BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo quốc tế về quản trị địa phương

13/05/2015 07:57

Sáng ngày 6/5/2015, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản trị địa phương và các nội dung liên quan đến Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm cung cấp thêm thông tin và chia sẻ các kinh nghiệm quản trị địa phương (Hội thảo).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và bà Luis Chamberlain - Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại biểu của Phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Sứ quán Bỉ, Sứ quán Đan Mạch, Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản, Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện; đại diện các Uỷ ban của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương và đại biểu đến từ 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng gửi lời cảm ơn chân thành đến các vị đại biểu về sự quan tâm đối với nỗ lực cải cách đang tiến hành ở Việt Nam, trong đó có vấn đề nâng cao hiệu quả quản trị địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh: Hiến pháp mới được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2013 quy định nhiều điểm mới về chính quyền địa phương như đổi tên Chương ‘‘HĐND và UBND’’ trong Hiến pháp năm 1992 thành Chương ‘‘Chính quyền địa phương’’; quy định mới về tổ chức đơn vị hành chính’’ (Điều 110); đối với tổ chức chính quyền địa phương được Hiến pháp quy định theo hướng‘‘mở’’, theo đó chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định; định hướng phân định thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương (Điều 112). Đồng thời với kết quả sau 6 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và các đề xuất về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, đặc khu kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, trong đó đặc biệt quan trọng là xây dựng Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thể hiện được tinh thần mới của Hiến pháp, khắc phục các hạn chế, bất cập trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan trung ương có liên quan và các địa phương xây dựng dự thảo Luật Chính quyền địa phương. Dự thảo Luật này đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014). Trên cơ sở các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các cơ quan có liên quan nghiên cứu hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới (tháng 5/2015). Do vậy, các tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo này sẽ góp phần cung cấp thêm thông tin, chia sẽ kinh nghiệm, các mô hình quản trị địa phương trên thế giới, đặc biệt là việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp – vấn đề quan trọng nhất của quản trị địa phương. Đồng thời cần trao đổi, thảo luận làm rõ nội hàm của quản trị địa phương và những vấn đề liên quan đến quản trị địa phương cần được kiến nghị quy định trong Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Phan Trung Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đã trình bày những hạn chế, bất cập của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 sau hơn 11 năm triển khai thực hiện. Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Luật, Văn phòng Quốc hội trình bày một số điểm chính của Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hội thảo đã được nghe các chuyên gia, các nhà quản lý quốc tế trình bày tham luận về một số nội dung chính về các kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng nguyên tắc quản trị công, quản trị địa phương và vấn đề phân cấp, phân quyền đối với chính quyền địa phương; những kinh nghiệm thực tiễn từ những quốc gia trong khu vực có điều kiện phát triển tương đồng với Việt Nam; kinh nghiệm về phân cấp, mô hình tổ chức chính quyền nông thôn - đô thị ở Ấn Độ; thực tiễn ở Campuchia về quá trình đánh giá chức năng, thẩm quyền nhằm xác định cấp chính quyền phù hợp nhất để đảm nhiệm các chức năng cụ thể, một lĩnh vực cụ thể và những bài học hữu ích cho Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả quản trị địa phương.

Sau phần tham luận của các đại biểu quốc tế là phần trao đổi, thảo luận về các vấn đề có liên quan đến quản trị địa phương và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các thảo luận tập trung làm rõ những vấn đề về:
- Vai trò của chính quyền địa phương đối với thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo và cung cấp dịch vụ cho người dân.
- Mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc thù đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Các mục tiêu, giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị địa phương và các vấn đề quản trị địa phương cần thiết phải được thể chế hóa trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
- Các kinh nghiệm quốc tế về quản trị địa phương trong mối liên hệ với Việt Nam và quá trình xây dựng Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam./.

Quang cảnh buổi Hội thảo

 

Lưu Nga

http://tcnn.vn/
Tìm kiếm