Tinh giản biên chế “không thể đột ngột”

Tại tổ thảo luận do ông Trương Văn Hiền- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang- làm tổ trưởng đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi. Tờ trình về một số vấn đề xin ý kiến Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn để triển khai thực hiện Quy định số 282-QĐ/TW ngày 1.4.2015 của Ban Bí thư và Nghị quyết 39- NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu. Xung quanh tờ trình này, các đại biểu bày tỏ những băn khoăn, như: hoạt động của các CĐ ngành ở địa phương sẽ ra sao nếu thực hiện quy định “barem” về số biên chế trong các CĐ ngành ở địa phương theo số lượng đoàn viên như Quy định 282; số phận của CĐ giáo dục cấp huyện khi không bố trí cán bộ CĐ chuyên trách; con số tinh giản biên chế tối thiểu là 10% không phù hợp; … Có ý kiến đề nghị xây dựng cụ thể các tiêu chí để đánh giá phục vụ cho tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, các đại biểu còn đóng góp các ý kiến về thu kinh phí CĐ; sự bất hợp lý khi quy định về mức lương tối thiểu vùng…

Trong phiên thảo luận tổ 5, nhìn chung các đại biểu đều tán thành với các dự thảo báo cáo và các tờ trình đã được trình bày tại hội nghị. Vấn đề được quan tâm nhất cũng là việc góp ý về việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế trong các cơ quan tổ chức CĐ.

Đại biểu Nguyễn Nam Tiến - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế và một số đại biểu cho rằng, hiện nay bộ máy CĐ các cấp ở nhiều địa phương còn thiếu. Nếu tinh giản biên chế thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. CBCĐ kiêm nhiệm nhiều việc sẽ khó làm tốt, dễ dẫn đến sai phạm.

Đại biểu Phạm Quốc Khánh - Chủ tịch CĐ TCty Điện lực miền Trung cũng cho rằng, muốn tinh giản biên chế thì phải có CB có năng lực giỏi, nhưng lương CBCĐ chuyên trách hiện nay rất lạc hậu, vậy làm sao thu hút được CB giỏi.

Một số ý kiến cho rằng, việc tinh giản biên chế cần có lộ trình, không thể đột ngột tiến hành ngay. Tinh giản biên chế phải chú ý số lượng nhưng cũng phải vừa bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.

Đại biểu Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐ Giáo dục VN cũng nêu ý về mô hình CĐ giáo dục cấp huyện hiện nay. Theo đại biểu Đức, nếu giải thể CĐ giáo dục cấp huyện, chỉ bố trí 1 phó chủ tịch LĐLĐ huyện theo dõi CĐ các đơn vị giáo dục trong huyện thì CB, đoàn viên, NGNLĐ trong ngành giáo dục sẽ thấy hụt hẫng, cảm thấy mình không được bảo vệ.

Đại biểu Đức mong Tổng LĐLĐVN suy nghĩ, nghiên cứu thêm về mô hình này để làm sao bảo vệ được tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của CB, đoàn viên, NLĐ trong ngành.

Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tây Ninh và một số đại biểu cũng nêu vấn đề khó khăn trong thu kinh phí CĐ, nhất là ở các DN chưa có tổ chức CĐ.

“Cần xem yếu tố đặc thù để bố trí cán bộ công đoàn”

Tại tổ thảo luận do Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến làm tổ trưởng. Tại đây, có 10 đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến. Đa số các đại biểu đề cập đến tờ trình về một số vấn đề xin ý kiến BCH Tổng LĐLĐVN để triển khai thực hiện Quy định số 282-QĐ/T.Ư ngày 1.4.2015 của Ban Bí thư và Nghị quyết 30-NQ/T.Ư ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch LĐLĐ quận 1, TPHCM Hồ Bích Ngọc có ý kiến liên quan đến quy định về bố trí CB CĐ chuyên trách và CB lãnh đạo chủ chốt, trong đó có nội dung: Đối với cơ quan CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, những nơi có trên 3.000 đoàn viên, cứ tăng thêm 2.000 đoàn viên CĐ được bố trí thêm 1 CBCĐ chuyên trách, nhưng tối đa không quá 11 người, điều này sẽ gây khó cho CĐ cấp trên cơ sở. Bởi, chỉ riêng LĐLĐ quận 1 đã có trên 65.000 đoàn viên CĐ, nếu chỉ có 11 CBCĐ chuyên trách thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu công việc vì lực lượng “mỏng”. Do đó, trong quy định cần xem xét yếu tố đặc thù của một số quận, huyện để bố trí cán bộ làm sao cho hợp lý.

“Hiện nay, lực lượng LĐ đang ngày càng phát triển, do đó lực lượng CBCĐ cũng phải tăng thêm để đảm bảo hiệu quả hoạt động và phù hợp với tình hình thực tế” – là ý kiến của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hoà Bình Bùi Tiến Lực.

Cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ cấp trên cơ sở

Trong buổi thảo luận tại tổ do Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Châu Văn Thắng làm tổ trưởng, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến công tác phát triển ĐV, thành lập CĐCS, thu kinh phí CĐ, nâng cao năng lực hoạt động của CBCĐ cấp trên cơ sở, tinh giản biên chế…

Đại biểu Châu Văn Thắng nhận định, cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ cấp trên CS. Hiện nay, việc phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nơi còn hoạt động mang tính hành chính, ít đi cơ sở, không khảo sát, đánh giá tình hình thực tế.

Đại biểu phát biểu tại tổ thảo luận

Đại biểu Nguyễn Tiến Dũng – chủ tịch CĐ TCty Công nghiệp Hóa chất VN cho rằng hoạt động CĐ phải hướng về cơ sở là chủ trương đúng, tuy nhiên, phải quan tâm đến cả hai phía ở cơ sở: NLĐ và người sử dụng LĐ (NSDLĐ). Thực tế cho thấy, nếu nơi nào CBCĐ không chỉ sát sao với đời sống, việc làm của NLĐ mà còn quan tâm đến tình hình SXKD của DN thì sẽ luôn nhận được sự hợp tác tốt từ phía DN, từ đó, việc bảo vệ NLĐ sẽ được thuận lợi hơn. Cũng theo đại biểu Nguyễn Tiến Dũng, công tác kiểm tra giúp cho hoạt động ở cơ sở tốt hơn, tuy nhiên, công tác kiểm tra ở các CĐ ngành thường chỉ tập trung vào việc thu – chi kinh phí CĐ. Điều này gây tâm lý không hay cho cơ sở. Vì thế, công tác kiểm tra nên hướng tới mục tiêu chính sách đối với NLĐ, Luật LĐ, Luật CĐ…, trong đó sẽ bao gồm cả việc thu – chi kinh phí CĐ. Liên quan đến việc thu kinh phí CĐ, đại biểu Lê Thị Bạch Phượng – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc thu kinh phí CĐ là vô cùng khó khăn, đặc biệt là đối với những đơn vị chưa có tổ chức CĐ, vì thế không nên “khoán trắng” cho Ban Tài chính mà cần có sự vào cuộc của cả Ban Thường vụ.

Xung quanh dự thảo Tờ trình về một số vấn đề xin ý kiến BCH TLĐ để triển khai thực hiện Quy định số 282-QĐ/TW ngày 1.4.2015 của Ban Bí thư và Nghị quyết 39 – NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị, các đại biểu đều cho rằng cần thận trọng, làm chậm, làm chắc và có lộ trình dài hơn, nhất là trong tình hình hiện nay – khi các địa phương đang tập trung cho đại hội Đảng các cấp.