Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu
Từ những vấn đề cấp thiết đối với tính hợp hiến, hợp pháp và chủ quyền quốc gia, dân tộc của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ngày 27/8/1945, chỉ hai ngày sau khi từ Khu giải phóng Việt Bắc về đến Thủ đô Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ủy ban dân tộc giải phóng (do Đại hội quốc dân họp ngày 16/8/1945 tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang cử ra), trong đó có nội dung đề nghị thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia, bao gồm cả những đại biểu của các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ danh vọng không đảng phái. Tán thành đề nghị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, chỉ một ngày sau (28/8/1945), Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo nêu rõ Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam quyết định tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do lãnh tụ Hồ Chí Minh giữ chức vụ Chủ tịch. Tuyên cáo cũng chỉ rõ một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “... giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức”.
Đúng như tên gọi, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một thiết chế “lâm thời”. Theo Từ điển điện tử http://tratu.soha.vn/dict/vn thì tính từ “lâm thời” có các nghĩa: tạm trong một thời gian, chưa chính thức (Chính phủ lâm thời, Ủy ban kháng chiến lâm thời); từ đồng nghĩa với “lâm thời” là “tạm thời”. Chính bởi tính chất là một thiết chế “tạm trong một thời gian, chưa chính thức” cho nên Tuyên cáo mới nhấn mạnh “… đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức”. Theo nghĩa chính trị, pháp lý thì cụm từ “để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức” trong Tuyên cáo có nghĩa rằng, Chính phủ lâm thời chưa phải là một thiết chế được thành lập theo quy định của pháp luật, hơn nữa còn phải được thành lập theo quy định của Hiến pháp - văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất của một quốc gia chủ quyền; và phải được phê chuẩn, công bố bởi Quốc hội - cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước. Nhưng ở thời điểm từ tháng 8/1945 cho đến cuối năm 1945, chúng ta chưa có tất cả những điều đó - chưa có Quốc hội, cũng đồng nghĩa chưa có Hiến pháp - nên cũng chưa thể có Chính phủ chính thức.
Chưa có Quốc hội, chưa có Tòa án, chưa có Viện Kiểm sát (hoặc Viện Công tố) cho nên ở thời điểm đó, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải “sắm vai”, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cả Quốc hội, Tòa án và Viện Kiểm sát (nghĩa là thực hiện cả quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và quyền công tố). Có thể thấy rõ điều này qua các sắc lệnh trước khi tổ chức Tổng tuyển cử, lập ra Nghị viện và ban hành Hiến pháp năm 1946 đều do Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành. Mặc dù thực tế này là do hoàn cảnh lịch sử khách quan khi đó chi phối và quyết định, song cũng không thể kéo dài bởi những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình trong nước và quốc tế.
Đối với tình hình trong nước: bất kỳ nhà nước nào của thời hiện đại muốn tồn tại, phát triển bền vững cũng phải đáp ứng yêu cầu là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp và phải dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội. Đó là đòi hỏi có tính tất yếu khách quan mà nhà nước phải đáp ứng.
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó có tính chất và vai trò của cả ba cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Vừa lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đổ chế độ thực dân Pháp và phong kiến, Chính phủ lâm thời không thể một sớm một chiều ban hành ngay được thể chế chính trị, pháp lý của nền dân chủ cộng hòa. Song cũng vì thế mà tính chính danh của Chính phủ lâm thời cũng đứng trước nhiều thách thức. Cơ sở kinh tế của nhà nước (quan hệ sản xuất và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất) khi đó có thể xem là số không, bởi nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu dưới chế độ thực dân, phong kiến lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi Chiến tranh thế giới lần thứ hai và thiên tai, lũ lụt; sản xuất đình trệ, hàng hóa khan hiếm, ngân khố gần như trống rỗng; nạn đói nghiêm trọng năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân và tiếp tục đe dọa bùng phát trở lại. Cơ sở xã hội của nhà nước (quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội với Chính phủ lâm thời) rất mỏng manh, bởi chế độ thực dân và phong kiến mới chỉ bị lật đổ khỏi địa vị cầm quyền, vẫn còn nuôi dưỡng âm mưu chống đối Chính phủ lâm thời và nhân dân lao động Việt Nam một cách quyết liệt; đấu tranh giai cấp còn hết sức gay gắt. Hầu hết các tầng lớp nhân dân khi đó cũng chưa hiểu hết về bản chất của chế độ dân chủ cộng hòa và Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thiết lập.
