Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: tư liệu
Bối cảnh lịch sử của việc lựa chọn đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ cương vị, trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Nền dân chủ cộng hòa Việt Nam ra đời trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã đi vào giai đoạn kết thúc với việc phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện. Tuy nhiên, lúc này đất nước và cách mạng nước ta đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” với những chỉ dấu lớn là:
- Lần đầu tiên có tên trên bản đồ thế giới hiện đại với hai chữ Việt Nam, theo thể chế dân chủ cộng hòa, nhưng chưa được bất cứ một quốc gia hay tổ chức quốc tế, khu vực nào thừa nhận.
- Trên lãnh thổ Việt Nam lúc đó có nhiều đạo quân khác nhau, nhưng tất cả đều muốn phá hoại nền độc lập dân tộc (gồm 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch, 6.000 quân Anh, gần 100.000 quân Nhật, gần 10.000 quân Pháp, cùng nhiều lực lượng và tổ chức thân Nhật, thân Pháp, đối lập với Việt Minh…).
- Chính quyền cách mạng non trẻ vừa ra đời, chưa được củng cố thành hệ thống từ Trung ương đến các địa phương trên lãnh thổ dài hàng nghìn ki lô mét; xác lập chế độ dân chủ cộng hòa, nhưng chưa có cơ sở pháp lý, chưa có nền tảng Hiến pháp, pháp luật tương ứng.
- Khối đoàn kết dân tộc vừa vùng lên lật đổ chế độ xã hội thuộc địa nửa phong kiến chưa được củng cố, mở rộng để có đủ sức mạnh giữ chính quyền cách mạng - nhiệm vụ khó hơn nhiều so với việc giành chính quyền.
- Những công cụ cần có của nền chuyên chính dân chủ nhân dân còn non trẻ và nhỏ bé, thiếu tất cả về tổ chức, trang bị, kinh nghiệm để đối phó với thù trong, giặc ngoài đang đứng sẵn trên đất nước của mình.
- Nền kinh tế - tài chính nghèo nàn, lạc hậu, trống rỗng và đình trệ; nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, nay đang đe dọa bùng phát trở lại.
- Đất nước có hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn và hủ tục xã hội trầm trọng, tàn dư của chế độ phong kiến và thuộc địa nặng nề, cản trở người dân làm chủ vận mệnh của mình.
Ngày 27/8/1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (được Đại hội quốc dân Tân Trào cử ra ngày 16/8/1945). Bản Tuyên cáo ngày 28/8/1945 công bố: “Ủy ban dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân đã giao phó cho”(1). Theo đó, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu có 13 bộ gồm những người của nhiều tổ chức đoàn thể và không đoàn thể nắm giữ các cương vị trọng trách trong Chính phủ. Trong đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ là cơ quan mới của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa của dân, do dân và vì dân (khác hẳn về bản chất các cơ quan tương tự trong triều chính thời phong kiến, hay chính quyền thời thuộc địa), người đứng đầu là đồng chí Võ Nguyên Giáp dù trải qua nhiều công tác cách mạng, nhưng chưa từng kinh qua Bộ trưởng bộ nào; ở tuổi 34 ông còn kiêm Phó Bộ trưởng (Thứ trưởng thường trực) Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lựa chọn để giao đảm trách những công việc rất lớn lao và quan trọng: “Với tư cách là Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, đặc trách công tác quân sự, về chính quyền là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi trực tiếp giúp Bác Hồ các công việc”(2).
Là người đứng đầu Bộ Nội vụ, cơ quan quan trọng hàng đầu trong các Bộ của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp giữ trọng trách lớn nhất đối với bốn chức năng chính yếu của Bộ Nội vụ: tổ chức, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng; đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự trị an; đảm nhiệm một phần chức năng của Chủ tịch phủ; theo dõi và điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và điều phối hoạt động của các bộ khác(3).
