BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bài 4. Nghị quyết 128/NQ-CP: Hiệu quả và sự đúng đắn từ thực tiễn

06/10/2022 10:00

Nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài nước cho rằng điều quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của một chỉ đạo hay một Nghị quyết chính là thực tiễn và không có thước đo nào đúng đắn, chính xác bằng thực tiễn. Điều đó càng đúng đắn với Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh – được Chính phủ ban hành trong tình huống vừa khẩn cấp, vừa chưa từng có tiền lệ.

PGS. TS. Trần Đắc Phu khẳng định, Nghị quyết 128/ NQ-CP thể hiện tính quyết đoán và nhạy bén của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội - Ảnh: VGP/HM

Đúng đắn, kịp thời, khoa học,  quyết đoán và hiệu quả

Sau một năm triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng khẳng định, thực tiễn đã chứng minh Nghị quyết 128/NQ-CP rất đúng đắn, kịp thời, phù hợp và khoa học, đồng thời cũng thể hiện tính quyết đoán và nhạy bén của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

"Chúng ta đã và đang khống chế được dịch bệnh một cách bền vững, đặc biệt giảm được tỷ lệ của người mắc COVID-19 nặng và ca tử vong một cách rõ rệt, người dân được tiêm chủng an toàn, kinh tế-xã hội ổn định", PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết.

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng cũng chia sẻ, khác với nhiều quốc gia thời điểm đó, ngay sau khi thực hiện chiến lược tiêm chủng cho người dân, chúng ta đã chuyển sang trạng thái nới lỏng, không còn trạng thái phong tỏa trên diện rộng; nhanh chóng chuyển chiến lược từ zero COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả, tức là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Trong đợt dịch bùng phát mạnh ở TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam, khi chưa đủ vaccine, số ca mắc lớn và nhiều ca tử vong. Nhưng thời gian sau, khi dịch bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, do đã triển khai tiêm vaccine cho người dân, chúng ta đã "dám" mở cửa, "dám" linh hoạt các hoạt động để phát triển kinh tế. Điều này thể hiện tính quyết đoán, đúng thời điểm và cũng rất khoa học khi chúng ta đánh giá đúng nguy cơ của dịch để đưa Nghị quyết 128/NQ-CP vào thực tiễn.

Cùng thời điểm ấy, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trên thế giới, vẫn có quốc gia thực hiện chiến lược zero COVID-19; có quốc gia 'mở toàn bộ', không có dự phòng nên dịch bệnh bùng phát trở lại. Còn nước ta thực hiện nới lỏng đồng bộ với dự phòng và có kiểm soát rủi ro. Đơn cử, khi chúng ta cho học sinh quay trở lại trường học, nếu lớp nào có học sinh nhiễm bệnh thì chỉ xử lý vấn đề ở lớp học đó; chúng ta cũng cho phép du lịch hoạt động trở lại nhưng vẫn có kiểm soát nhất định để dịch không bùng phát.

Do đánh giá đúng nguy cơ dịch và triển khai tiêm vaccine cho người dân, chúng ta đã "dám" mở cửa, "dám" linh hoạt các hoạt động để phát triển kinh tế xã hội - Ảnh: VGP/HM

PGS. TS. Trần Đắc Phu cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Nghị quyết 128/NQ-CP vẫn còn ý nghĩa và tính quan trọng. Điều này thể hiện sự "dĩ bất biến, ứng vạn biến" rất hiệu quả. Tức là chúng ta phải kiểm soát được dịch, phát triển kinh tế và luôn thích ứng an toàn các giải pháp phòng, chống dịch trên cơ sở đánh giá đúng nguy cơ của dịch bệnh để đáp ứng một cách hợp lý, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó.

"Nếu không đánh giá đúng nguy cơ dịch thì chúng ta sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh, còn nếu đáp ứng thái quá thì gây tổn hại về phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên cả nước. Tôi cho rằng, đó là những điều vẫn còn phù hợp của Nghị quyết 128 đến thời điểm hiện nay", PGS.TS. Trần Đắc Phu phân tích.

Bên cạnh đó, các tiêu chí trong Nghị quyết này vẫn còn phù hợp đến hiện nay. Đó là tiêu chí về tiêm vaccine cho người dân, không để quá tải bệnh viện điều trị COVID-19, hạn chế số ca mắc nặng, tử vong.

