TS. Nguyễn Trí Hiếu: GDP của 6 tháng đầu năm 2022 lên đến 6,42%. Con số này chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta phục hồi rất mạnh và vượt hơn rất nhiều quốc gia trên thế giới - Ảnh: VGP/Giang Oanh
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, người đầu tiên thành lập ngân hàng Việt Nam tại Mỹ năm 2005 đã có đánh giá như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ.
Nghị quyết 128 đã "cởi trói" nền kinh tế đúng thời điểm
Đã một năm, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP với quyết sách quan trọng là chuyển từ chống dịch COVID-19 bằng biện pháp hành chính sang vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa tiến hành mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của quyết sách này đối với nền kinh tế trong một năm qua?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP là quyết định phù hợp của Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19, đồng thời hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Việt Nam không phải là một quốc gia ngoại lệ khi vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vừa mở cửa nền kinh tế, mà hầu như tất cả các nước cũng đều áp dụng chính sách tương tự như vậy. Chẳng hạn như ở Mỹ, lúc đầu Chính phủ Mỹ cũng chủ trương thắt chặt nền kinh tế, thực hiện phong tỏa các đường phố giống như ở Việt Nam. Nhưng khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 được mở rộng trong dân chúng ở mức độ nhất định thì việc mở cửa nền kinh tế đã được thực hiện. Và ở Việt Nam cũng vậy.
Tôi còn nhớ, vào đầu và giữa năm 2021, khi dịch bệnh diễn ra rất căng thẳng, chúng ta đã phải tạm hoãn hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, và với người dân thì "ở đâu ở nguyên đó", một biện pháp mạnh để chống sự lây lan khủng khiếp của đại dịch COVID-19 lúc đó. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta nhận thức được rằng cần mở cửa nền kinh tế, không thể để tình trạng phong tỏa kéo dài. Và tôi cho rằng, Nghị quyết 128 ban hành ở thời điểm tháng 10/2021 là rất phù hợp, vừa cởi trói được nền kinh tế, vừa bảo đảm được an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Và từ đó cho đến nay, Nghị quyết 128 đã phát huy được tính hiệu quả cho nền kinh tế. Cụ thể là từ cuối năm 2021, nền kinh tế bắt đầu được cởi mở hơn, các thành phần kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh, các thị trường (như thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản, xuất nhập khẩu và ngay cả thị trường tiền tệ) cũng đã được mở cửa trở lại để đi vào một giai đoạn mới là giai đoạn phục hồi.
Từ đầu năm 2022 đến nay, nền kinh tế của chúng ta đã đi vào giai đoạn phục hồi thực sự. GDP của 6 tháng đầu năm lên đến 6,42%. Con số này chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta phục hồi rất mạnh và vượt hơn rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, chúng ta kiểm soát được tình hình lạm phát.
“Nghị quyết 128 ban hành ở thời điểm tháng 10/2021 là rất phù hợp, vừa cởi trói được nền kinh tế, vừa bảo đảm được an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân” - TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Tôi cho rằng đây là thành công của Chính phủ, đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, khi giữ ổn định được nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đạt được nhiều chỉ tiêu tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm 2022. Mặc dù vậy, nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu. Chúng ta không thể quá lạc quan khi tình hình trên thế giới đang diễn biến khó lường, với khả năng kinh tế Mỹ và nhiều nền kinh tế khác đi vào suy thoái, hay ít nhất cũng "hạ cánh mềm" bắt đầu từ đầu năm 2023, trong khi lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước.
Tôi nhấn mạnh một lần nữa, việc ban hành Nghị quyết 128 cho thấy Chính phủ đã có nhận thức kịp thời để mở cửa nền kinh tế trong thời điểm phù hợp với điều kiện của đất nước. Và thời gian qua cũng cho thấy, Chính phủ đã sử dụng tất cả các biện pháp trong khả năng của mình như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để phục hồi nền kinh tế và chính kết quả tăng trưởng GDP cho thấy thành công trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất đáng ghi nhận.
