Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo
Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn: Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước dài hạn và hàng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.
Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính nhà nước trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ; các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách hành chính nhà nước.
Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác cải cách hành chính nhà nước.
Tổng hợp, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan tình hình triển khai công tác cải cách hành chính nhà nước.
Nghiên cứu, đánh giá và kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực cải cách hành chính nhà nước theo quy định của Chính phủ.
Được lập các tiểu ban hoặc nhóm công tác giúp Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước theo yêu cầu.
Được mời tham dự các cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các cuộc họp của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Mời lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đại diện cơ quan, tổ chức khác liên quan tham dự các cuộc họp, các buổi làm việc của Ban Chỉ đạo.
Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban Ban Chỉ đạo
Quyết định nêu rõ: Trưởng ban Ban Chỉ đạo lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; triệu tập, chủ trì các cuộc họp định kỳ và đột xuất của Ban Chỉ đạo;
Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ;
Trong trường hợp cần thiết, uỷ quyền cho Phó Trưởng ban giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình;
Quyết định những vấn đề thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Trưởng ban Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo - Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Giúp Trưởng ban Ban Chỉ đạo trực tiếp điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Ban Chỉ đạo về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo; thay mặt Trưởng ban Ban Chỉ đạo chủ trì và điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo khi Trưởng ban vắng mặt hoặc được Trưởng ban Ban Chỉ đạo ủy quyền; chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo theo sự ủy quyền của Trưởng ban Ban Chỉ đạo, trường hợp vượt quá phạm vi quyền hạn được giao phải báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
Tham mưu cho Trưởng ban Ban Chỉ đạo để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, biện pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác cải cách hành chính và việc thực hiện chương trình, cải cách hành chính của Chính phủ.
Kiểm tra, đánh giá, báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ.
Thành lập hoặc tham mưu Trưởng ban Ban Chỉ đạo thành lập các tiểu ban giáup Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính theo yêu cầu.
Được sử dụng con dấu của Bộ Nội vụ.
Ban Chỉ đạo họp trực tiếp hoặc trực tuyến định kỳ 01 quý/01 lần để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện tổng thể các nội dung, nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo hoặc đánh giá chuyên sâu theo từng chuyên đề và xác định chương trình, kế hoạch công tác cho thời gian tiếp theo.
Khi có yêu cầu hoặc khi cần chỉ đạo theo từng chuyên đề, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định họp đột xuất toàn thể Ban Chỉ đạo hoặc họp với một số thành viên Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định việc mời đại biểu không thuộc Ban Chỉ đạo tham dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Các phiên họp của Ban Chỉ đạo phải được thông báo bằng văn bản về nội dung, thời gian và địa điểm ít nhất trước 03 ngày làm việc và kèm theo các tài liệu liên quan. Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo được thể hiện bằng văn bản thông báo của Ban Chỉ đạo…
Anh Cao