 |
Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nguyễn Ngọc Vân phát biểu tại Hội thảo.
|
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhóm Biên soạn chương trình đến từ các Sở Nội vụ, trường Chính trị các tỉnh, thành phố; trường đào tào cán bộ, công chức các Bộ, ngành.
Theo Báo cáo tổng hợp đánh giá chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức xã thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ được nêu ở Hội thảo cho thấy, lần đầu tiên các địa phương có bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng các chức danh cán bộ, công chức cấp xã.
Bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho các chức danh cán bộ, công chức xã được xây dựng công phu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ với các bộ chuyên ngành, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Trung ương và địa phương; đảm bảo tính khoa học, tính chính xác về nội dung, tính cân đối giữa nội dung chương trình tài liệu với thời lượng khóa bồi dưỡng; tính cân đối của các chuyên đề trong chương trình; phù hợp với mục tiêu bồi dưỡng, nhu cầu và yêu cầu công việc của cán bộ, công chức xã.
Nội dung chương trình bồi dưỡng từng bước được đổi mới theo hướng tập trung bồi dưỡng và trang bị cho cán bộ, công chức xã các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực, phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Nội dung bồi dưỡng ngày càng đa dạng, phong phú, đi sâu vào kỹ năng, tập trung trang bị cho các chức danh cán bộ, công chức xã các kiến thức chung về pháp luật, quản lý hành chính, quản lý kinh tế, quản lý văn hóa, trách nhiệm và đạo đức công vụ; các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh, vị trí việc làm.
Phương pháp, hình thức tổ chức bồi dưỡng nhìn chung được cải tiến, đổi mới theo hướng sát thực với điều kiện tình hình công tác của cán bộ, công chức ở địa bàn cơ sở, giúp cán bộ, công chức nhận thức, nắm bắt, tháo gỡ, xừ lý, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Hầu hết số cán bộ, công chức xã sau bồi dưỡng đều có chuyển biến về năng lực, chất lượng tham mưu, phương pháp thực hiện nhiệm vụ ngày càng được nâng lên rõ rệt. Kết quả bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức xã, đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Chương trình, tài liệu đã được số hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong khai thác, sử dụng, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật thông tin mới của địa phương, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đến dự. Đa phần các ý kiến đều đánh giá cao về chương trình đã được xây dựng và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung, cập nhật các kiến thức mới để chương trình liên tục được hoàn thiện.
 |
Toành cảnh Hội thảo.
|
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Vân đã cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu và đề nghị, để tổ chức thực hiện đào tạo bồi dưỡng có hiệu quả chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức xã phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Nội vụ, trường Chính trị, Trường đào tạo cán bộ, công chức các Bộ, ngành vì mỗi một đơn vị đều có thế mạnh của mình; đồng thời phải xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có năng lực, có phương pháp để tham gia giảng dạy. Phải cập nhật, hoàn thiện nâng cao chất lượng của 26 bộ chương trình theo nội dung mới, văn bản mới, rà soát lại các nội dung trùng lập đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra.