BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tăng lương phải kèm theo biện pháp mạnh để giảm bộ máy

04/11/2015 08:31

Nhận định về việc sẽ lùi thời hạn trình phương án tăng lương cơ sở sang tháng ba năm 2016, một số đại biểu Quốc hội hy vọng, cán bộ - công chức chia sẻ với Nhà nước. Quá trình tăng lương cũng nên kèm theo biện pháp mạnh để giảm bộ máy hành chính.


Tăng lương phải kèm theo biện pháp mạnh để giảm bộ máy

Hỏi: Thưa đại biểu, ông có thể cho biết quan điểm của mình về việc hoãn tăng lương cơ sở trong năm nay?

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh): Tôi rất chia sẻ việc lỡ hẹn tăng lương. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta nên kèm theo biện pháp rất mạnh để giảm bộ máy hành chính. Nếu như cứ thực hiện theo kiểu “nước lên thuyền lên”, tăng người thì tăng lương, sẽ không giải quyết căn cơ vấn đề. Tôi đồng ý, trước mắt, sẽ tăng lương từ năm 2016, như Chính phủ đề nghị có thể cắt giảm, tính toán một số nguồn từ ngân sách như đã cam kết với người lao động và sẽ trình ra tại kỳ họp tới. Nhưng đồng thời với việc đó, phải có một quy chế rất rõ ràng. Vấn đề là làm sao cần giảm người, chứ còn tính toàn bộ máy hành chính của chúng ta sẽ tăng rất lớn, làm sao có thể tăng lương mãi được. Đó là vấn đề.

Hỏi: Việc Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đưa ra yêu cầu Chính phủ cắt giảm các nguồn chi tiêu công để có nguồn tăng lương trong tháng 7 năm 2016 là có hợp lý không, thưa ông?

Đại biểu Trần Du Lịch: Tôi đề nghị cân đối và hoàn toàn cắt giảm các khoản chi như hội họp, đi lại, xe cộ… những gì không cần thiết, chỉ giữ những gì cần thiết cho quốc gia. Nhiều khoản khác tôi cho rằng có thể làm được, và đây là điểm tôi cho rằng chúng ta có thể quyết định làm được. Tôi vẫn nói, nếu điều chỉnh lương cơ sở cho tất cả cán bộ - công chức trong năm 2016 là biện pháp nhất thời vì chúng ta đã hứa với người lao động. Còn biện pháp căn cơ là phải cải cách bộ máy.

Chia sẻ với khả năng của Nhà nước

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình).

Hỏi: Năm nào, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tăng lương, nhưng bộ máy biên chế ngày càng to, nguồn thu không được nhiều. Chúng ta nên cân đối vấn đề này như nào khi muốn tăng lương nhưng không có tiền?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình): Tăng lương là phải thực hiện theo lộ trình. Tất nhiên thời gian qua, nguồn thu của Ngân sách Nhà nước do sụt giảm giá dầu và tình hình kinh tế tác động nên Chính phủ chưa tăng lương được. Đây là do nguyên nhân khách quan, chứ không phải do biên chế tăng tới mức không tăng lương được. Đó chỉ là một yếu tố mà cơ bản chính là nguồn thu của quốc gia trong thời gian qua có giảm sút, không cân đối được thu - chi nên chưa tăng lương. Theo kế hoạch của Chính phủ, năm 2016 sẽ thực hiện lộ trình tăng lương.

Hỏi: Thưa đại biểu, việc hoãn lộ trình tăng lương có thiệt thòi cho hàng triệu công chức - viên chức Nhà nước hay không?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Tất nhiên, khi hoãn tăng lương sẽ thiệt thòi cho người lao động, cho công chức Nhà nước. Nhưng theo tôi nghĩ, công chức phải chia sẻ với khả năng của Nhà nước. Trong khi nguồn thu của ngân sách chưa có mà mình cứ đòi hỏi thì cũng không đáp ứng được. Đây là yếu tố rất cần sự chia sẻ của công chức Nhà nước, người lao động.

