BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn phát triển vùng

21/07/2022 11:12

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề xuất mô hình tổ chức chỉ đạo, quản lý liên kết vùng gồm: Ban Chỉ đạo liên kết vùng và Hội đồng tư vấn phát triển vùng.

Thông tin này được TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam đưa ra tại hội thảo Phát triển công nghiệp và đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tổ chức chiều 19/7.

Hội đồng tư vấn phát triển vùng không phải là một cấp hành chính

Theo ông Tuấn, mô hình liên kết vùng là cơ cấu tổ chức bộ máy chỉ đạo, quản lý, điều hành, ban hành chính sách, hợp tác quản trị vùng, kiểm tra việc thực hiện để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của liên kết vùng. 

Trong đó, Ban Chỉ đạo liên kết vùng do một lãnh đạo của cơ quan Trung ương làm trưởng ban và thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan đến mục tiêu thực hiện liên kết vùng. Ban Chỉ đạo được giao một số thẩm quyền nhất định và có nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý, điều phối, kiểm tra và quyết định (hoặc trình cấp trên quyết định) các vấn đề quan trọng của phát triển liên kết vùng.

Còn Hội đồng tư vấn phát triển vùng không phải là một cấp hành chính, mà là một tổ chức được với các thành viên do Trung ương, Chính phủ và các địa phương trong vùng giới thiệu.

Đó là các nhà quản lý, nhà khoa học, hoặc đại diện các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gắn với mục tiêu phát triển liên kết vùng. Hội đồng này thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ liên kết phát triển KT-XH. 

TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam 

Cụ thể, Hội đồng này xây dựng kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH vùng; lựa chọn hoặc đề xuất các chương trình, dự án đầu tư có tính liên kết vùng; thẩm định quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH địa phương; theo dõi, giám sát mối quan hệ liên kết chính quyền địa phương trong vùng, quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch.

Hội đồng tư vấn vùng sẽ đề xuất các chính sách có liên quan tới phát triển KT-XH vùng; huy động nguồn lực phục vụ phát triển nội vùng...

Hội đồng tư vấn phát triển vùng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ dẫn kinh nghiệm của Mỹ, Pháp, Hàn Quốc thực hiện mô hình này rất tốt. Như Pháp về thành lập Ban quản lý vùng, khoảng 7-8 tỉnh lập 1 vùng, được phân cấp và thực hiện điều phối liên kết giữa các tỉnh. 

Nhiệm vụ của họ là lập chương trình phát triển vùng; lập kế hoạch giao thông; phát triển kinh tế; đào tạo nghề; du  lịch; văn hóa- môi trường; sức khỏe và nông nghiệp… Việc thành lập Ban quản lý vùng căn cứ vào luật phân cấp và luật tự do địa phương và trách nhiệm của địa phương và lấy từ ngân sách Trung ương, từ thuế và từ Quỹ tái cơ cấu Châu Âu. 

Bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất mô hình “Hội đồng vùng”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 đã có một số kết quả như vùng nào cũng có những thể chế riêng; hiệu quả về liên kết giao thông du lịch, phòng chống dịch bệnh. Nhưng các lĩnh vực khác còn cạnh tranh lẫn nhau như đầu tư, thu hút lao động… Rất nhiều địa phương kêu về quy định pháp luật đầu tư, chi ngân sách để đầu tư phát triển còn “trói buộc”. 

Theo ông Hưng, thể chế điều phối hiện vẫn chỉ thu hẹp ở Ban Chỉ đạo. Khi các vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Miền Trung hay Đông Nam bộ muốn hiệu quả thì phải đủ thể chế để cho các địa phương liên kết trong vùng. 

“Cần có thể chế vùng đủ mạnh để tăng cường hiệu quả để thực hiện nghị quyết vùng. Chứ không 17 năm tới chúng ta lại quay lại tổng kết Nghị quyết 54 “phẩy” vẫn còn vướng mắc”, Phó Ban Kinh tế Trung ương lưu ý cần có bài toán tổng thể cho cả vùng và nhiệm vụ của mỗi địa phương trong vùng. 

Cần tính toán kỹ trong bối cảnh tinh gọn bộ máy 

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị lại cho rằng, không nên lặp lại “câu chuyện” Ban Chỉ đạo vùng vì “tự nhiên lại tạo ra cấp trung gian, rất mất thời gian mà cuối cùng thì cấp giải quyết vẫn là Chính phủ”. 

Ông Nghị đề xuất lập cơ quan điều phối vùng đặt ngay trong Văn phòng Chính phủ hoặc trực thuộc Chính phủ. “Như vậy Chính phủ vẫn là điều hành, phân phối nguồn lực cũng như thiết kế cơ chế chính sách. 

“Do đó, tôi không ủng hộ thành lập Ban Chỉ đạo như vậy nhiệm vụ chung chung mà lãnh đạo (Ban chỉ đạo) lại còn kiêm nhiệm nữa thì không hiệu quả, không hiệu lực”, ông Nghị nói.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng 

Kết luận hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết về vấn đề thể chế vùng, cần tính toán kỹ trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả. 

Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ có tổng hợp, nghiên cứu thật kỹ để báo cáo Ban Chỉ đạo với mục tiêu tạo ra thể chế, chủ trương chính sách đột phá để vùng ĐBSH phát triển mạnh trong giai đoạn tiếp theo. 

Trên nền quy hoạch ĐBSH, ông Hưng cho rằng cần bảo đảm nguyên tắc tích hợp từ dưới lên từ trên xuống, huy động nguồn lực các địa phương.  Công nghiệp, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đô thị là xu thế tất yếu phải có nhận thức rõ ràng và phát triển thực chất. Phát triển ĐBSH phải gắn với sự phát triển của cả nước, trong đó, cần bám sát nghị quyết của Đảng là nền tảng phát triển. 

Trong đó, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thu hút nguồn lực đầu tư nhưng giờ là lúc lựa chọn kỹ càng dự án đầu tư, không chạy theo số lượng, làm sao thu hút về mình tạo ra giá trị gia tăng cao nhất chứ không phải thâm dụng lao động, hay công nghệ thấp.

Nguồn: https://vietnamnet.vn

Tìm kiếm