BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

08/04/2022 10:32

Ngày 28/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với 34 nội dung tại 43 điều... Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận.

Bổ sung 01 điều, bãi bỏ 03 điều

Báo cáo một số vấn đề về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 96 điều, ít hơn 02 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, trong đó, bổ sung 01 điều (Điều 95), bãi bỏ 03 điều (Điều 55, 70 và Điều 94 dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội).

Liên quan đến đề nghị cân nhắc việc quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn “đạt chuẩn nông thôn mới”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn chung đạt danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” nhằm bảo đảm tính phổ quát chung nhất thể hiện tại khoản 1 Điều 26 của dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng đối với danh hiệu này trên cơ sở tiêu chuẩn chung được nêu tại dự thảo Luật là phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa chung cả nước và phù hợp thực tiễn của từng vùng, miền, đặc điểm của từng địa bàn cụ thể, phản ánh được thực chất của phong trào thi đua ở từng địa phương. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật.

Toàn cảnh hội nghị

Về vấn đề khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến như thể hiện tại khoản 1 Điều 95 dự thảo Luật.

Liên quan đến việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc quy định hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho cựu Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, trong đó làm rõ về tên gọi, đối tượng, thời hạn, tiêu chuẩn xét tặng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Với tính chất là một hình thức khen thưởng kháng chiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa quy định này vào Điều về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thể hiện tại khoản 2 Điều 95.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh tại hội nghị

Đối với việc xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý Điều 91 của dự thảo Luật theo hướng: bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng; quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước và chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với 34 nội dung tại 43 điều. Đồng thời, rà soát, chỉnh lý kỹ thuật toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm rõ ràng về văn phong và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Nêu một số điểm mới của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật có 8 nhóm điểm mới chủ yếu là: thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây; đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến); chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, có phạm vi rất rộng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, cơ quan, đơn vị, tổ chức địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm tới dự án Luật này. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần chủ trì họp yêu cầu dự án Luật lần này phải giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện, đúng các quy định, thể thức yêu cầu khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với mục tiêu dự án Luật lần này phải là dự án luật mẫu của Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hôm nay rất quan trọng để hoàn thiện dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trước khi trình ra Quốc hội.

Tiêp thu đối đa ý kiến góp ý, đủ điều kiện trình ra Quốc hội

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật; cho rằng dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và đã đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu

Theo đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này thực sự có sự đổi mới mạnh mẽ và căn bản, đã thể chế hóa được Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng như phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó; đề cao tính kịp thời của khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được; khắc phục tình trạng khen thưởng cộng dồn thành tích. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng có nhiều nội dung để đưa phong trào thi đua thiết thực, hướng về cơ sở gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và hạn chế tính hình thức trong thi đua. Đặc biệt, dự thảo Luật đã giải quyết cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong công tác khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân.

Bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng dự án Luật Thi đua, khen thưởng đã được cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu kỹ lưỡng các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau cũng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm việc với các cơ quan liên quan để làm rõ, giải quyết được những vấn đề lớn thể hiện như trong dự thảo Luật.

Ủng hộ quy định nhà nước tiếp tục xem xét, khen thưởng Huân chương, Huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước cho tập thể, cá nhân, hộ gia đình tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhà nước trước đây, đại biểu cho rằng, đây là một trong những quy định thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng bày tỏ tán thành với việc quy định cụ thể về tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, quy định rõ đối tượng và nâng cao tiêu chí. Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu cho rằng, hầu hết tiêu chuẩn, các hình thức khen thưởng, nhất là khen thưởng đối với tập thể đã được cụ thể hóa có tính định lượng, khắc phục được một số quy định khung mang tính định tính của luật hiện hành. Nội dung sửa đổi lần này cũng chú trọng việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thi đua, khen thưởng, coi trọng phát hiện, lựa chọn các cá nhân, nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt hoặc những tổ chức, cá nhân lập được thành tích xuất sắc đột xuất để khen thưởng kịp thời. Như thế sẽ có tác dụng nêu cao gương giáo dục và có sức lan tỏa rộng trong cộng đồng.

Đại biểu Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm (Đặng Minh Châu) – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật lần này cũng đã thể chế rất rõ quan điểm của Đảng về quan tâm khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước trong điều kiện chủ động hội nhập; quy định rõ hơn đối tượng khen thưởng là doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, doanh nghiệp trong các loại hình thức khen thưởng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân; quy định trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong phát hiện nhân tố điển hình tiêu biểu để khen thưởng kịp thời theo thẩm quyền và trình cấp trên khen thưởng…

Đặc biệt, các đại biểu đánh giá cao các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong dự thảo luật lần này thông qua việc giảm số lượng hồ sơ, thành phần hồ sơ, đơn giản hóa các loại giấy tờ trong hồ sơ để người dân dễ tiếp cận, dễ thực hiện trong thực hiện công tác thi đua, khen thưởng…

Hoàn thiện quy định về “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”

Về quy định về “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” quy định tại Điều 59, Điều 51 và Điều 55, các ý kiến cơ bản đồng nhất với quan điểm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra. Các đại biểu cho rằng, với những thành tích, công lao của thanh niên xung phong qua các thời kỳ cần có sự tôn vinh tương xứng. Do đó, việc bổ sung quy định về “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là nhằm ghi nhận và tôn vinh lực lượng thanh niên xung phong đã có đóng góp hết sức to lớn trong công cuộc kháng chiến xây dựng đất nước, từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Do vậy, chúng ta cần có một huân huy chương để ghi nhận đóng góp của lực lượng đặc thù này như một số lực lượng khác. Đại biểu cũng bày tỏ thống nhất theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ giới hạn phạm vi trao tặng cho lực lượng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bởi nếu không có quy định giới hạn này sẽ dẫn đến những trường hợp khác sau này khó xử lý.