Vai trò, dấu ấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trong việc tham mưu xây dựng, kiến thiết thể chế và tổ chức chính thể của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Trong vai trò người đứng đầu Bộ Nội vụ, vị Bộ trưởng - cử nhân luật Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc định hình tổ chức và hoạt động của Bộ này như một “Bộ tham mưu” cho Chính phủ xây dựng, kiến thiết thể chế và tổ chức chính thể của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thể hiện qua việc thực hiện những trọng trách chủ yếu sau:
- Tham mưu cho Chủ tịch Chính phủ ký và ban hành các sắc lệnh về thiết quân luật, quy định về Quốc kỳ, mở cuộc Tổng tuyển cử tự do… và các sắc lệnh có tính chất pháp quy trên nhiều lĩnh vực khác để tạo lập những thể chế chính trị, pháp lý đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, đặc trách quân sự, trực tiếp lãnh đạo Bộ Nội vụ và công việc tổ chức chính quyền, thay mặt Chủ tịch Chính phủ ký ban hành các sắc lệnh ban bố những vấn đề nội vụ, an ninh của đất nước để giữ vững và bảo đảm an ninh, nội trị quốc gia.
- Chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các biện pháp kiện toàn hệ thống chính quyền nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương, đề xuất ban hành các văn bản pháp lý về tổ chức chính quyền địa phương… để mở đầu cho việc thiết lập một hệ thống cơ quan hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt và hiệu lực, hiệu quả.
Ngay trong ngày Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân (ngày 02/9/1945), sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới về nền độc lập của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã phát biểu diễn giải thêm về ba nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, về Chính phủ lâm thời với công việc cấp bách trước mắt là triệu tập Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ để có thể xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành Hiến pháp, đồng thời phác họa những biện pháp cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, hành chính, văn hóa và cứu tế.
Khi Chính phủ họp phiên đầu tiên (ngày 03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 nhiệm vụ “cấp bách hơn cả” là: “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất”, “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”, “tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”, “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”, “bỏ ngay ba thứ thuế” (thuế thân, thuế chợ, thuế đò) và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”, “tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết”. Các Bộ của Chính phủ từ đó bước vào quá trình hoạt động xây dựng nền dân chủ cộng hòa trên các lĩnh vực được phân công, theo phong cách làm việc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm”(4).
Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã tham gia trực tiếp và thường xuyên vào các hoạt động của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Trong cuộc gặp giữa Việt Minh với tổ chức Việt Cách ngày 18/9/1945 và tổ chức Việt Quốc ngày 19/9/1945, đại diện các đảng phái này đưa ra đề nghị hợp nhất về tổ chức với tổ chức Việt Minh. Nhận thấy đó là những thủ đoạn lợi dụng Việt Minh để thực hiện âm mưu thâm độc của các nhóm chính trị đang lợi dụng danh nghĩa Đồng Minh để chống phá cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép, đã lập tức phản ứng nhanh và kiên quyết không chấp nhận việc hợp nhất, nêu rõ quan điểm dứt khoát bác bỏ đề xuất giả tạo ấy.
Đặc biệt, trong nhiệm vụ được giao đối phó trực tiếp với hai tổ chức đảng phái nguy hiểm Việt Quốc và Việt Cách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Hà Nội thực hiện các hoạt động làm vô hiệu hóa các cuộc biểu tình do chúng tổ chức nhằm tuyên truyền xuyên tạc về Việt Minh và Chính phủ lâm thời. Bộ Nội vụ huy động lực lượng tự vệ và các hội viên các Hội Cứu quốc của Việt Minh đi vào các cuộc biểu tình ấy và không cho chúng tuyên truyền xuyên tạc, trừng trị những kẻ gây rối và khiêu khích; nhờ vậy đã ngăn chặn được các hoạt động công khai của Việt Quốc, Việt Cách và đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, không để xảy ra xung đột tạo cớ cho quân Đồng Minh can thiệp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã tư vấn, đề xuất và trực tiếp ký thay Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều sắc lệnh quan trọng:
- Sắc lệnh số 33a-SL ngày 13/9/1945 bắt những người có nguy hiểm cho nền Dân chủ Cộng hòa Việt Nam để đưa đi an trí; Sắc lệnh số 33b-SL ngày 13/9/1945 ấn định thủ tục và thẩm quyền giải quyết khi Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát bắt người; Sắc lệnh số 33d-SL ngày 19/9/1945 phóng thích cho các tội nhân bị kết án trước ngày 19/8/1945.
