Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, Quy định số 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị
vừa ban hành có ý nghĩa cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền - Ảnh: Báo Chính Phủ
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà đánh giá, Quy định này đã bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp hơn tình hình thực tiễn, đồng thời cụ thể hóa các hình thức kỷ luật đối với từng mức độ vi phạm. Những điểm mới trong Quy định lần này được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm, ủng hộ.
"Quy định số 69-QĐ/TW vừa giúp phòng ngừa, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm cánh hẩu, thân cận, nhóm lợi ích, vừa giúp việc lựa chọn cán bộ công tâm, khách quan", ông Phạm Văn Hoà. |
Quy định lần này điều chỉnh tăng nặng hoặc giảm nhẹ chế tài đối với các vi phạm được quy định trước đây và xác định rõ động cơ, mục đích, hậu quả của vi phạm. Đồng thời nối tiếp và cụ thể hoá các hành vi, nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, được nêu trong Quy định số 205-QĐ/TW trước đây.
Trong đó, Quy định áp dụng mức kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân. Mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi không chính đáng đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm để được sắp xếp vào chức vụ, vị trí công tác.
Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực. Can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định. Để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bố trí, bổ nhiệm cán bộ.
Kỷ luật bằng hình thức khai trừ khi đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm các quy định trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà
"Tôi cho rằng, với từng mức kỷ luật rõ ràng, cụ thể như vậy, sẽ tạo thuận lợi trong việc thi hành kỷ luật, đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh những cán bộ, đảng viên có ý định chạy chức, chạy quyền. Các cán bộ, đảng viên cần phải học tập, thấm nhuần để không vi phạm", ông Hoà cho hay.
Cũng theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, công tác cán bộ là công tác tập thể, có sự phân công, bỏ phiếu tập thể, nhưng người đứng đầu đóng vai trò quyết định, cầm cân nảy mực, chịu trách nhiệm trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Vì, người đứng đầu thường gợi mở, gợi ý, giới thiệu cán bộ, hoặc đồng tình, đồng ý ông này, bà kia, nên tập thể sẽ nghe theo.
"Cho nên, để chọn được người xứng đáng, đủ đức đủ tài, người đứng đầu cần phải lắng nghe từ nhiều bên, nhiều phía", ông Hoà cho hay.
Vấn đề cốt lõi trong công tác cán bộ, theo ông, đó là sự công tâm, khách quan, vô tư, trong đó trách nhiệm của người đứng đầu là cực kỳ quan trọng. Nếu phát hiện xảy ra sai phạm, cần phải xử lý nghiêm khắc, không chỉ là khiển trách, cảnh cáo, mà cần xem xét khai trừ nếu hành vi đó gây hậu quả “rất nghiêm trọng”, hoặc đưa, nhận hối lộ.
"Quy định này vừa giúp phòng ngừa, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm cánh hẩu, thân cận, nhóm lợi ích, vừa giúp việc lựa chọn cán bộ công tâm, khách quan, lựa chọn được người xứng đáng nhất khi đề bạt, bổ nhiệm", đại biểu Phạm Văn Hoà nhìn nhận.
Nguồn: tienphong.vn