Đối với đòi hỏi của quốc tế: thông lệ quốc tế đòi hỏi một nhà nước hợp pháp, hợp hiến phải được cộng đồng quốc tế công nhận, thừa nhận. Mặc dù ngày 02/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và nhân dân thế giới việc thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến ở nước ta và thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ngay sau đó, lễ tuyên thệ của Chính phủ lâm thời được cử hành để khẳng định tính hợp pháp về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song trên thực tế, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi điện, thư, lời kêu gọi các nước đồng minh với mong muốn được họ công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, song không được đáp ứng. Trong buổi mít tinh của Nhân dân Thủ đô trước Nhà hát thành phố Hà Nội (ngày 07/3/1946), Người nói: “Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng 8 năm 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta”. Chưa công nhận nền độc lập cũng đồng nghĩa với việc có thể bị các nước đế quốc thực dân xâm lược một lần nữa. Do đó, sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với nền độc lập và chủ quyền của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là vấn đề hết sức cấp thiết, quan hệ đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Và đó cũng là đòi hỏi mà lịch sử đặt ra đối với Đảng, Chính phủ lâm thời, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự của Người, trong đó có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng đoàn Chính phủ khi đó.
Đến những dấu ấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Đã có nhiều công trình nghiên cứu, lý giải vì sao đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và hầu hết các lý giải đều dựa trên những cơ sở khoa học, có sức thuyết phục. Song có một lý do rất ít được các công trình nghiên cứu đề cập, đó là từ năm 1934 đến năm 1937, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã từng theo học và tốt nghiệp cử nhân luật tại Trường Luật của Đại học Đông Dương (là nơi đã đào tạo nhiều luật sư, luật gia nổi tiếng, như luật sư Phan Anh, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Quốc phòng; luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Tư pháp; luật gia Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Như vậy, trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có tới bốn vị Bộ trưởng tốt nghiệp cử nhân Luật tại Trường Luật của Đại học Đông Dương, đó là các vị: Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe.
Khi học tại Trường Luật của Đại học Đông Dương, Võ Nguyên Giáp đã tham gia và đoạt giải nhất cuộc thi sinh viên giỏi toàn Đông Dương với đề tài "Cán cân thanh toán và cán cân thương mại của Đông Dương". Giáo sư Khérian, phụ trách giảng dạy môn Luật ở Đại học Đông Dương đã đánh giá luận văn này nội dung sáng sủa, có phương pháp và có bản sắc cá nhân. Giáo sư Khérian cũng cho biết: theo thể lệ quy định, người đoạt giải nhất (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) sẽ được cấp học bổng đi du học Pháp, nhưng cần điều chỉnh nhãn quan chính trị. Võ Nguyên Giáp đã trả lời: "Cám ơn nhưng niềm tin của tôi đã được xác định"(1).
Vì vậy, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn đồng chí Võ Nguyên Giáp là để phát huy những năng lực, phẩm chất và bản lĩnh chính trị của cử nhân Luật, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương Võ Nguyên Giáp vào vị trí Bộ trưởng Bộ Nội vụ - người đứng đầu cơ quan trực tiếp tham mưu cho Đảng, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh về các lĩnh vực đặc biệt quan trọng: xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, theo dõi, điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và đầu mối phối hợp hoạt động của các bộ. Những lĩnh vực này đều liên quan mật thiết đến sự an nguy của nền dân chủ cộng hòa non trẻ trong bối cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", nhất là hai vấn đề cấp thiết đã nêu trên đòi hỏi vị trí Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó phải có nhãn quan, tư duy chính trị, pháp lý sắc sảo mới đưa ra được các giải pháp kịp thời và hiệu quả. Những kiến thức được đào tạo bài bản về triết học, luật học và sử học không chỉ giúp đồng chí Võ Nguyên Giáp hoàn thành xuất sắc trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ, mà còn đưa Ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng có đóng góp, cống hiến to lớn trong việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật có ý nghĩa đặt nền móng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhìn lại các sự kiện và các văn bản chính trị, pháp lý trong lịch sử Đảng và cách mạng Việt Nam những năm 1945-1946, có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự của Người, trong đó có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng đoàn Chính phủ đã dốc hết tâm sức, trí tuệ và bản lĩnh chính trị để xử lý, giải quyết những vấn đề cấp thiết của cách mạng Việt Nam khi đó rất công phu, khoa học và hiệu quả.