Nếu không có Nghị quyết 128, ông hình dung thế nào về tình hình kinh tế - xã hội hiện nay?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nếu như chúng ta không có Nghị quyết 128 mà tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thì tôi cho rằng nền kinh tế trong vòng từ 3 đến 6 tháng sau thời điểm tháng 10/2021, sẽ đi vào sự kiệt quệ. Chúng ta đã nhìn thấy hiện tượng rất nhiều khu công nghiệp đã bị đóng cửa, nhiều người lao động bỏ về quê, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang có kế hoạch rút một phần vốn khỏi Việt Nam... Chính vì thế, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết này để bắt đầu cởi trói nền kinh tế từng phần một cách cẩn thận là hợp lý và hợp thời điểm. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều nữa là Việt Nam không phải là quốc gia ngoại lệ làm việc này, mặc dù vẫn có một vài quốc gia áp dụng chính sách Zero COVID, và vẫn đang đối diện với những khó khăn qua việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Việt Nam đã cùng với nhiều quốc gia khác cởi trói nền kinh tế vào đúng thời điểm thích hợp.
Ổn định kinh tế vĩ mô là việc làm tiên quyết
Nhìn lại 9 tháng đầu năm 2022, ông đánh giá thế nào về những thành quả đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội tới thời điểm này và dự báo cả năm 2022, nhất là khi so sánh với thế giới đang có rất nhiều khó khăn, thách thức?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nhìn lại 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là một trong những quốc gia có GDP tăng trưởng khả quan. Tôi nghĩ rằng trong 3 tháng tới, chúng ta hoàn toàn có khả năng phát triển kinh tế và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đã đề ra trong cả năm 2022.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay trên thế giới vô cùng phức tạp và khó lường. Từ những vấn đề như xung đột giữa Ukraine-Nga chưa có dấu hiệu dừng lại; nhiều quốc gia đang lâm vào tình trạng lạm phát cao, trong đó có cả Mỹ, điều này đã dẫn đến nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới tăng lãi suất, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Các khủng hoảng kinh tế trên thế giới vẫn tiếp tục và ngày càng nghiêm trọng, lan rộng, các thị trường tài chính biến động mạnh, thị trường năng lượng bất ổn, các chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia hàng đầu thiếu nhất quán và bền vững, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gây thiệt hại ngày càng lớn cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh như thế, Việt Nam không thể lơ là, thiếu chủ động. Từ bây giờ cho đến cuối năm, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chìm trong khủng hoảng, trong đó có những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ có khả năng đi vào suy thoái nên Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, chúng ta cần tăng cường xuất khẩu, tìm những thị trường mới trên thế giới và ổn định được đồng tiền trong nước.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay và khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? Ông đánh giá như thế nào về phản ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ngày nay, mỗi biến cố của một quốc gia, nhất là những quốc gia có nền kinh tế đứng đầu thế giới như Mỹ hay Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam ngay tức khắc hay chỉ với một độ trễ rất ngắn. Việc Fed tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay và lần cuối cùng là tuần vừa rồi tăng ở mức rất mạnh 0,75 điểm phần trăm đã khiến thị trường tài chính, thị trường hàng hóa trên toàn thế giới rung lắc rất mạnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất lên ở mức 1% và đó là lãi suất điều hành, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán liên ngân hàng. Và chỉ vài ngày sau khi tăng lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra văn bản tăng trần lãi suất cho tiền gửi dưới 6 tháng của người dân và các tổ chức tiền gửi từ 4% lên 5%.
Tôi cho rằng những động thái mà Ngân hàng Nhà nước đã làm từ đầu năm đến nay và đặc biệt là trong thời gian vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn ra rất phức tạp, là phù hợp. Khi đưa ra một chính sách, Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc rất kỹ càng những lợi ích và khó khăn trước mắt để đưa ra những quyết định phù hợp cho nền kinh tế vĩ mô. Nhìn chung, nền kinh tế của nước ta đang ổn định, không gặp một cú sốc nào.
