Đến dự và tham gia Hội thảo có PGS. TS. Lê Minh Thông - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội; TS. Trần Anh Tuấn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học Hành chính Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Vân, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình và đông đảo các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý của một số Học viện, Trường Đại học, địa phương như Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Cần Thơ, tỉnh Thừa Thiên- Huế,..
Về phía Thành phố Đà Nẵng, có sự tham dự của ông Trần Chí Cường, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học, Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết, Chương trình khoa học trọng điểm cấp Bộ “Tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” được phê duyệt triển khai thực hiện theo Quyết định số 533/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Chương trình trọng điểm cấp Bộ được phê duyệt thực hiện với mục đích đi sâu nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện, có hệ thống về tổ chức, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Trên cơ sở đó, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, giải pháp cho việc tiếp tục cải cách hành chính nhà nước và cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng, hoàn thiện nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Trong khuôn khổ những nội dung triển khai thực hiện của Chương trình trong năm 2024, mà một trong những nội dung quan trọng là đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, Ban chủ nhiệm Chương trình tổ chức hội thảo: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả - Những vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị” với mong muốn nhận được nhiều tham luận, ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận để cùng làm rõ, sâu sắc thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, những vấn đề đặt ra và quan điểm, giải pháp đổi mới.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng – Trần Chí Cường chia sẻ, Hội thảo khoa học “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả - Những vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị” được tổ chức vào thời điểm Thành phố vừa sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 119 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền dô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Sau hơn 03 năm thực hiện thí điểm, mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng (không tổ chức HĐND quận, phường) đã bước đầu phát huy được nhiều ưu việt, bộ máy hành chính nhà nước được sắp xếp tinh gọn gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đã từng bước nâng cao được vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, phát huy được dân chủ ở cơ sở và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính nhà nước. UBND các quận, phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng đã phát huy được tính chủ động, linh hoạt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Quyền dân chủ của người dân tiếp tục được tăng cường và phát huy, người đứng đầu các cấp tích cực đối thoại với nhân dân, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của nhân dân ngay tại cơ sở... Song, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố đã gặp phải một số khó khăn, lúng túng ban đầu về cơ chế quản lý tài chính – ngân sách, chế độ công vụ của cán bộ phường chưa thống nhất với công chức phường, quy định về tổ chức bộ máy của quận chưa linh hoạt với đặc thù từng quận..., một số cơ chế, chính sách đặc thù chưa triển khai, đang trong giai đoạn đề cuất hoặc chưa thực sự phát huy hiệu quả... Do vậy, những ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ giúp Thành phố có thêm căn cứ để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập cũng như các điều kiện để triển khai hiệu quả tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, Hội thảo đã nghe những ý kiến trao đổi của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý nhằm làm rõ hơn các luận cứ khoa học về:
(1) Những vấn đề lý luận cốt lõi về đổi mới tổ chức hoạt động chính quyền đô thị đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đặc trưng của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; những yêu cầu của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả như: Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị theo hướng chỉ làm những gì mà các chủ thể của thị trường và của xã hội không làm; tập trung vào việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các chủ thể ngoài nhà nước tham gia phát triển kinh tế - xã hội và các công việc của quản trị đô thị; xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, ít tầng cấp, ít đầu mối, hoạt động nhanh nhạy thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả; thu hút, mở rộng sự tham gia và giám sát của người dân và các chủ thể ngoài nhà nước trong xây dựng, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật và cung ứng dịch vụ công,…
(2) Thực trạng pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị: Những han chế bất cập, vấn đề đặt ra cho việc hoàn thiện đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; những vấn đề đặt ra từ thực trạng cơ chế, chính sách đặc thù của các đô thị trực thuộc Trung ương; các mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, kinh nghiệm thiết lập các đô thị vệ tinh... của một số quốc gia trên thế giới.
(3) Đề xuất quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước, đồng thời phát huy được những điểm mạnh, đặc thù của mỗi đô thị, phù hợp với xu hướng quản trị địa phương trong bối cảnh 4.0.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: