Đề án còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về vấn đề có bao nhiêu phó chánh văn phòng là hợp lý. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đề án đề xuất Văn phòng chung có chánh văn phòng, các phó chánh văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng phó chánh văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Quochoi.vn).
Bao nhiêu Phó Chánh văn phòng là hợp lý?
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đề án đề xuất Văn phòng chung có chánh văn phòng, các phó chánh văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng phó chánh văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất. Theo ông Phúc, kể từ năm 2020, số lượng phó chánh Văn phòng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá 4 người; đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không quá 5 người. Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chủ tịch HĐND cùng cấp và trưởng Đoàn ĐBQH.
Thẩm tra Đề án trên, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ “khi sáp nhập, số lượng cấp phó của cơ quan hợp nhất không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của các cơ quan sáp nhập và xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng cấp phó theo quy định”. Do đó, Đề án và Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng Phó Chánh Văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất là hợp lý, phù hợp với tinh thần của Kết luận số 34-KL/TW.
Tuy nhiên, ông Định cũng cho biết, 22/34 ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tham gia biểu quyết cho rằng, các quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan đang được sửa đổi theo hướng tăng cường sự chủ động cho các địa phương, cơ quan được tự quyết định trên cơ sở “khoán cấp phó”. Việc Đề án và Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định cứng kể từ năm 2020 số lượng phó chánh văn phòng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá 4; đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không quá 5 là chưa thật sự hợp lý. Do đó Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH chỉ nên xác định số lượng cấp phó của Văn phòng sau khi hợp nhất không vượt quá số lượng cấp phó hiện có và giao cho địa phương xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng Phó Chánh Văn phòng theo quy định chung.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong việc hợp nhất thì giảm biên chế có thể làm được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là hiệu quả công việc sau khi hợp nhất. Bởi cùng một lúc phải phục vụ hoạt động cho HĐND, UBND, và Đoàn ĐBQH. Nếu không biết dung hòa thì sẽ lúng túng trong tham mưu, điều hành.
11 hay 7 phòng?
Về số lượng phòng trực thuộc Văn phòng chung, Đề án và Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH cho phép địa phương chủ động lựa chọn thực hiện theo một trong 2 phương án. Cụ thể, phương án 1 quy định thành lập các phòng theo đối tượng phục vụ. Theo đó, Văn phòng chung có không quá 11 đơn vị trực thuộc, trong đó có 1 phòng trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, 1 phòng trực tiếp tham mưu cho HĐND cấp tỉnh, 4 phòng trực tiếp tham mưu, giúp việc cho UBND cấp tỉnh. Gồm Phòng Kinh tế - Tài nguyên - Môi trường, Phòng Văn hóa - Xã hội, Phòng Nội chính - Pháp chế, Phòng Thư ký - Tổng hợp), các phòng, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ phục vụ chung và 01 phòng do địa phương chủ động thành lập tùy thuộc theo yêu cầu đặc thù.
Còn phương án 2 quy định: Thành lập các phòng theo nội dung, tính chất công việc. Theo đó, Văn phòng có không quá 7 đơn vị được chia theo các lĩnh vực, gồm: Phòng Kinh tế - Ngân sách, Phòng Văn hóa - Xã hội, Phòng Nội chính - Pháp chế, Phòng Tổng hợp chung, Phòng Hành chính - Tổ chức - Nhân sự, Phòng Quản trị - Tài vụ và Ban Tiếp công dân.
Ủy ban Pháp luật cho rằng Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH không cần thiết phải quy định quá cụ thể về cơ cấu tổ chức của Văn phòng chung mà chỉ nên quy định số lượng tối đa của các đơn vị trực thuộc có thể là 10-11 phòng và giao cho các địa phương chủ động quyết định căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của địa phương với yêu cầu là phải thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả tất cả các nhiệm vụ mà 3 Văn phòng đang đảm nhiệm hiện nay.
Bày tỏ quan điểm với phương án 2, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, hiện chúng ta đang xác định vị trí việc làm, do đó số lượng phòng nên giảm, không phải cứ nhiều phòng mới là tốt. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, chỉ nên quy định số lượng tối đa các phòng, còn mạnh dạn phân cấp cho địa phương. Như việc hiện tỉnh Lào Cai đã hợp nhất 2 sở là Xây dựng và Giao thông vận tải làm 1. Hay như tỉnh Quảng Ninh có mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công. Do đó nếu phân cấp cho địa phương sẽ giúp cho địa phương có tính sáng tạo và chủ động trong quá trình thực hiện.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc xác định số lượng cấp phó và số phòng trực thuộc cần bám sát tinh thần Kết luận 34 của Bộ Chính trị, và bám sát các mảng nhiệm vụ được phân công. Nhất là tại một số địa phương hiện nay đã có cơ quan tham mưu giúp việc tốt. Cho nên có thể giảm được các phòng.