- Sắc lệnh số 71-SL ngày 02/12/1945, bổ khuyết Điều thứ 11, Chương 5, Sắc lệnh ngày 17/10/1945 về thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 76-SL ngày 18/12/1945 quy định thay đổi ngày bầu cử, ấn định vào ngày Chủ nhật 06/01/1946.
- Sắc lệnh số 41-SL ngày 03/10/1945 bãi bỏ tất cả các công sở và các cơ quan trước thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương hoặc các nơi khác thuộc địa hạt Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ nước Việt Nam; Sắc lệnh số 23-SL ngày 10/9/1945 cử ông Vĩnh Thụy làm cố vấn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Sắc lệnh số 48-SL ngày 09/10/1945 cho phép các công ty và các hãng ngoại quốc hiện có vẫn được phép tiếp tục công việc doanh nghiệp như cũ; Sắc lệnh số 50-SL ngày 09/10/1945 cấm hẳn việc xuất cảng ra ngoại quốc thóc, gạo, ngô, đỗ, hoặc các chế phẩm từ ngũ cốc.
- Sắc lệnh số 54-SL ngày 03/11/1945 ấn định những điều kiện cho công chức nghỉ hưu; Sắc lệnh số 55-SL ngày 03/11/1945 ấn định thành phần Hội đồng kỷ luật; Sắc lệnh số 59-SL ngày 15/11/1945 ấn định quyền thị thực các loại giấy tờ.
- Sắc lệnh số 63-SL ngày 22/11/1945 ấn định việc tổ chức cơ quan Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp; Sắc lệnh số 77-SL ngày 21/12/1945 tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố, trong đó quy định Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh - Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn - Chợ Lớn đều đặt làm thành phố; Thành phố Hà Nội được đặt trực tiếp dưới quyền quản lý của Chính phủ lâm thời.
- Sắc lệnh số 64-SL ngày 23/11/1945 thiết lập một Ban Thanh tra đặc biệt; Sắc lệnh số 68-SL ngày 30/11/1945 ấn định việc trưng dụng bất động sản, trưng dụng và trưng thu động sản, trưng tập người; Sắc lệnh số 75-NV/CC ngày 17/12/1945 trưng tập tất cả các viên chức trong thời kỳ kháng chiến; Sắc lệnh số 78-SL ngày 31/12/1945 lập một “Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết” (gồm 40 người đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam) đặt dưới quyền điều khiển của Chủ tịch Chính phủ để “Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu và đề nghị để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành những quyết sách mới:
- Về thành lập các bộ, cơ quan trong bộ máy nhà nước và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của những cơ quan này; về kiện toàn hệ thống chính quyền nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương.
- Về an ninh trật tự, nhất là việc trấn áp, trừng trị các đội bắt cóc, tống tiền, ám sát, tra tấn người trái phép, phá hoại tài sản công cộng, làm tiền giả, đưa và nhận hối lộ; thực hiện chế độ thiết quân luật ở một số đô thị lớn và tình hình phức tạp trong những thời điểm cần thiết (Hà Nội, Hải Phòng...); về quốc tịch và các thủ tục thị thực giấy tờ để quản lý cư dân.
- Thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, có nhiệm vụ đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ; thiết lập Tòa án đặc biệt để xử những nhân viên của các Ủy ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra đặc biệt truy tố; cho phép Ty Liêm phóng có thể bắt những hạng người nguy hiểm cho nền dân chủ cộng hòa Việt Nam để đưa đi an trí.
