BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị tập huấn “Điều tra xã hội học phục vụ xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2015”

12/03/2016 21:04

Ngày 11/03/2016, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn “Điều tra xã hội học phục vụ xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2015” đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc.

Tham dự Hội nghị về phía Bộ Nội vụ có: Ông Trần Văn Ngợi, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước; Ông Đỗ Quý Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính; Ông Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ. Ngoài ra còn có: Đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ và chuyên viên làm công tác cải cách hành chính của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ; Đại diện lãnh đạo Sở và chuyên viên Phòng Cải cách hành chính,  Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra).

Ông Trần Văn Ngợi, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước phát biểu khai mạc Hội nghị
Ông Đỗ Quý Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Văn Ngợi, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước cho biết: việc xác định Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua 4 năm (từ năm 2012 đến năm 2015) liên tục triển khai Bộ chỉ số cải cách hành chính, nhìn chung, kết quả điều tra xã hội học cũng như điểm tự chấm của các cơ quan trong 03 năm qua đã phản ánh khá chính xác, trung thực, khách quan và công bằng về thực trạng, diễn biến công tác cải cách hành chính của các bộ, các địa phương. Kết quả xếp hạng cấp bộ, cấp tỉnh đã thu hút được sự quan tâm không chỉ của các bộ, các tỉnh, thành phố mà còn thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Thông qua các chỉ số của mình, các bộ, ngành và địa phương đã xác định được những mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện các nội dung cải cách hành chính, qua đó giúp cho các bộ và địa phương có những điều chỉnh về mục tiêu, nội dung và các giải pháp trong kế hoạch cải cách hành chính hàng năm. Đồng thời, đây cũng là thước đo về mức độ thực thi và hiệu quả của nhiều chính sách của Chính phủ cũng như của địa phương, là kênh thông tin tin cậy, khách quan và hữu ích đối với các nhà đầu tư, nhà tài trợ trong và ngoài nước. Đặc biệt, công tác điều tra và kết quả điều tra xã hội học không chỉ huy động và tăng cường sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, các địa phương mà còn là một trong các kênh thông tin, tuyên truyền hữu hiệu về công tác cải cách hành chính đối với toàn xã hội. Ông Trần Văn Ngợi đề nghị lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo sát sao, phối hợp tốt với Bộ Nội vụ để Hội nghị có chất lượng, đạt kết quả cao, cuộc điều tra xã hội học được tiến hành một cách khách quan, trung thực, đúng tiến độ, kết quả phản ánh đúng thực trạng cải cách hành chính ở bộ và địa phương mình, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ..

Kế hoạch điều tra xã hội học phục vụ xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 được thực hiện nhằm thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin phục vụ việc xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 (PAR INDEX 2015) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số mẫu phiếu điều tra xã hội học được phát ra là 34.333 mẫu phiếu, trong đó, đánh giá cấp bộ có 4.975 mẫu phiếu; đánh giá cấp tỉnh có 29.358 mẫu phiếu. Đối tượng điều tra xã hội học đối với cấp Bộ gồm: Lãnh đạo Vụ/Cục/Tổng cục của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc đối tượng xác định Chỉ số cải cách hành chính; Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công chức phụ trách công tác cải cách hành chính của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc đối tượng xác định Chỉ số cải cách hành chính. Đối tượng đánh giá cấp tỉnh bao gồm: Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; Lãnh đạo cấp huyện; người dân và đại diện doanh nghiệp.

Bộ Nội vụ sẽ tổ chức 03 Hội nghị tập huấn cho lực lượng tham gia điều tra tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ (01 cuộc), các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (02 cuộc). Hội nghị tập huấn dành cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam (từ Thừa Thiên - Huế trở vào) dự kiến sẽ được Bộ Nội vụ tổ chức vào ngày 14/03/2016 tới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ
hướng dẫn các nội dung về phương pháp, cách thức điều tra, thời hạn thực hiện điều tra xã hội học

Ông Phạm Nhật Thu, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ hướng dẫn các nội dung về công tác sử dụng và quyết toán kinh phí điều tra xã hội học

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được Ban tổ chức hướng dẫn cụ thể và chi tiết về: Nội dung phiếu điều tra xã hội học của 06 loại mẫu phiếu xã hội học; Kiểm tra, giám sát, phúc tra việc thực hiện điều tra xã hội học; Phương pháp, cách thức điều tra, thời hạn điều tra; Sử dụng và quyết toán kinh phí. Các Bộ, ngành và địa phương có thời gian là 20 ngày (không kể ngày nghỉ) để triển khai lấy mẫu phiếu điều tra tại đơn vị, địa phương mình và nộp lại mẫu phiếu đã hoàn chỉnh cho Ban tổ chức để tổng hợp kết quả, số liệu. Ban tổ chức đã cung cấp cho đại biểu các đầu mối nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong suốt quá trình thực hiện điều tra xã hội học. Ngay tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ký hợp đồng thực hiện điều tra và nhận mẫu phiếu điều tra từ Ban tổ chức để triển khai tại đơn vị, địa phương mình.

Toàn cảnh Hội nghị

Tin, ảnh: Trần Hải
Tìm kiếm