BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Triển lãm “Không gian Mộc bản Triều Nguyễn”

25/09/2023 09:37

(Moha.gov.vn)-Chiều ngày 22/9/2023, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức Triển lãm “Không gian Mộc bản Triều Nguyễn”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng dự và phát biểu khai mạc Triển lãm.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Dự Lễ khai mạc Triển lãm có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S; lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các Trung tâm trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; lãnh đạo, viên chức các đơn vị thuộc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV và gần 200 đại biểu khách mời cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đối tác, cán bộ công tác trong lĩnh vực lưu trữ và văn hóa ở trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Lễ khai mạc

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là một trong 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia của Việt Nam, được thành lập vào năm 2006 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bên cạnh những tài liệu lưu trữ quốc gia, Trung tâm còn được giao nhiệm vụ quan trọng, là bảo quản và phát huy khối tài liệu đặc biệt, di sản tư liệu vô giá là 33.791 tấm Mộc bản triều Nguyễn, một loại hình tài liệu đặc biệt trong kho tàng lịch sử Việt Nam, khắc các bộ sách chính văn, chính sử của triều đình để lưu truyền cho hậu thế. Đó là những bộ quốc sử được biên soạn công phu, chứa đựng nhiều thông tin xác thực về lịch sử Việt Nam từ thuở ban sơ cho đến đầu thế kỷ XX. Với những giá trị nổi bật về nội dung, hình thức và nghệ thuật, được xem là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của nhân loại và trở thành Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam, được UNESCO vinh danh vào ngày 31/7/2009.

Thứ trưởng nhấn mạnh, với những đặc tính quý giá nhất của tài liệu lưu trữ là mang thông tin ghi chép, phản ánh hoạt động của cả vương triều, Mộc bản Triều Nguyễn thực sự là báu vật của tiền nhân để lại, góp công lớn trong việc lưu truyền kho tàng lịch sử vô giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau để tìm hiểu về cội nguồn và bề dày truyền thống, lịch sử phát triển dân tộc Việt Nam.

Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Cục văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với nhiều cơ quan, các địa phương tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia và trên cả nước. Và để đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới - Thời đại công nghệ số, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ thực hiện không gian trưng bày Mộc bản Triều Nguyễn theo một cách thức rất mới là sử dụng công nghệ để giới thiệu, quảng bá giá trị tài liệu lưu trữ.

Triển lãm lần này, thực sự đã được thực hiện bằng một hình thức mới, sáng tạo và độc đáo. Thông qua câu chuyện ra đời của tài liệu Mộc bản; những giá trị chất chứa trong khối tài liệu này cùng truyền thống anh hùng, bất khuất làm nên khí phách con người Việt Nam cũng sẽ được chuyển tải qua từng nét vẽ và ứng dụng thành tựu của thời đại công nghệ số. Từ đó góp phần làm phong phú thêm sự lựa chọn về cách thức tiếp cận kiến thức lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm trước để lại.

Sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới - Thời đại công nghệ số. Thứ trưởng  tin rằng, ngành Lưu trữ sẽ tiếp tục đạt được những thành công mới trong việc khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin vào bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, di sản tư liệu mà tiền nhân đã để lại.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận tinh thần lao động, sáng tạo của tập thể Lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói chung và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV nói riêng. Đồng thời, đề nghị các đồng chí tiếp tục thực hiện nghiêm trách nhiệm và các cam kết trong việc bảo tồn và phát huy di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh, tiếp tục tăng cường nghiên cứu và áp dụng các biện pháp thích hợp để kéo dài tuổi thọ, bảo đảm khả năng khai thác thông tin và phát huy giá trị của khối tài liệu quý giá này. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan văn hóa, cơ quan giáo dục để tuyên tuyền, quảng bá các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam, đặc biệt là tuyên truyền, giới thiệu các nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa dân tộc và chủ quyền đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tiếp tục quan tâm, phối hợp với Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trong việc triển khai hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản triều Nguyễn” giai đoạn II tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S và các đại biểu thăm quan và trải nghiệm ứng dụng Hologram để hiểu về câu chuyện Mộc bản bằng tranh cát, công nghệ 3D Mapping để xem quy trình biên soạn và khắc in Mộc bản, sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360

