BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Giảm 01 Chương, 36 Điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 8

08/05/2025 08:22

Theo chương trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 07/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày tóm tắt báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện bao gồm 08 chương, 58 điều (giảm 01 chương và 36 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).

Toàn cảnh Phiên họp

Về đăng ký lao động

Dự thảo luật đã điều chỉnh một số nội dung liên quan đến đăng ký lao động như: Nguyên tắc đăng ký lao động (Điều 17); Thông tin đăng ký lao động (khoản 1 Điều 18); Quyền và nghĩa vụ của người lao động trong đăng ký lao động (Điều 19); Kết nối, cập nhật, chia sẻ các thông tin đăng ký lao động từ cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu khác (khoản 4 Điều 18); Quy định mang tính nguyên tắc chung về đăng ký lao động và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký lao động (các khoản 2, 3 và 6 Điều 18)... theo hướng quy định rõ ràng, mạch lạc hơn, nhằm bảo đảm tính khả thi, sự thuận lợi cho người đăng ký lao động.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Về hệ thống thông tin thị trường lao động

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng chỉ quy định mang tính nguyên tắc, không qui định chi tiết một số điều khoản hàm chứa nội dung về hệ thống thông tin thị trường lao động như: Khái niệm chung về hệ thống thông tin thị trường lao động (khoản 1 Điều 20); Hệ thống thông tin thị trường lao động được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu về người lao động và cơ sở dữ liệu chuyên ngành để cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin về thị trường lao động (khoản 2 Điều 20); Nội dung thông tin thị trường lao động (khoản 1 Điều 21);...đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.

Về tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia

Dự thảo luật không qui định giá trần với hoạt động tổ chức đánh giá kỹ năng nghề bởi, theo quy định tại khoản 2 Điều 26 thì tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia phải tự định giá và niêm yết giá cung ứng theo quy định pháp luật về giá. Nếu quy định giá trần thì sẽ không bảo đảm yếu tố thị trường và không phù hợp với pháp luật về giá. Chính vì vậy mà dự thảo luật đề xuất giữ nguyên, không qui định giá trần để đảm bảo phù hợp với những qui định luật hiện hành.

 

Đại biểu tham gia Phiên họp

Về tổ chức dịch vụ việc làm công

Có ý kiến đề nghị không đưa cơ cấu tổ chức, bộ máy của Trung tâm dịch vụ việc làm trong dự thảo Luật mà giao cho Chính phủ quy định; bổ sung giải pháp để phát triển Trung tâm dịch vụ việc làm. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định trực tiếp Trung tâm dịch vụ việc làm mà quy định tổ chức dịch vụ việc làm gồm tổ chức dịch vụ việc làm công (Trung tâm dịch vụ việc làm trước đây) và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm (khoản 2 Điều 28).  Đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm công.

Về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu

Dự thảo luật đã bỏ quy định “thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo”, bởi nội dung này đã được quy định tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chính vì vậy, trên tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng không quy định nội dung này.

Trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động

Có ý kiến cho rằng, trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh, việc người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm dịch vụ việc làm, nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, để thông báo về việc tìm kiếm việc làm là không cần thiết. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, thuận lợi cho người lao động.

Nhìn chung, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo nguyên tắc quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho tất cả người lao động nói chung, cơ bản không phân biệt các đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, cũng có những quy định chính sách hỗ trợ riêng cho một số đối tượng đặc thù, đối tượng yếu thế. Các quy định này đều được thiết kế để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với pháp luật chuyên ngành, như: Luật Người cao tuổi, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Người khuyết tật, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Theo Cổng TTĐT Quốc hội
Tìm kiếm