Đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ: Bổ sung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cho 8 đối tượng gồm: Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng, Phó Vụ trưởng cấp Bộ, Vụ trưởng và Phó Vụ trưởng cấp Tổng cục, Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng của tổ chức thuộc Bộ; đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Bổ sung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cho 5 đối tượng là: Phó Giám đốc sở, Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng thuộc sở, Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng cấp huyện.
Dự thảo Nghị định quy định 3 tiêu chuẩn chung cho các chức danh quản lý nêu trên: a) Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; b) Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; c) Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra dự thảo Nghị định quy định mỗi chức danh có 4 tiêu chuẩn: Vị trí và chức trách; Năng lực và kinh nghiệm công tác; Hiểu biết và Trình độ. Tất cả các chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước phải đảm bảo “tốt nghiệp đại học trở lên”.
Ngoài những quy định chung, dự thảo Nghị định cũng quy định bổ sung một số tiêu chuẩn về trình độ và kinh nghiệm công tác đối với các chức danh quản lý, như:
Đối với tiêu chuẩn chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Vụ trưởng cấp Bộ và Giám đốc sở:
- Đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Vụ trưởng cấp Bộ và Giám đốc sở: Đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc các chức danh tương đương trở lên và đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp. Riêng đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Vụ trưởng cấp Bộ đều phải tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị cao cấp.
- Về trình độ ngoại ngữ: Sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trình độ cao cấp bậc 6 đối với Thứ trưởng, trình độ cao cấp bậc 5 trở lên đối với Tổng cục trưởng, hoặc sử dụng được tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số; trình độ trung cấp bậc 4 trở lên đối với Vụ trưởng cấp Bộ và trình độ trung cấp bậc 3 trở lên đối với Giám đốc sở, hoặc một số ngành, lĩnh vực, tỉnh có thể thay ngoại ngữ bằng tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số.
- Về kinh nghiệm công tác:
+ Đã có thời gian từ ba (03) năm trở lên đảm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng (đối với Thứ trưởng) và Phó Tổng cục trưởng (đối với Tổng cục trưởng); hoặc Vụ trưởng và tương đương, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Đảng, Quốc hội; hoặc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; hoặc Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đặc biệt thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; hoặc người đứng đầu sở, ban ngành hoặc tương đương ở cấp tỉnh trở lên.
+ Đối với Vụ trưởng thuộc Bộ, đã có thời gian từ ba (03) năm trở lên đảm nhiệm chức vụ Phó Vụ trưởng và tương đương, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; hoặc Vụ trưởng và tương đương cấp Tổng cục; hoặc lãnh đạo sở, ban, ngành hoặc tương đương ở cấp tỉnh.
+ Đối với Giám đốc sở, đã có thời gian từ ba (03) năm trở lên đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc sở, ban, ngành hoặc tương đương ở cấp tỉnh hoặc Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên.
Đối với tiêu chuẩn chức danh Phó Tổng cục trưởng, Phó Vụ trưởng cấp Bộ, Vụ trưởng và Phó Vụ trưởng cấp Tổng cục, Phó Giám đốc sở:
- Về trình độ, tiêu chuẩn chung: Đang giữ ngạch chuyên viên chính hoặc các chức danh tương đương trở lên và đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính đối với Phó Tổng cục trưởng, Vụ trưởng cấp Tổng cục và Phó Giám đốc sở.
- Về trình độ ngoại ngữ: Sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trình độ trung cấp bậc 4 trở lên, hoặc sử dụng được tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với Phó Tổng cục trưởng; trình độ trung cấp bậc 3 trở lên hoặc đối với một số ngành, lĩnh vực có thể thay ngoại ngữ bằng tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với Phó Vụ trưởng cấp Bộ và Vụ trưởng cấp Tổng cục; trình độ trung cấp bậc 2 trở lên hoặc đối với một số ngành, lĩnh vực, tỉnh có thể thay ngoại ngữ bằng tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với Phó Vụ trưởng cấp Tổng cục và Phó Giám đốc sở.
- Về kinh nghiệm công tác: Đã có thời gian từ ba (03) năm trở lên đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của Đảng, Quốc hội; hoặc Vụ trưởng và tương đương cấp Tổng cục; hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đặc biệt thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; hoặc lãnh đạo sở, ban, ngành hoặc tương đương ở cấp tỉnh đối với Phó Tổng cục trưởng; đã có thời gian từ ba (03) năm trở lên đảm nhiệm chức vụ Phó Vụ trưởng và tương đương, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục; hoặc lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị tương đương ở cấp tỉnh đối với Vụ trưởng cấp Tổng cục; có thời gian công tác trong ngành từ năm (05) năm trở lên đối với Phó Vụ trưởng cấp Bộ, Phó Vụ trưởng cấp Tổng cục và Phó Giám đốc sở.
Đối với tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của các tổ chức thuộc Bộ; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp huyện:
- Về trình độ, tiêu chuẩn chung: Về trình độ đang giữ ngạch chuyên viên hoặc các chức danh tương đương trở lên. Riêng Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng của các tổ chức thuộc Bộ đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên.
- Về trình độ ngoại ngữ: Sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trình độ sơ cấp bậc 2 trở lên đối với Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng của các tổ chức thuộc Bộ, trình độ sơ cấp bậc 1 trở lên, hoặc đối với một số tỉnh, ngành, huyện có thể thay ngoại ngữ bằng tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc sở và Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp huyện.
- Về kinh nghiệm công tác: Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc sự nghiệp công lập từ ba (03) năm trở lên đối với các chức danh Trưởng phòng của các tổ chức thuộc Bộ, Trưởng phòng thuộc sở và có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước từ ba (03) năm trở lên đối với Trưởng phòng cấp huyện. Các chức danh Phó trưởng phòng các tổ chức thuộc Bộ, Phó Trưởng phòng thuộc sở và Phó Trưởng phòng cấp huyện không quy định về kinh nghiệm công tác.
Đối với tuổi bổ nhiệm lần đầu.
Dự thảo Nghị định lần này không quy định về tuổi bổ nhiệm lần đầu đối với các chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước (trong khi tại Quyết định số 82/QĐ-BNV và Quyết định số 83/QĐ-BNV đều thống nhất quy định “tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối vỡi nữ”).
Nghị định được Chính phủ thông qua sẽ bãi bỏ Quyết định số 82/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Tiêu chuẩn Giám đốc sở và các chức vụ tương đương thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định số 83/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Tiêu chuẩn Vụ trưởng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Trang Thông tin điện tử Bộ Nội vụ xin trân trọng giới thiệu toàn văn dự thảo Nghị định: Tại đây
Mời góp ý: Tại đây