Hỏi: Nhưng bây giờ, hầu như các giá điện, xăng… đều điều chỉnh theo giá thị trường, trong khi mức lương được hưởng của công chức so với mặt bằng cuộc sống thấp. Theo ông, thay vì hoãn tăng lương, nên cắt giảm phần khác để ưu tiên tăng lương?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Trong thời điểm hiện nay, khi chưa thực hiện lộ trình tăng lương, các vấn đề khác về giá điện, giá cả các mặt hàng khác cũng nên kéo giảm, thực hiện theo lộ trình nhất định để đời sống cán bộ - công chức không rơi vào tình thế khó khăn.

*Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển:

Vấn đề tăng lương hiện đang có hai luồng ý kiến khác nhau trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách, hai ý kiến này ngang nhau.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, chưa thể có điều kiện tăng lương căn cơ, chỉ bảo đảm được việc tăng lương chế độ cho những người có mức lương có hệ số dưới 2,34 theo Nghị quyết trước đây của Quốc hội, hoặc những người hưởng lương hưu được hưởng 8%. Lần này, có bổ sung thêm những trường hợp với những người có mức lương hưu trước năm 1995 mà thu nhập dưới hai triệu đồng thì được tính toán, và đối tượng giáo viên mầm non để họ đạt được mức lương cơ bản. Chính phủ bổ sung đối tượng vậy thôi, còn đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở lên bố trí rất khó khăn. Vì muốn tăng nguồn chi lương, phải tính nguồn ở đâu. Mà tinh thần của Quốc hội là, khi đưa ra chính sách mới phải chỉ ra được nguồn đó từ đâu. Đó là nguyên tắc.

Nhưng tình hình thu ngân sách khó khăn. Đầu tiên, giá dầu hụt 50 USD, hụt thu khoảng 61 nghìn tỷ đồng, rơi chủ yếu vào ngân sách Trung ương. Nếu ngân sách Trung ương có tăng để bù đắp thì vẫn hụt thu 31 nghìn tỷ đồng nữa, do dù Chính phủ vẫn đang quyết tâm để hoàn thành. Về thu nội địa, năm 2016, tất cả chính sách về thuế thực hiện theo luật, như Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm xuống chỉ còn 20% theo lộ trình, thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) không thể nâng lên. Đúng ra, chúng ta giảm thuế TNDN thì phải tăng thuế TNCN lên, nhưng khó làm như vậy. Nói đến tăng thu thì khó khăn, nhưng giảm thu được nhiều người ủng hộ. Cuối cùng, ngân sách huy động GDP ngày càng thấp đi. Từ giờ đến cuối năm, Chính phủ cố gắng khai thác từ các nguồn thu, đặc biệt chống thất thu, nợ đọng thuế để bù đắp, nhưng chỉ năm nay thôi. Còn giải quyết tiền lương là quá trình dài, nên phải cân đối thu - chi cả quá trình trung hạn. Trong năm 2015, Chính phủ đề nghị với Quốc hội, để năm 2016, xem tình hình giá dầu thế nào, khả năng thu ngân sách thế nào, mới trình và xin ý kiến Quốc hội về toàn bộ lộ trình cải cách tiền lương vào kỳ họp thứ 11, tức là vào tháng 3. Tôi cho đó là đề xuất tương đối chắc chắn.

Nhưng cũng có ý kiến của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nên đưa vào thực hiện ngay, có thể thời điểm khác nhau thôi, hoặc thời điểm 1-5 và 1-7. Và chúng ta phải cần 10 nghìn tỷ đồng nữa, chưa kể phải điều chỉnh chuẩn nghèo theo đa chiều, với mức chuẩn nghèo nông thôn lên 700 nghìn đồng/tháng và thành thị 900 nghìn đồng/ tháng, cần phải chi. Nếu theo Chính phủ trình bày, chúng ta chưa cân đối được. Hướng quan điểm này cho rằng, cứ giao trên cơ sở mặt bằng, ngân sách đã giao cho bộ, ngành, địa phương phải tiết kiệm trong chi tiêu, xăng, xe, điện, nước, hội nghị… để bố trí tăng lương. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn.

 Tôi ủng hộ phương án để đến tháng 11-2016. Chúng ta có bốn triệu người ăn lương. Lương và thu nhập luôn là vấn đề của cuộc sống và xã hội, nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn, liên quan tiền lương và an sinh xã hội thì phải hết sức thận trọng, hoàn toàn tính đến yếu tố cân đối ngân sách.

Theo http://www.nhandan.org.vn/
Tìm kiếm