Để góp phần tiếp tục hoàn thiện quy định này của dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cân nhắc thêm về thời hạn quy định đối với thanh niên xung phong là 2 năm trở lên, đối với những liệt sĩ là 1 năm. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 95 dự thảo Luật đang quy định thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ được tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang phải có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng và thanh niên xung phong là liệt sĩ thì phải có thời hạn tại ngũ một năm trở lên.


Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu lên tấm gương hy sinh trung kiên, anh dũng của các nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lập. Tuy nhiên nếu chiếu theo quy định của dự thảo Luật này thì các nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc phải có thời gian tại ngũ một năm trở lên mới được truy tặng danh hiệu “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Trong khi đó, thực tế thời gian tại ngũ của 10 cô gái đã hy sinh oanh liệt tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lại chưa đủ 1 năm. Những trường hợp này thì sẽ tính ra sao? Từ đó, nữ đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần linh hoạt trong quy định về điều kiện trao tặng sao cho phù hợp.

Các đại biểu cho rằng, thanh niên xung phong tham gia kháng chiến có đặc điểm, tính chất đặc biệt, thời gian tham gia trong lực lượng ngắn, tính chất công việc, yêu cầu nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nơi tuyến đầu như mở đường, lấp hố bom, tải đạn, vận chuyển vũ khí, cứu tàu quân sự... trực tiếp tham gia chiến dịch trên chiến trường, chiến đấu dũng cảm, anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, cần quy định linh hoạt về thời gian, điều kiện tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang để ghi nhận được sự đóng góp vào thành tích của thanh niên xung phong trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Các đại biểu, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm điều kiện tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, tham gia kháng chiến quy định tại khoản 2 Điều 95 như sau: “Có thời gian tham gia liên tục trong lực lượng thanh niên xung phong từ 1 năm trở lên. Trường hợp đặc biệt cũng phải xem xét. Nếu như trường hợp thời gian ngắn nhưng thành tích đặc biệt cần ghi nhận thì cũng cần phải có quy định riêng”.

Đối với thanh niên xung phong là liệt sĩ, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật nên điều chỉnh theo hướng có thời gian tham gia lực lượng thanh niên xung phong dưới một năm, để chúng ta có một một khung có thể ghi nhận được sự cống hiến của những người đã là liệt sĩ, thậm chí thời gian rất ngắn nhưng thành tích lại rất cao; để ghi nhận được những thành tích của thanh niên xung phong đã là liệt sĩ, thương binh, đặc biệt là thương binh nặng… Những trường hợp này cần phải có sự linh hoạt trong quy định về thời hạn cũng như điều kiện công nhận tặng và truy tặng sao cho phù hợp với thực tiễn cũng như đúng với chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã góp ý cụ thể vào các nội dung liên quan đến danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; hình thức khen thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng…

Đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội

Thay mặt Chính phủ  và cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận những góp ý tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, phong phú, toàn diện, sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại hội nghị hôm nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại hội nghị

Liên quan đến đề nghị điều chỉnh về điều kiện trao tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc đưa ra quy định như trong dự thảo Luật là đã căn cứ vào ý kiến đóng góp của Hội cựu thanh niên xung phong. Tuy nhiên tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để đưa ra các quy định phù hợp nhất trên tinh thần thực hiện việc khen thưởng cho các thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến, thể hiện được truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua các ý kiến phát biểu, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật một cách cầu thị, nghiêm túc, kỹ lưỡng; giải trình rõ những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau; ghi nhận sự đổi mới mạnh mẽ trong nội dung dự thảo Luật lần này để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đối với công tác thi đua, khen thưởng. Nhiều đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang trong dự thảo Luật và thể hiện như khoản 2 Điều 95 dự thảo Luật là phù hợp; tuy nhiên quy định Thanh niên xung phong hy sinh, đã được công nhận liệt sĩ, có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, cần nghiên cứu, cân nhắc quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận

Ngoài ra, trên cơ sở các nội dung được các đại biểu góp ý tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu  và tiếp tục nghiên cứu; đồng thời đề nghị Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định hướng dẫn khi dự án Luật được Quốc hội thông qua để Luật sớm đi vào cuộc sống. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý các đại biểu có nội dung góp ý nhưng chưa phát biểu trực tiếp tại Hội nghị, tiếp tục gửi lại văn bản góp ý cho bộ phận thư ký tổng hợp, các Vụ chuyên môn sẽ tiếp nhận, tổng hợp đầy đủ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo giải trình tiếp thu đầy đủ theo quy định.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị, hoàn thiện dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức theo quy định để dự án Luật khi trình Quốc hội đảm bảo chất lượng trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Theo chương trình, sáng mai, hội nghị tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)./.

 

Nguồn: quochoi.vn

Tìm kiếm