân quen, con ông cháu cha, chạy chọt. Bởi khi biên chế tăng người ta sẽ được hưởng lợi từ việc chạy chọt cho nên mới "tích cực” xin thêm biên chế dù xin vào cũng chỉ để ngồi chơi xơi nước. Cộng với việc các cơ quan quản lý lại rất lỏng lẻo, tạo điều kiện cho hành vi cài cắm lợi ích vào trong đó. Đó cũng chính là nguyên nhân giải thích cho việc tại sao cứ nói giảm biên chế nhưng biên chế lại càng tăng lên. 
Giải pháp cũng đã nhiều, nhưng thực tế chưa có giải pháp mang tính đột phá. Vậy theo ông đó là  giải pháp nào?
-Trước hết, phải xây dựng vị trí làm việc. Ví dụ trong một cơ quan mỗi vị trí có nhiệm vụ quyền hạn như thế nào, từ nhiệm vụ quyền hạn đó thì xây dựng các chức danh vị trí làm việc mang tính chất khoa học, thực tiễn để mỗi người trong cơ quan phải đảm nhiệm một công việc như thế nào. Như vậy mới xác định được một cơ quan cần bao nhiêu người. Thứ hai, giao trách nhiệm phải cố gắng phát huy vai trò của người đứng đầu. Nếu không người đứng đầu chỉ nắm chung chung và giao hết công việc cho cấp phó. Hiện còn có tình trạng "linh hoạt” cấp phó, nhiều khi một người làm cũng được, 5-7 người làm cũng được. 
Theo tôi, từng công việc cụ thể nên giao cho cơ quan cụ thể nào đó cùng với chức danh để đề cao trách nhiệm của cấp trưởng, hạn chế đến mức thấp nhất cấp phó, như thế mới gọi là đột phá.
Ngoài ra, không giao định mức đầu biên chế mấy chục triệu đồng như trước nữa mà khoán gọn cho đơn vị. Tức là công việc, nhiệm vụ như thế thì hàng năm sẽ được từng này tiền. Lúc đó những người kiêm nhiệm, người làm việc có năng suất cao thì sẽ được lương cao hơn. Chứ cách làm như hiện nay khiến người làm việc năng suất cao không được hưởng cao, còn người ngồi chơi xơi nước cũng không bị ảnh hưởng gì, cuối tháng vẫn lĩnh lương đều đều. Điều đó khiến không động viên khuyến khích được lao động. Cùng với những biện pháp trên thì cần tăng cường thi tuyển công chức, viên chức, tránh chạy chọt, xin xỏ, con ông cháu cha... Thi tuyển cán bộ lãnh đạo theo hình thức cạnh tranh sẽ chọn được người tài năng vào vị trí người đứng đầu để làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, có phẩm chất tốt thì lúc đó người ta cũng chọn lọc phân công quản lý cán bộ dưới quyền làm việc hết mình chứ không chọn người ngồi chơi xơi nước.
Giảm biên chế nhưng phải gắn với chất lượng công việc. Vậy ông có cho rằng, chúng ta cần tinh giản bộ máy nhưng gắn liền với đó là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm? 
- Đúng là chỉ có cải cách hành chính thì mới bỏ được nhiều khâu không cần thiết. Ví dụ các giấy phép con quy định công việc này, công việc kia. Và mỗi công việc đó thì lại có thêm người để phụ trách. Giờ đơn giản thủ tục hành chính, giảm bớt quy trình công việc để đừng phiền hà thì công việc không những thông suốt mà cũng giảm bộ máy cồng kềnh, thu gọn đầu mối giảm nhũng nhiễu. Tinh giản bộ máy mà không gắn liền với cải cách hành chính thì rất khó. Do vậy tinh giản bộ máy phải đi liền với cải cách hành chính. 
Trân trọng cảm ơn ông!

Theo http://daidoanket.vn/
Tìm kiếm