BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đoàn công tác của Bộ Nội vụ thăm và làm việc với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam

22/08/2023 23:33

Chiều ngày 22/8, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam (Hội).

Tham gia Đoàn công tác có Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ Thang Thị Hạnh; đại diện lãnh đạo, công chức Văn phòng Bộ, Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Tổ chức phi chính phủ và Trung tâm Thông tin.

Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam có: Chủ tịch Nguyễn Trọng Đàm; Phó Chủ tịch Đỗ Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch Trần Thị Dung; các đồng chí đại diện lãnh đạo đơn vị, phòng ban chuyên môn thuộc Hội.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng tặng quà lưu niệm cho Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam

Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Đỗ Mạnh Hùng cho biết, tôn chỉ, mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết tổ chức, công dân Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; cùng hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi; góp phần đẩy mạnh trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, trẻ mồ côi, giúp họ hòa nhập cộng đồng, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Về hội viên, Phó Chủ tịch Thường trực Đỗ Mạnh Hùng thông tin, tính đến hết tháng 7/2023, toàn Hội có 49 Hội cấp tỉnh, thành; 297 Hội cấp quận, huyện; 2.009 Hội cấp xã, phường; 1.570 chi hội và có 5.967 hội viên tập thể và 567.928 hội viên cá nhân.

Trong giai đoạn vừa qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ công tác chủ yếu do Đảng, Nhà nước giao và Đại hội Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022 để ra.

Hội đã vận động đạt 2.862 tỷ đồng bao gồm cả tiền và hiện vật, trợ giúp cho 16 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và người yếu thế khác, tập trung vào các hoạt động trợ giúp y tế, phương tiện trợ giúp, cải thiện sinh hoạt, hỗ trợ sinh kế, vốn sản xuất… cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và người yếu thế khác.

Hội đã tham gia góp ý, xây dựng, phản biện xã hội đối với nhiều chính sách, dự thảo văn bản pháp luật. Từ năm 2017 đến nay, Hội đã được các cơ quan chức năng lấy ý kiến tham gia góp ý bằng văn bản cho các dự thảo văn bản luật gồm: Luật Trẻ em, Luật về Hội, Luật Giáo dục, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Nuôi con nuôi, Luật Thanh niên, Bộ luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai (sửa đổi),…; các dự thảo Nghị định của Chính phủ gồm: Nghị định về Nghề công tác xã hội, Nghị định quy định về Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực người khuyết tật, Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội.

Ngoài ra, Hội cũng tích cực tham gia ý kiến vào các chương trình, đề án như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác người khuyết tật; Đề án phát triển y tế lao động xã hội đến năm 2030; Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021 - 2025; Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;…

Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Đỗ Mạnh Hùng báo cáo tại Buổi làm việc

Về hoạt động tuyên truyền, văn hóa, thể thao, hằng năm, Hội tổ chức Chương trình văn hóa nghệ thuật “Một trái tim - Một thế giới”, đến năm 2023 là lần thứ 18; Chương trình Trung thu yêu thương; Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trựo tiêu biểu toàn quốc; Chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật”; Hội thi tiếng hát người khuyết tật;… Cùng với Trung ương Hội, các tỉnh, thành Hội đều tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền cấp tỉnh thông qua các sự kiện biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn tỉnh; các chương trình giao lưu gây Quỹ, tọa đàm, gặp mặt gương điển hình…

Về hoạt động giao lưu Nhân dân và hợp tác quốc tế, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội tiếp tục kết nối, duy trì mối quan hệ với các đối tác truyền thống nước ngoài như: Hội Thánh tin lành Hàn Quốc tại Hà Nội; Tổ chức Sứ mạng xe lăn nhân đạo (Mỹ) thông qua tổ chức Trả lại tuổi thơ; tổ chức Hỗ trợ nhân đạo cho trẻ em Việt Nam (Mỹ).

Các Hội thành viên khắp mọi miền đất nước cũng đã có nhiều hoạt động đối ngoại Nhân dân, hợp tác, quan hệ với nhiều tổ chức tài trợ nước ngoài, thông qua đó đã khai thác được nguồn lực góp phần trợ giúp cho các đối tượng, đồng thời góp phần giới thiệu đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy mối quan hệ với các nước trên thế giới.

Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Buổi làm việc

Tại Buổi làm việc, thành viên Đoàn công tác đã tập trung trao đổi, thảo luận với lãnh đạo Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam về một số vấn đề như: thành lập Hội tại địa phương; sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP; tự chủ tài chính; biên chế; khoán kinh phí; tính mức thù lao, phụ cấp; thi đua khen thưởng và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác phê duyệt viện trợ phi chính phủ nước ngoài;…

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng phát biểu tại Buổi làm việc

Phát biểu tại Buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh về tổ chức, tập hợp đông đảo công dân Việt Nam hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ em mồ côi; góp phần đẩy mạnh trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, trẻ mồ côi, giúp họ hòa nhập cộng đồng, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức, hoạt động tuân thủ pháp luật và Điều lệ Hội, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. 

Thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đánh giá cao các hoạt động của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và chia sẻ với Hội về một số khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, Bộ Nội vụ tổ chức thăm và làm việc với Hội trên tinh thần lắng nghe về kết quả hoạt động của Hội; đồng thời, chia sẻ những vướng mắc của Hội để từ đó có báo cáo cấp có thẩm quyền nhằm khơi dậy nguồn lực của các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, trong đó có Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam.

Để Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tiếp tục hoạt động có hiệu quả, phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục một số khó khăn trong nhiệm kỳ vừa qua, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề nghị Hội tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục phát huy những thành tích, truyền thống, thế mạnh của mình, tổ chức, hoạt động tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng tôn chỉ, mục đích của Điều lệ Hội; chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho Hội.

Phối hợp cập nhật cung cấp thông tin trên Cơ sở dữ liệu về hội trên website của Bộ Nội vụ tại đường link: http://csdlhoiquy..

Thứ trưởng giao Vụ Tổ chức phi chính phủ trên cơ sở quy định tại “Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và “Đề án Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Đề án 103) của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tham mưu và phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt kết luận về khung mô hình tổ chức bộ máy đối với cấp ủy các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Tham mưu cho cấp có thẩm quyền thể chế hóa các quy định tại Đề án 103 vào việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trên cơ sở các kiến nghị của các hội, Vụ Tổ chức phi chính phủ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ tổ chức buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan để thống nhất và hướng dẫn cho các hội về cơ chế giao khoán kinh phí trên cơ sở nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Tham mưu lãnh đạo Bộ làm việc với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về công tác khen thưởng, hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Cờ thi đua của Khối thi đua, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.

Thống nhất với cấp ủy địa phương quan tâm tới mô hình tổ chức bộ máy của hội theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, tùy tình hình thực tiễn của địa phương để có mô hình tổ chức bộ máy cho phù hợp.

Giao Vụ Tổ chức phi chính phủ tổng hợp các ý kiến trao đổi, kiến nghị của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam để tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với thực tiễn.

Toàn cảnh Buổi làm việc

 

Anh Cao
Tìm kiếm