Tại Triển lãm, lần đầu tiên, tại một Trung tâm Lưu trữ quốc gia, người tham dự được trải nghiệm ứng dụng Hologram để hiểu về câu chuyện Mộc bản bằng tranh cát, công nghệ 3D Mapping để xem quy trình biên soạn và khắc in Mộc bản, sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360, quét mã QR Code để xem thông tin trưng bày… Đồng thời, người tham gia sẽ cùng nhau trao đổi về “Chuyển đổi số trong phát huy giá trị tài liệu lưu trữ” thông qua tọa đàm với sự tham dự của các nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ và công nghệ. Đây là sự kiện mở đầu quá trình quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giúp Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, gần gũi và bổ ích của khách du lịch, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ khi đặt chân đến thành phố Đà Lạt. Hơn nữa, sự kiện hứa hẹn sẽ là nơi định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ cho các tỉnh thành trên cả nước.

Ngược dòng thời gian, có lẽ không nhiều người biết được, Mộc bản Triều Nguyễn đã trải qua một hành trình đầy biến động trước khi được gìn giữ và tôn vinh như ngày nay. Được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XIX cùng với sự thành lập của vương triều Nguyễn, khối tài liệu này được coi là quốc bảo, là báu vật của hoàng triều. Từ khi khởi thảo cho đến khi hoàn thành bộ ván khắc, những mộc bản này phải trải qua một quy trình chế tác hết sức nghiêm ngặt theo mệnh vua ban để thực hiện sứ mệnh lưu trữ, truyền bá thông tin. Cho đến đầu thế kỷ XX, khi công nghệ in phát triển, Mộc bản lúc này không còn giữ vai trò là các “máy in” chủ đạo nữa mà trở thành những tài liệu gốc, được bảo quản, lưu trữ để đối chiếu với các thư tịch khác. Năm 1960, nhận thức rõ vai trò, vị trí hết sức quan trọng của tài liệu lưu trữ, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã quyết định chuyển toàn bộ khối tài liệu Châu bản, Mộc bản cùng các tài liệu lưu trữ quan trọng khác của triều Nguyễn và chính quyền bảo hộ Pháp tại Trung Kỳ từ Huế về Đà Lạt để bảo quản lâu dài, tránh sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu miền Trung. Cơ quan chịu trách nhiệm bảo quản, gìn giữ khối tài liệu này khi đó là Chi nhánh Văn khố Đà Lạt, một đơn vị lưu trữ chuyên trách. Tháng 3 năm 1975, khi chuẩn bị rút chạy khỏi Đà Lạt, chính quyền Sài Gòn còn định điều cả chuyên cơ vận tải C130 để vận chuyển khối tài liệu này về Sài Gòn nhưng không kịp, nhiều Mộc bản được đóng gói và bị bỏ lại sân bay Liên Khương. Sau đó, chính quyền quân quản đã cho vận chuyển trở lại Đà Lạt và bàn giao cho các cơ quan tỉnh Lâm Đồng quản lý. 

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của tài liệu lưu trữ do chính quyền cũ để lại, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành Chỉ thị số 242-CT/TU ngày 20/11/1976 của Ban Bí thư và Thông tư số 101-BT ngày 09/5/1977 của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng về việc tập trung quản lý và sử dụng tài liệu lưu trữ của chính quyền cũ ở miền Nam. Sau đó, Phủ Thủ tướng đã giao cho Cục Lưu trữ liên hệ với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng để tiếp nhận các tài liệu trên. Và đến năm 1981, việc bàn giao đã được thực hiện giữa Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Kho Lưu trữ trung ương II tại TP. Hồ Chí Minh trực thuộc Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng. Năm 2006, Bộ Nội vụ thành lập Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt và giao cho Trung tâm trực tiếp quản lý, tổ chức sử dụng khối tài liệu này cho đến ngày nay.

Anh Cao
Tìm kiếm