BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


'Là cán bộ lãnh đạo thì nên rèn luyện khả năng lắng nghe'

04/11/2015 14:22

Nói về công tác cán bộ, theo Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, đã là người lãnh đạo thì phải rèn luyện khả năng lắng nghe: Lắng nghe từ cấp dưới, từ đồng nghiệp và lắng nghe từ các vị cán bộ lão thành của đơn vị...

can bo, lanh dao, lang nghe, Bo truong, Dinh La Thang, Nguyen Thanh Hai, dai bieu, Quoc hoi
Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Tuấn Nam)


Tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2015 chiều 2.11 và sáng 3.11, đã có khá nhiều đại biểu cho rằng cán bộ chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nữ đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

- Tại phiên thảo luận tại Hội trường chiều 2.11, đại biểu Huỳnh Nghĩa đã cho rằng"Hiện nay một trong những yếu kém của nền kinh tế là tình trạng khuynh đảo của các nhóm lợi ích. Sự cấu kết giữa những người làm chính sách với các đại gia đang là một mối nguy hiểm tiềm tàng và lớn nhất trong việc khai thác tối ưu nguồn tài nguyên". Bà có đánh giá như thế nào về nhận định này?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Trong quy trình xây dựng các dự án luật, theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cho phép các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước về một lĩnh vực nào đó được phép trình các dự án luật liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn của ngành mình. 
Tất nhiên dự thảo luật, sau đó sẽ trải qua các khâu thẩm định theo đúng quy định của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội cũng như được lấy ý kiến của người dân đồng thời được tham vấn ý kiến từ phía các nhà khoa học.
Về việc đảm bảo tính khách quan của quá trình trình dự án luật, theo tôi, cái gì cũng có tính hai mặt. 
Việc các bộ ngành chức năng trình các dự án luật có liên quan tới công việc chuyên môn của chính ngành mình sẽ có tác dụng tích cực, đó là gần và sát nhất với thực tế những gì đang diễn ra, đang còn vướng mắc. 
Tuy nhiên nếu những người xây dựng dự thảo không đặt lợi ích chung lên trên hết mà lại quan tâm tới những lợi ích mang tính chất cục bộ của ngành, của lĩnh vực mình đang điều hành quản lý thì những tiêu cực như đã nêu trên cũng có khả năng xảy ra. 
Vì vậy vấn đề mấu chốt ở đây là chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, còn việc có hay không việc cấu kết giữa những người làm chính sách với các đại gia thì tôi cũng thấy không có bất kỳ một bằng chứng nào cả. 
Vì như tôi đã nói ở trên, dự thảo luật còn được thông qua một quá trình thẩm định cũng như đóng góp ý kiến của tất cả các ĐBQH mà thường là tại hai, thậm chí là ba kỳ họp của Quốc hội.

- Cũng liên quan đến công tác cán bộ, vừa qua, có vị đại biểu cho rằng việc cần làm đầu tiên và phải cố làm được trong năm 2016 là loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, năng lực kém ra khỏi bộ máy lãnh đạo Nhà nước. Bà đánh giá tính khả thi của việc đó trong thời điểm này như thế nào?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Tôi thấy rằng với các phát biểu của nhiều đại biểu quốc hội cũng như quan sát của tôi từ thực tiễn, việc đánh giá và quản lý cán bộ của các cơ quan, tổ chức nhà nước trong thời gian qua đã được hết sức quan tâm.
Công tác giám sát hiệu quả công việc cũng như thái độ của cán bộ công chức cũng rất đa dạng, các chế tài xử lý những cán bộ vi phạm đã nghiêm khắc và hiệu quả hơn trong thời gian vừa qua.
Tôi nhận thấy, công tác cán bộ khi nào cũng là khâu quan trọng nhất nhưng cũng rất khó khăn và phức tạp. 
Tuy nhiên, việc trao quyền tự chủ cho người đứng đầu các cơ quan quản lý (tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật,...) là một trong những phương pháp rất hiệu quả để người đứng đầu phát huy hết vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý cán bộ.
- Cho đến ngày 1.11 vừa qua, các tỉnh thành trong cả nước đã tiến hành đại hội Đảng và bầu ra ban chấp hành mới. Đáng chú ý, trong số đó có khá nhiều vị Bí thư tỉnh uỷ được đánh giá là trẻ tuổi. Bà có kỳ vọng gì vào thế hệ lãnh đạo trong thời gian tới khi xu hướng trẻ hoá cán bộ đang dần được áp dụng trong thực tế?
Bà Nguyễn Thanh Hải: Từ thực tế, tôi nhận thấy rằng người trẻ tuổi dù ở bất kỳ cương vị nào đặc biệt là trên các cương vị lãnh đạo quản lý thì đều rất năng động, sáng tạo, tâm huyết và nhiệt tình với công việc. 
Nhưng bên cạnh đó về mặt kinh nghiệm quản lý thì chắc chắn còn chưa nhiều nên cần phải tích lũy thêm. 
Đặc biệt phải nhấn mạnh thêm, đội ngũ cán bộ trẻ hiện nay thường được đào tạo khá bài bản. 
Nếu những cán bộ lãnh đạo trẻ này khắc phục được những hạn chế của bản thân, luôn có ý thức học hỏi, trau dồi kinh nghiệm của những cán bộ lớn tuổi hơn, của các thế hệ cán bộ lão thành thì tôi tin tưởng chắc chắn vào sự thành công tất yếu của họ.
Sự thành công của họ sẽ tạo ra bước chuyển biến tích cực cho sự phát triển kinh tế cũng như xã hội của đất nước trong thời gian tới