Đối với Bộ Nội vụ, ngày 03/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41-SL về việc: “Bãi bỏ tất cả các công sở và các cơ quan trước thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương (các Sở lớn chung cho toàn hạt Đông Dương và các Sở phụ thuộc Phủ Toàn quyền) đã thiết lập hoặc ở Hà Nội, hoặc ở Sài Gòn, hoặc ở Đà Lạt, hoặc ở các nơi khác thuộc địa hạt Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ nước Việt Nam. Những bất động sản và động sản (dinh thự, nhà cửa, của cải, đồ đạc, hàng hóa, khí cụ, tài liệu, đồ dùng phòng giấy.v.v.) của tất cả những công sở kể trên đều phải giữ nguyên vẹn và chuyển giao, cùng với những nhân viên hiện tòng sự tại đấy sang các Bộ của Chính phủ lâm thời Việt Nam”.
Theo quy định phân phối trong Sắc lệnh này, Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu và quản lý các cơ quan: Tòa Công chức Phủ Toàn quyền, một phần Tòa Pháp chính Phủ Toàn quyền trước gồm có Ty Pháp chế và Hành chính, Ty Hành chính tố tụng và Hành chính kiểm sát; một phần Tòa Chính trị Phủ Toàn quyền (Ty Nội chính); Tòa Liêm phóng Phủ Toàn quyền; Ban “Công báo” của Phòng Công văn Phủ Toàn quyền… Tổ chức Bộ Nội vụ dần dần hình thành hệ thống gồm Văn phòng và các Nha (Nha Công chức và Kế toán, Nha Pháp chế và Hành chính, Nha Thanh tra, Nha Công an); lãnh đạo Bộ ngoài Bộ trưởng có Đổng lý Văn phòng, Chánh Văn phòng và các bộ phận chuyên trách.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện trách nhiệm đôn đốc các bộ và ban ngành, ủy ban hoạt động phối hợp trong các nhiệm vụ được phân công đem lại hiệu quả có ý nghĩa chính trị to lớn. Điển hình là theo Sắc lệnh số 34-SL ngày 20/9/1945 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp phụ trách thi hành Sắc lệnh này.
Theo đó, Ban soạn thảo được sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, ngày 08/11/1945 (66 ngày sau Tuyên ngôn Độc lập) Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Ủy ban dự thảo đã trình Dự thảo đầu tiên bản Hiến pháp (do Luật sư Vũ Trọng Khánh chấp bút) - đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ngày 10/11/1945, bản Dự thảo được đăng trên báo Cứu Quốc “để mọi người được đọc kỹ càng và tự do bàn bạc, phê bình…”, làm cơ sở cho việc xây dựng, thảo luận, hoàn thiện và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên cuối năm 1946.
Vai trò, dấu ấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trong việc ban hành các sắc lệnh có ý nghĩa lịch sử to lớn
Trong hơn 6 tháng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (từ ngày 28/8/1945 đến ngày 02/3/1946), Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền ký ban hành nhiều sắc lệnh có ý nghĩa lịch sử to lớn.
- Sắc lệnh đầu tiên về tổ chức Nội vụ là Sắc lệnh số 01-SL ngày 30/8/1945: “Về việc cử ông Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ”. Đây cũng là sắc lệnh đầu tiên của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp (chỉ sau 02 ngày nhận nhiệm vụ), cũng là sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sắc lệnh sớm nhất về bổ nhiệm nhân sự cho các bộ, ngành, trước hết là Bộ Nội vụ. Sau đó là Sắc lệnh số 32-SL ngày 13/9/1945 bãi bỏ hai ngạch quan hành chính và quan tư pháp; Sắc lệnh số 33-SL ngày 13/9/1945 cử bác sĩ Hoàng Tích Trí giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế…
- Sắc lệnh đầu tiên về an ninh trật tự là Sắc lệnh số 03-SL ngày 01/9/1945 về “Thiết quân luật tại Hà Nội”, trong đó cấm đi lại trên phố từ 12h đêm đến 6h sáng và không ai được mang khí giới, trừ những người có giấy phép. Sắc lệnh nhằm đảm bảo an toàn cho ngày trọng đại của đất nước trong ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau đó là Sắc lệnh số 06-SL ngày 05/9/1945 cấm nhân dân Việt Nam không được đăng lính, bán thực phẩm, dẫn đường, liên lạc, làm tay sai cho quân đội Pháp; ai trái lệnh đó sẽ đem ra Tòa án quân sự nghiêm trị.
