BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


6 nội dung lớn xin ý kiến khi sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng

18/01/2022 20:30

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 6 nội dung lớn xin ý kiến đối với Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Ngày 18/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Dự án này đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự kiến được thông qua tại kỳ họp tới.

Tại phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình 6 nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể là việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Huy hiệu và kỷ niệm chương cấp tỉnh; tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến; vấn đề khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng.

Liên quan đến việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”: Dự thảo Luật quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân là thanh niên xung phong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với các tiêu chuẩn cụ thể.

Còn về việc bổ sung hình thức huy chương thanh niên xung phong vẻ vang, các ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình nên có hình thức khen thưởng cho thanh niên xung phong; Đảng đoàn Quốc hội sẽ trình Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án trao tặng huy chương thanh niên xung phong vẻ vang…

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, nếu khi bổ sung quy định này vào dự thảo Luật mà tốt hơn xét cả về mặt chính trị, cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của hàng vạn thanh niên xung phong thì chúng ta nên bổ sung trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này.

Để đảm bảo tính công bằng và tránh dự án Luật phải sửa đổi nhiều lần, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị mở rộng xem xét bổ sung hình thức khen thưởng phù hợp với những nhóm đối tượng khác cũng tham gia kháng chiến như: du kích, dân công hỏa tuyến… vào trong dự thảo Luật.

Về quy định khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, vấn đề này đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng (2003) và trong các lần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, các quy định hiện hành cũng như việc thực hiện chưa xem xét đầy đủ đến những đặc thù cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai đã bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm quyền của Tổng thư ký Quốc hội, bổ sung đại diện lãnh đạo Quốc hội vào thành phần của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Dự thảo Luật quy định Tổng Thư ký Quốc hội trình khen thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương.

Về khen thưởng thành tích kháng chiến, các đại biểu đề nghị, Chính phủ có báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong quý I năm 2022, sau đó gửi văn bản báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét quyết định.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, cần xác định việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này là việc làm rất khó, rất nhạy cảm, rất quan trọng nên cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao.

Ông Mẫn đề nghị tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo chất lượng của dự án Luật.

Nguồn: tienphong.vn

Tìm kiếm