- Theo bà, đâu là giải pháp để các vị lãnh đạo trẻ khắc phục điểm yếu này?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Thứ nhất, như tôi đã phân tích ở trên, để khắc phục nhược điểm của mình, các cán bộ lãnh đạo trẻ cần phải quan sát, học hỏi, lắng nghe từ thực tiễn công việc, lắng nghe từ cấp dưới, từ đồng nghiệp, từ các cán bộ lãnh đạo đơn vị đã nghỉ hưu...  
Và do đó, theo tôi giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất đó là người lãnh đạo đặc biệt là lãnh đạo trẻ thì cần phải rèn luyện khả năng lắng nghe. 
Đã có người nói rằng: "Chỉ mất 2 năm để học nói nhưng phải mất hàng chục năm thậm chí cả đời để học im lặng". Sự im lặng ở đây chính là lắng nghe để chọn lọc thông tin, để suy nghĩ, phân tích, và từ đó mới đưa ra nhận xét, đánh giá, quyết định. 
Việc rèn luyện khả năng lắng nghe sẽ giúp cán bộ trẻ khắc phục được tâm lý nóng vội, chủ quan, từ đó mà có những điều chỉnh cho phù hợp (đây cũng là một kinh nghiệm của bản thân tôi).  

Thứ hai, một vị lãnh đạo cần phải có trình độ để có thể phân tích, thẩm định những ý kiến được góp ý.

Và thứ ba là có bản lĩnh, quyết đoán để đưa ra được quyết định đúng đắn, công tâm, không chịu sự chi phối của bất kỳ một cá nhân hay nhóm lợi ích nào.

- Từ đầu nhiệm kỳ này, dư luận đã rất quan tâm đến các thành viên Chính phủ trẻ tuổi. Trong nhiệm kỳ tới, bà có kỳ vọng gì vào các thành viên Chính phủ trong khoá tới? Liệu có phải Chính phủ có nhiều thành viên trẻ tuổi sẽ tốt hơn?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Việc này đã nằm trong chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ: trong một bộ máy bao giờ cũng cần phải có cán bộ ở nhiều độ tuổi khác nhau để vừa đảm bảo tính kế thừa, chia sẻ kinh nghiệm và vừa đảm bảo tính mới, năng động và sáng tạo. Ngoài ra cần phải quan tâm tới yếu tố nữ để đảm bảo các mục tiêu về bình đẳng giới.

Cá nhân tôi luôn mong muốn có một bộ máy Chính phủ nhiệt huyết, trình độ và công tâm. Tuy nhiên, theo tôi điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào số lượng thành viên chính phủ trẻ tuổi hay lớn tuổi mà là phụ thuộc vào chất lượng của từng thành viên cùng sự phối hợp, hợp tác tích cực giữa các thành viên trong Chính phủ

Xin trân trọng cảm ơn bà.

Theo http://motthegioi.vn/
Tìm kiếm