Đối với vấn đề cơ sở chính trị, pháp lý của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn Nhân dân, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Ngoài ý nghĩa lớn nhất là tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Tuyên ngôn đã tuyên bố rất rõ về cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Về chính trị “... tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”; và khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”; “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.
Về pháp lý quốc tế, Tuyên ngôn Độc lập kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”; “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuy nhiên, với tính cô đọng, khái quát cao, Tuyên ngôn Độc lập không thể diễn đạt đầy đủ và chi tiết về cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phần lớn những nội dung đó được làm rõ trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong bản Tuyên ngôn Độc lập.
Về cơ sở chính trị, pháp lý của chế độ dân chủ cộng hòa và Chính phủ Lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh "Chính phủ Lâm thời bây giờ là ý chí của toàn quốc chứ không phải là ý chí của một tổ chức chính trị nào. Từ khi thành lập, nó đã kêu gọi quốc dân đoàn kết thêm, bố trí cuộc chiến đấu mạnh mẽ thêm... Chính phủ Lâm thời là do sự đoàn kết, phấn đấu của nhân dân mà xuất hiện, nó lại làm cho sự đoàn kết, phấn đấu ấy sâu, rộng hơn nữa".
Để đồng bào cả nước và cộng đồng quốc tế hiểu rõ về tính chất "lâm thời" của Chính phủ khi đó, để ngăn chặn những luận điệu xuyên tạc, gây bất lợi cho chính quyền cách mạng non trẻ; đồng thời để thể hiện cam kết chính trị, quyết tâm chính trị trước đồng bào cả nước và cộng đồng quốc tế về tính chính danh, tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ Lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp khẳng định "... chỉ nay mai Chính phủ Lâm thời sẽ ra Sắc lệnh triệu tập Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ. Các đại biểu của Quốc hội đều do dân bầu theo lối phổ thông đầu phiếu. Quốc hội sẽ đem lại cho chúng ta một Hiến pháp và một Chính phủ chính thức".
Về chính sách kinh tế và xây dựng cơ sở kinh tế, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp nêu rõ "Ngày nay để phục hưng nền kinh tế, có người tưởng Chính phủ phải quốc hữu hóa tất cả các công cuộc kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát. Về tài chính, chúng tôi cũng không ngần ngại gì mà tuyên bố ngay rằng tình hình rất đáng lo ngại và chắc chắn là Chính phủ sẽ gặp nhiều sự khó khăn. Nhưng Chính phủ đang trù tính những phương pháp vượt qua những khó khăn ấy. Mặc dầu những nỗi khó khăn mà Chính phủ đã lường trước được, Chính phủ cũng sẽ thi hành dần dần những điều mà quốc dân mong mỏi như bãi bỏ thuế thân, thuế chợ để giúp cho sinh kế của người nghèo được dễ dàng. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng các công cuộc kiến thiết và nhất là việc gây dựng đội quân quốc gia cần đến nhiều tiền. Cho nên để bù lại chỗ hao hụt của ngân quỹ, tất cả phải có những phương sách đặc biệt như công trái, lạc quyên, đặt thuế lợi tức".
Cơ sở xã hội của Nhà nước được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp nêu rõ "... chính sách của Chính phủ Lâm thời là thống nhất và đoàn kết. Sự phân biệt Trung, Nam, Bắc sẽ không còn. Sự chia rẽ các dân tộc trên dải đất Đông Dương sẽ mất hẳn. Những người lầm lỗi mà biết quay lại con đường chính sẽ được tha thứ. Tài sản và sinh mệnh của đồng bào ngoại quốc bao giờ cũng được tôn trọng. Chỉ có một điều đáng nêu cao là chính quyền của nhân dân kiên quyết bảo đảm tự do và hạnh phúc của nhân dân. Bởi chú trọng đến điều đó nên một mặt Chính phủ đã bắt đầu đặt sự liên lạc mật thiết giữa Trung ương và các địa phương để thi hành một chính sách duy nhất cho khắp nơi, đặng tránh những hiểu nhầm hoặc lạm dụng, một mặt Chính phủ đã sửa soạn nâng cao ý thức của quần chúng bằng tuyên truyền, cổ động và giáo dục để quần chúng biết “giữ” và biết “dùng” quyền tự do dân chủ đã giành được".
