BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Đề án 103 làm việc với Hội Xuất bản

06/07/2022 15:28

Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Đề án 103 đánh giá cao hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam, đồng thời ghi lại những kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển Hội.

Sáng 5/7, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo “Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và “Đề án Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Đề án 103) đã làm việc với Hội Xuất bản Việt Nam.

Trưởng đoàn công tác, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 103, cho biết mục đích của đoàn là khảo sát chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy chế và tình hình hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam.

Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 103, phát biểu tại buổi làm việc sáng 5/7. Ảnh: Thạch Thảo.

Công tác hoạt động Hội

Thay mặt Hội Xuất bản Việt Nam, ông Hoàng Phong Hà, Phó chủ tịch Thường trực, cho biết Hội được thành lập năm 2001.

Qua 21 năm hoạt động, đến nay, Hội có 183 hội viên, trong đó có 163 hội viên tổ chức (gồm 57 nhà xuất bản và 106 công ty phát hành sách, công ty sách) và 20 hội viên cá nhân, với số người tham gia khoảng 12.000 người.

Về cơ cấu, tổ chức, Hội Xuất bản Việt Nam có 9 cơ quan, đơn vị. Trong đó, Hội đã xây dựng 5 ban chuyên môn, nghiệp vụ đang hoạt động hiệu quả, gồm: Ban Kiểm tra; Ban Đối ngoại, Bản quyền, Chính sách, Pháp luật; Ban Truyền thông, Nghiệp vụ, Đào tạo; Ban Thi đua khen thưởng và Công tác Hội; Ban Kinh tế, Phát triển thị trường sách và Khuyến đọc. Khối văn phòng gồm Văn phòng Trung ương Hội tại Hà Nội và Văn phòng đại diện phía Nam. Hai đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Hội gồm Công ty Đường sách TP.HCM và Tạp chí điện tử Tri thức Trực tuyến (Zing News).

Theo ông Hà, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức các hội nghị giao ban của ngành xuất bản; tham gia xây dựng định hướng và thẩm định nội dung xuất bản phẩm; tổ chức các hội chợ sách và bản quyền sách; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4…

Hội đã tích cực tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến đóng góp của hội viên để đề xuất góp ý kiến với Đảng và Nhà nước về các văn bản liên quan đến hoạt động xuất bản.

Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện Giải thưởng Sách Quốc gia hàng năm (trước đây là Giải thưởng Sách Việt Nam); tổ chức tốt việc chấm sơ khảo sách tham dự Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại hàng năm, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức...

Hội cũng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và điều hành, quản lý Đường sách TP.HCM thành công; tư vấn cho nhiều tỉnh thành về xây dựng và điều hành quản lý đường sách, phố sách, mở rộng và phát triển văn hóa đọc.

Hiện nay, Hội là thành viên tích cực của Hiệp hội Xuất bản Châu Á - Thái Bình Dương và là Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á các năm 2022 - 2023. Hội đã và đang tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực xuất bản, góp phần đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc …

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội, các hội viên triển khai thường xuyên nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện, đóng góp tích cực vào các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan tổ chức.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nêu phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và kiến nghị nhằm phát triển Hội. Ảnh: Thạch Thảo.

Hội Xuất bản hoạt động hiệu quả trong điều kiện khó khăn

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đã nêu phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm hoạt động của Hội trong thời gian tới, đồng thời đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.

Hội Xuất bản Việt Nam là một trong những hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị Bộ Nội vụ sớm sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các quan điểm định hướng mới của Đảng về hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Nguyên (đứng) - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thạch Thảo.

Thay mặt đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Đề án 103, ông Vũ Chiến Thắng đánh giá cao hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam. “Lắng nghe trao đổi của thành viên Hội, chúng tôi bất ngờ với những việc mà Hội đã làm được”, ông Thắng nói. Trưởng đoàn khảo sát cho biết Hội Xuất bản Việt Nam là một trong những hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Hội đã tự trang trải, tự quản lý để hoạt động theo tôn chỉ mục đích. Trong điều kiện không có trụ sở, không kinh phí, Hội vẫn chủ động và hoạt động có hiệu quả.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 103 cũng đánh giá cao nỗ lực của Hội Xuất bản Việt Nam khi làm cầu nối giữa các hội viên; giữ vững định hướng tư tưởng trong hội viên; ban hành quy chế, đạo đức nghề nghiệp trong xuất bản; phát triển văn hóa đọc; nâng cao chất lượng chuyên môn cho hội viên…

Đoàn khảo sát đã ghi nhận mô hình, hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam; tổng hợp kiến nghị, đề xuất để báo cáo Ban Chỉ đạo Đề án 103.

Nguồn: https://zingnews.vn

Tìm kiếm