Đặc biệt, về tiêm chủng, trong Nghị quyết 128 đã chỉ rõ việc tiêm vaccine cho người dân là vô cùng quan trọng. Thực tế cũng đã chứng minh, chúng ta chuyển được từ trạng thái zero COVID-19 sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt là do chúng ta đã triển khai hiệu quả chiến lược vaccine và tổ chức tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người dân. Đến nay, công tác tiêm chủng cần được tiếp tục duy trì thì mới kiểm soát được dịch bền vững và không để tăng ca bệnh nặng, tăng ca tử vong mặc dù số mắc có thể tăng, đồng thời không để quá tải hệ thống y tế mà vẫn kiểm soát được dịch.

Quan trọng nữa, tiêm chủng đã và sẽ tiếp tục bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương như người già, người suy giảm miễn dịch, người chưa được tiêm vaccine…

Theo GS. Nguyễn Anh Trí, Nghị quyết 128/NQ-CP rất linh hoạt khi triển khai những thay đổi một cách hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Thước đo đúng đắn từ thực tiễn

GS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV chia sẻ, điểm đúng đắn và hiệu quả nhất của Nghị quyết 128/NQ-CP chính là tính linh hoạt. COVID-19 là một đại dịch toàn cầu, đến bất ngờ, nhanh và hoàn toàn là bệnh dịch mới nên chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, chúng ta đã rất linh hoạt triển khai những thay đổi một cách hiệu quả, góp phần lớn vào sự ổn định của xã hội.

Thứ nhất, chống dịch hiệu quả. "Tôi vừa từ Nhật Bản trở về-một đất nước phát triển, hiện nay, quốc gia này mỗi ngày vẫn ghi nhận hơn 160.000 ca mắc COVID-19, trong khi ở nước ta hiện tại, mỗi ngày ghi nhận trung bình 1.800-2.000 ca, ngày ghi nhận số mắc nhiều nhất là hơn 3.000 ca nhưng đến 3-10 chỉ còn khoảng 400 ca", GS. Nguyễn Anh Trí cho biết.

Thứ hai, vấn đề an sinh xã hội vẫn được bảo đảm, đặc biệt hệ thống y tế được giữ vững mặc dù chúng ta đã rất vất vả. Thời điểm dịch bệnh đang ở đỉnh của 1 năm trước, hệ thống y tế của không ít quốc gia bị "vỡ trận", trong đó có cả những nước phát triển nhưng chúng ta vẫn giữ vững được "thành trì" này.

Thứ ba, phát triển kinh tế. Thông qua Nghị quyết 128/NQ-CP, chúng ta đã linh hoạt giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan để bình ổn xã hội, phát triển kinh tế. Đặc biệt, sau dịch, những vấn đề như xuất khẩu, sản xuất trong nước, lưu thông… nhanh chóng đi vào ổn định, phục hồi và phát triển.

GS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ, trong cuộc đời làm thầy thuốc của mình, ông chỉ nghe kể lại hoặc đọc sách vở về đại dịch toàn cầu nên trước đó, ông chưa tin và cũng không nghĩ sẽ có đại dịch bất ngờ, nhanh và mới xảy ra trên thế giới như COVID-19. Chỉ khi chứng kiến, ông mới tin vào thực tế. Điều này cho thấy sự lúng túng trong công tác phòng chống dịch là không tránh khỏi, nhưng quan trọng là chúng ta đã khắc phục được tốt hơn. GS. Nguyễn Anh Trí lấy ví dụ, nước Mỹ phải mất tới 10 tháng để tranh luận về quy định bắt buộc đeo khẩu trang hay không. Chỉ đến khi, số ca mắc tăng nhanh hàng triệu người thì Mỹ mới quy định đeo khẩu trang để phòng chống dịch.

Điều quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của một chỉ đạo hay một Nghị quyết chính là thực tiễn và không có thước đo nào đúng đắn, chính xác bằng thực tiễn. Đến nay, chúng ta đã thấy rõ thước đo thực tiễn sau một năm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ: Chúng ta đã và đang khống chế được dịch bệnh một cách bền vững, an sinh xã hội của người dân được bảo đảm, kinh tế đã nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Giám đốc CDC Hoa Kỳ: Nghị quyết 128 thực sự là một bước tiến quan trọng

Ông Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Thùy Dung

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Eric Dziuban, Giám đốc quốc gia Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, một năm kể từ khi Nghị quyết 128 được ban hành và triển khai đã tạo ra sự chuyển hướng mang tầm chiến lược.

Vào thời điểm hè năm 2021, Việt Nam phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 trên diện rộng và nghiêm trọng, đặc biệt tại các địa phương lớn khu vực phía nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng sau đó, Việt Nam đã thực hiện chương trình tiêm chủng nhanh chóng và hiệu quả với số lượng người dân được tiêm phòng COVID-19 ở mức cao. Điều này tạo ra lộ trình để mở cửa trở lại.