Việc giữ ổn định giá trị tiền đồng và kiềm chế được lạm phát là điểm mấu chốt ở thời điểm này cho ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ. Điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, giữ sự ổn định của tiền đồng và thu hút đầu tư, không chỉ là một khoa học mà là một nghệ thuật. Các nhà quản lý chính sách tiền tệ không những thông minh và khôn ngoan để đưa ra các chính sách phù hợp mà phải có tay nghề và tâm huyết với đất nước để điều hành các chính sách tiền tệ trong một bối cảnh vô cùng phức tạp và khó khăn. Tôi tin tưởng ở Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ hiện nay.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa đã có những giải pháp rất tích cực để hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ đã đưa ra gói 350 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ nền kinh tế (trong đó có gói dành 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp thuộc các nhóm đối tượng được hưởng). Tuy nhiên, chính sách tài khóa với gói hỗ trợ này, cũng như giải ngân đầu tư công cần được triển khai tích cực hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nghị quyết 128: Không thể sớm hơn, không thể muộn hơn TS. Doãn Hữu Tuệ, chuyên gia tài chính-ngân hàng khẳng định rằng sự ra đời của Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cục diện chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội trong điều kiện khó khăn chưa có tiền lệ ở nước ta. Về thời điểm, có thể khẳng đinh Nghị quyết 128 ra đời rất đúng lúc, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn, như một liệu pháp "giải tỏa", vì yếu tố quyết định sự ra đời của nó phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Nghị quyết cũng đồng thời đáp ứng được sự chờ đợi của toàn xã hội sau khi phải trải qua quãng thời gian giãn cách xã hội kéo dài do đợt dịch thứ 4 bùng phát. Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết 128 đã có tác động mạnh mẽ, bao trùm lên mọi hoạt động của đời sống kinh tế-xã hội, kịp thời giải toả không khí nặng nề của những ngày tháng phong toả với những hàng rào, biển báo tại hầu hết các tỉnh, thành phố, mang lại luồng sinh khí mới cho người dân và doanh nghiệp trong cả nước. Đặc biệt, Nghị quyết 128 là dấu mốc chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa bảo đảm các hoạt động kinh tế, vừa chống dịch. TS. Doãn Hữu Tuệ nhấn mạnh thêm, về mặt nguyên tắc, Nghị quyết 128 là một nghị quyết mở, đề cao tính chủ động, linh hoạt của các địa phương và các doanh nghiệp, đồng thời có tính đến khả năng điều chỉnh tuỳ theo tình hình thực tế cuộc sống đặt ra. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn xã hội, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, quyết liệt và bảo đảm sự hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế-xã hội. "Nhờ đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước phục hồi; các khó khăn dần được tháo gỡ; dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Đến nay, mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội đã trở lại trạng thái gần như bình thường so với trước khi xảy ra dịch bệnh", TS. Doãn Hữu Tuệ nói. Nếu không có Nghị quyết 128, hậu quả của dịch COVID-19 chắc chắn đã nặng nề hơn và chúng ta không thể đạt được những kết quả khả quan về phát triển kinh tế- xã hội như trong thời gian qua. Trong bối cảnh toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trên diện rộng, nước ta vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và củng cố vững chắc an ninh lương thực. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, chúng ta vẫn cung cấp đủ nhiên liệu và cơ bản ổn định thị trường tiền tệ; tình hình xuất, nhập khẩu tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành; vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng. Những vấn đề cấp bách được xử lý kịp thời, hiệu quả như xăng dầu, tỷ giá, giá cả các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất… Đặc biệt, việc kết nối, đi lại trong nước trở lại hoàn toàn bình thường và dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 đối với khách nước ngoài đang dần thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ dịp cuối năm 2022. Đây sẽ là những tiền đề rất quan trọng để tiếp tục đà phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nền kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Đặc biệt, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nước ta. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt lao động cũng có thể tác động đáng kể đến khả năng phục hồi của một số ngành sản xuất, dịch vụ cần sử dụng nhiều lao động trong năm 2022. Một trong những vấn đề ưu tiên trong thời gian còn lại của năm 2022 là cần thực hiện các giải pháp một cách quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn, mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công cũng như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Các ngành, các cấp cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề, đúng như quan điểm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân". |
Nguồn: baochinhphu.vn