Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Q.H
Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo dân nguyện tháng 3-2022 của Quốc hội, về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng vẫn còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, dẫn đến đơn thư nhiều.
Từ đó, ông Cường đề xuất Ban Dân nguyện có thể đề nghị trong một phiên họp, phiên chất vấn nào đấy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay hình thức thế nào để chất vấn bộ trưởng, trưởng ngành và thậm chí Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành có nhiều đơn thư, nhiều vụ việc không được giải quyết.
Liên quan đến đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng việc này sẽ khó thực hiện do không có cơ sở pháp luật.
Ông nêu rõ về nguyên tắc Quốc hội có quyền giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà nước, trong đó có chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật và phân cấp, phân quyền thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm trong hệ thống hành chính nhà nước hay nói cách khác theo kỷ luật, kỷ cương công vụ trong hệ thống các cơ quan hành pháp thống nhất từ Chính phủ đến xã, phường chứ không chịu trách nhiệm trực tiếp trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Còn toàn bộ hệ thống hành pháp và các Bộ, ngành, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Do vậy, ông Quyền nhấn mạnh sẽ không có chuyện chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh, thành trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có chất vấn với Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, thành viên Chính phủ...
Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề xuất, nếu tiến hành cải tiến có thể mời các Chủ tịch UBND tỉnh, thành đến phiên họp, phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng không phải để trả lời với tư cách trả lời chất vấn mà chỉ trình bày, làm rõ thêm những vấn đề, nội dung mà Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền - Ảnh: MEDIA QUỐC HỘI
Đồng quan điểm đó, GS. Nguyễn Đăng Dung - thành viên Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng, chất vấn là một hình thức giám sát và Quốc hội có quyền giám sát toàn hộ hoạt động của Nhà nước nên về nguyên tắc cũng có thể chất vấn cả Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, theo GS. Dung, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nên làm việc này, bởi theo phân cấp, phân quyền, Chủ tịch UBND tỉnh, thành chịu trách nhiệm trực tiếp trước HĐND tỉnh, thành phố và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, HĐND cấp tỉnh, thành phố sẽ tiến hành chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh, thành; còn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chất vấn với các cơ quan trung ương là Chính phủ, Thủ tướng, Phó thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành...
Một thành viên Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn chủ tịch tỉnh, thành tuy hay nhưng để thực hiện sẽ không đơn giản bởi cần có đầy đủ các cơ sở pháp lý và nhiều vấn đề liên quan khác.
Nguồn: tuoitre.vn