Nghị quyết 128 đã cung cấp một cách tiếp cận dựa trên tình hình thực tế, cho phép các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và giáo dục phục hồi một cách an toàn.

Theo ông Eric Dziuban, Nghị quyết là một bước tiến quan trọng vì chúng ta sẽ không thể mãi nằm trong tình trạng ứng phó khẩn cấp với đại dịch. Việc tìm ra cách thức cho phép người dân trở lại một số hoạt động nhất định một cách an toàn là nhiệm vụ cấp quốc gia.

Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, tỷ lệ bao phủ vaccine cao là yếu tố chính cho việc thực hiện thành công Nghị quyết 128 và mở cửa trở lại nền kinh tế Việt Nam.

Hơn 90% số người dân trên 18 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng đã tiêm đủ liều trong thời gian ngắn. Điều này đã cho phép nền kinh tế mở cửa trở lại mà không tạo ra làn sóng COVID-19 trên diện rộng, gây quá tải hệ thống y tế.

Ông Eric Dziuban nhấn mạnh rằng biến thể Omicron xuất hiện sau khi Nghị quyết 128 được ban hành. Tuy nhiên, các bệnh viện không ở trong tình trạng quá tải, tỷ lệ tử vong do dịch bệnh ở mức thấp bởi vì Việt Nam đã thực hiện các bước cẩn trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Việc ban hành các chính sách cho phép Việt Nam mở cửa một cách an toàn, tuy nhiên, vẫn cần áp dụng một số biện pháp phòng vệ như việc trẻ em đến trường cần phải đeo khẩu trang khi vẫn còn nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Theo ông Eric Dziuban, COVID-19 vẫn hiện hữu và có thể sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Sẽ không có khả năng COVID-19 hoàn toàn biến mất ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới và chúng ta đang sống ở trong bối cảnh hoàn toàn khác với 2 năm trước đây.

Việc người dân được tiêm chủng đầy đủ là bước quan trọng nhất, tiếp theo là cần theo dõi sát sao tình hình diễn biến dịch bệnh.

"Chúng ta không thể biết được khi nào biến thể mới của COVID-19 sẽ xuất hiện. Hiện giờ chúng ta cho rằng tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất do COVID-19 đã qua. Tuy nhiên, diễn biến dịch khó lường và chúng ta cần theo dõi sát sao trong thời gian tới", Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam khuyến nghị.

Ngành y tế Việt Nam cũng quyết tâm trong việc theo dõi diễn biến của bệnh dịch cũng như khả năng xuất hiện của các biến thể mới, để đảm bảo rằng khi có hiện tượng bất thường xảy ra thì Chính phủ sẽ có các chính sách phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, cần có sự chuẩn bị tốt để người dân biết mình cần làm gì nhằm tránh khỏi việc đối mặt với khủng hoảng trong thời gian tới.

Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện vào tháng 7 năm 2023. Tổng thống Hoa Kỳ đã nói rõ mong muốn nâng tầm mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Lĩnh vực y tế đóng góp quan trọng vào những nỗ lực trong việc tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian qua. 

CDC Hoa Kỳ rất tự hào trong việc phối hợp với Bộ Y tế và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn khủng khoảng do COVID-19 gây ra, ông Eric Dziuban bày tỏ.

CDC Hoa Kỳ đã có thời gian dài hoạt động tại Việt Nam và sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập vào năm tới. CDC Hoa Kỳ đã có hơn 2 thập kỷ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh với một loạt các chương trình đã được triển khai mạnh mẽ như chương trình phòng chống bệnh lao, HIV, cúm mùa cũng như các hoạt động hỗ trợ hệ thống y tế tại Việt Nam.

Hoa Kỳ cũng phối hợp với phía Việt Nam trong việc đào tạo các nhà dịch tễ học, nâng cao chất lượng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và đặc biệt là ứng phó với COVID-19.

Hợp tác trong việc cung ứng vaccine là điểm nhấn hợp tác giữa hai quốc gia trong phòng, chống bệnh dịch thời gian vừa qua.

Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với nhau không chỉ ứng phó với các bệnh dịch trong thời điểm hiện tại mà còn về các mối đe dọa tiềm ẩn của các dịch bệnh sẽ diễn ra trong những năm tới, Giám đốc CDC Hoa Kỳ nhấn mạnh.

 

Nguồn: baochinhphu.vn

Tìm kiếm