- Sắc lệnh đầu tiên về nội trị là Sắc lệnh số 08-SL ngày 05/9/1945 về giải tán “Đại Việt Quốc gia xã hội Đảng” và “Đại Việt Quốc dân Đảng” do “tư thông với ngoại quốc”, làm “phương hại đến nền độc lập Việt Nam”; nếu hai đảng ấy còn tụ họp và hoạt động thì những người can phạm sẽ phải đem ra Tòa án chiểu luật nghiêm trị. Sau đó, ngày 12/9/1945 ký Sắc lệnh số 30-SL giải tán Việt Nam Hưng quốc Thanh niên Hội và Việt Nam Thanh niên ái quốc Hội do hành động của các tổ chức này có phương hại đến nền độc lập Việt Nam. Những sắc lệnh này kịp thời trừng trị các tổ chức và lực lượng phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
- Sắc lệnh đầu tiên về tài chính quốc gia là Sắc lệnh số 04-SL ngày 04/9/1945 về lập “Quỹ độc lập” với mục đích “để thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia”. Sắc lệnh này là cách Chính phủ lâm thời dựa vào Nhân dân để khắc phục tình trạng trống rỗng tài chính.
- Sắc lệnh đầu tiên về một trong sáu biện pháp cấp bách và là biện pháp thứ nhất của Chính phủ đã đề ra ngày 03/9/1945, là Sắc lệnh số 07-SL ngày 05/9/1945 quy định việc buôn bán và chuyên chở thóc gạo ở Bắc Bộ hoàn toàn được tự do, tư gia bán thẳng thóc gạo cho Chính phủ, việc đầu cơ, tích trữ gạo làm ảnh hưởng đến nền kinh tế sẽ bị nghiêm phạt.
- Sắc lệnh đầu tiên về chính sách xã hội là Sắc lệnh số 11-SL ngày 07/9/1945 quy định về chế độ thuế khóa, bãi bỏ thuế thân - một thứ thuế vô lý, trái ngược với tinh thần chính thể Cộng hòa dân chủ. Sắc lệnh này mở đầu cho việc thực hiện đề nghị của Chủ tịch Chính phủ bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”.
- Sắc lệnh đầu tiên về Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Sắc lệnh số 05-SL ngày 05/9/1945 “Về việc bãi bỏ cờ Quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam”, trong đó ghi rõ: “Quốc kỳ Việt Nam ấn định như sau này: hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài; nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao 5 cánh màu vàng tươi”. Từ đó đến nay Sắc lệnh này vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và thực tiễn, những quy định hình thể Quốc kỳ vẫn hiện hữu trên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở bất cứ đâu với con người và đất nước Việt Nam.
- Sắc lệnh đầu tiên về quyền tự do dân chủ ở Việt Nam là Sắc lệnh số 14-SL ngày 08/9/1945 ấn định thời hạn và thể lệ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội. Sắc lệnh quy định: “Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội”, “Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường...”. Sắc lệnh này đặt nền móng và mở đầu cho các sắc lệnh (khoảng 10 sắc lệnh) về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam.
- Sắc lệnh đầu tiên về giáo dục là Sắc lệnh số 17-SL đặt ra một Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam với nhiệm vụ phụ trách việc chống nạn mù chữ; Sắc lệnh số 19-SL thiết lập những lớp học bình dân, học buổi tối cho nông dân và thợ thuyền, trong hạn trong 6 tháng, làng nào, đô thị nào cũng phải có ít ra là một lớp học dạy được ít nhất là 30 người; Sắc lệnh số 20-SL bắt buộc học chữ Quốc ngữ không mất tiền đối với tất cả mọi người, hạn trong 01 năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.