Một điểm rất quan trọng nữa trong bài phát biểu này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp khẳng định Chính phủ sẽ không để tính chất "lâm thời" làm ảnh hưởng đến tính "chuyên chính" của chính quyền cách mạng, đến việc bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đến bảo vệ thành quả cách mạng mà Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được "Trong lúc chờ Quốc hội, Chính phủ Lâm thời có nhiệm vụ phải thi hành ngay những phương sách cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa và cứu tế" với những nội dung rất cụ thể và chi tiết về dự kiến chính sách mà Chính phủ lâm thời sẽ ban hành trong các lĩnh vực nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa và cứu tế (2).
Với những nội dung cơ bản nêu trên, có thể thấy phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tại Quảng trường Ba Đình trong Ngày Độc lập 02/9/1945 không chỉ là sự tiếp nối, phát riển và làm rõ hơn tinh thần và nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, mà còn thể hiện những nét khái quát nhất, cơ bản nhất về cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội; về chính sách đối nội và chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; là tuyên bố, cam kết chính trị của Đảng trước quốc dân đồng bào và cộng đồng quốc tế về việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam. Đó còn là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hữu hiệu những âm mưu, thủ đoạn chống phá về chính trị, pháp lý của các thế lực thù địch, phản cách mạng trong và ngoài nước đối với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Điều đó thể hiện ở chỗ, chỉ trong thời gian ngắn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ký ban hành và dự thảo để trình Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ký ban hành nhiều sắc lệnh rất quan trọng, có ý nghĩa đặt cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế cho việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hầu hết các văn bản này đều là sự hiện thực hóa các chính sách nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa và cứu tế đã được nêu trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trong Ngày Độc lập 02/9/1945). Trong đó, nổi bật là Sắc lệnh số 14 ngày 08/9/1945 về ấn định thời hạn và thể lệ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội; bởi trên cơ sở sắc lệnh này và khoảng 10 sắc lệnh có liên quan do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký ban hành mà cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức thành công ngày 06/01/1946. Và trên cơ sở thành công của cuộc Tổng tuyển cử, ngày 09/11/1946, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946, đặt dấu ấn chính thức cho tính chính danh, tính hợp hiến, hợp pháp và chủ quyền quốc gia, dân tộc của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bản dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức công bố trên báo Cứu Quốc từ ngày 10/11/1945, trong đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp là thành viên Ban soạn thảo bản Hiến pháp này).
Với các thiết chế cơ bản, quan trọng nhất của bộ máy nhà nước được quy định trong Hiến pháp năm 1946 như Nghị viện, Chính phủ, Chủ tịch nước, Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính, Tòa án nhân dân thì tính chất "lâm thời" của Chính phủ chấm dứt, như cam kết của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp "Quốc hội sẽ đem lại cho chúng ta một Hiến pháp và một Chính phủ chính thức" trong Ngày Độc lập 02/9/1945. Cũng từ đây, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có đủ cơ sở pháp lý để thực sự là quốc gia, dân tộc có chủ quyền; Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp; những tuyên bố, cam kết của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trước quốc dân đồng bào và cộng đồng quốc tế trong Ngày Độc lập 02/9/1945 đã được hiện thực hóa, đặt dấu chấm hết cho mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động trong và ngoài nước hòng lật đổ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về phương diện chính trị, pháp lý trên cả bình diện quốc gia và quốc tế./.
TS. Trần Nghị, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ
Nguồn: tcnn.vn
-------------------
Ghi chú:
(1) https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N15035/Vo-Nguyen-Giap,-cuu-sinh-vien-Truong-Luat---dai-hoc-dong-Duong.htm.
(2) https://tuyengiao.vn/tuyen-truyen/de-mai-mai-duoc-song-voi-doc-lap-tu-do-va-hanh-phuc-34546.