- Sắc lệnh đầu tiên về văn hóa là Sắc lệnh số 35-SL ngày 20/9/1945 quy định “Đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, nhân dân đều phải tôn trọng không được xâm phạm”. Sắc lệnh này không chỉ mở đầu cho ngành bảo tồn, bảo tàng văn hóa; mà còn là cơ sở để đề ra hàng loạt chính sách bảo vệ tôn giáo, bảo vệ tự do, tín ngưỡng của Nhân dân, bảo vệ di sản và danh lam thắng cảnh của đất nước.
Ngoài 10 lĩnh vực trên, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp còn ký nhiều sắc lệnh quyết định những lĩnh vực khác của Chính phủ như: Sắc lệnh số 29-SL ngày 10/9/1945 bãi bỏ hai đạo nghị định của thực dân Pháp về quyền sai áp hành chính các tài sản của tư nhân và pháp nhân thuộc quốc tịch các nước ngoài và viên Giám đốc Nha Trước bạ Việt Nam không phải thi hành quyền đó; Sắc lệnh số 53-SL quy định về Quốc tịch Việt Nam làm cơ sở xây dựng quyền công dân trong việc xây dựng Hiến pháp năm 1946; Sắc lệnh số 13-SL ngày 08/9/1945 sát nhập Trường Viễn đông Bác Cổ, các nhà bảo tàng, thư viện công, các học viện vào Bộ Quốc gia Giáo dục; Sắc lệnh số 21-SL ngày 08/9/1945 cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và thư viện toàn quốc…(5).
Nhìn lại những ngày đầu xây dựng nền dân chủ cộng hòa, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trong Chính phủ, bộ nào cũng quan trọng, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ xây dựng, quản lý hệ thống tổ chức và cán bộ bộ máy chính quyền, nên nhiệm vụ càng nặng nề và rất quan trọng”(6). Là người đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức “bộ rất quan trọng” này, trong hơn 6 tháng (từ ngày 28/8/1945 đến ngày 02/3/1946) Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp không chỉ có những đóng góp lớn trong việc tham mưu cho Chính phủ trên nhiều lĩnh vực chính trị - xã hội, kinh tế - văn hóa, mà còn ban hành những sắc lệnh đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa, đặt ra và giải quyết những công việc lớn có ý nghĩa nền tảng, then chốt của Bộ Nội vụ, nhất là về bộ máy hành chính và tổ chức nhân sự của Nhà nước Việt Nam trong buổi đầu còn rất non trẻ.
Những sắc lệnh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp (gồm 25 sắc lệnh ký, hàng chục sắc lệnh tiếp ký, nhiều sắc lệnh có bút tích sửa chữa, đánh máy…), hợp với nhiều sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên Chính phủ khác, thành bộ 118 sắc lệnh bảo vật quốc gia “Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946”, để lại cho ngày nay một di sản vô cùng ý nghĩa và thiết thực, mang tính giá trị lịch sử cao.
Như cánh chim đại bàng can trường trước phong ba giông tố, có tầm nhìn xa và khả năng quan sát các biến động, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, trong thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”; những cuộc kháng chiến trường kỳ, khi đất nước khủng hoảng kinh tế - xã hội; đảm nhiệm trong lĩnh vực quân sự, dân sự… dù ở vị trí, cương vị nào Ông cũng tận tâm, tận lực cống hiến hết mình cho dân tộc, cho đất nước và Nhân dân./.
PGS. TS. Hà Minh Hồng, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn: tcnn.vn
-------------------------
Ghi chú:
(1) Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 1, Nxb CTQG, H.2008, tr.324.
(2),(6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại Lễ kỷ niệm 57 năm ngày Truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/2002).
(3) Văn Tất Thu (2016), Vai trò của Bộ Nội vụ trong thời gian đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân. https://tcnn.vn/news/detail/48527/Vi-tri-vai-tro-cua-Bo-Noi-vu-trong-bo-may-hanh-chinh-nha-nuoc.html.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.6-8.
(5) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Sưu tập sắc lệnh của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.162.