Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ; đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, các Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại diện các sở, ban, ngành, UBND một số quận và thành viên Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, trong 6 tháng đầu năm 2016, Thành phố xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 – 2020, trong đó xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, khâu đột phá; công nghệ thông tin là đòn bẩy, công cụ hỗ trợ quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ trong Chương trình CCHC của thành phố.
Thành phố đã ban hành Chỉ số đánh giá kết quả CCHC của các Sở và cơ quan ngang Sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020; khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính thành phố Hà Nội qua 6 dịch vụ hành chính công năm 2014. Năm 2015, đã tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất 41 đơn vị, riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã kiểm tra đột xuất 33 đơn vị.
Ngay từ đầu năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, sắp xếp lại cơ quan tham mưu, giúp việc UBND thành phố theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ để có các giải pháp cụ thể tập trung hoàn thành cao nhất Kế hoạch năm 2015, Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015, đồng thời xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016-2020. Thành phố đã chủ trì tổ chức nhiều Hội nghị tiếp xúc, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 tăng hai bậc (lên vị trí 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), Thành phố Hà Nội đã cắt giảm thời gian các TTHC trong các lĩnh vực: thành lập doanh nghiệp, chứng nhận đăng ký đầu tư, thuế, hải quan, quản lý đất đai và xây dựng và điện năng…Theo đó, thủ tục thành lập mới doanh nghiệp từ 05 ngày rút xuống còn 03 ngày làm việc; thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài, thời gian thực hiện việc cấp phép rút ngắn 40 – 60% thời gian so với quy định; Cấp giấy chứng nhận đầu tư giảm 08 ngày so với quy định; Thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng đảm bảo 100% hồ sơ doanh nghiệp đăng ký được giải quyết trong vòng 02 ngày.
Đơn giản hóa 76 TTHC thuế, rút ngắn thời gian nộp thuế của doanh nghiệp còn 117 giờ/năm; vượt chỉ tiêu 121,5 giờ/năm.
Thủ tục hải quan thực hiện bằng phương pháp điện tử với tỷ lệ tờ khai chiếm 99,5% so với tổng số tờ khai phát sinh; kim ngạch chiếm 96,5% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với nhân dân; quyết liệt thực hiện kế hoạch triển khai Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh CCHC trong nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố theo tinh thần 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả công việc); một người một việc xuyên suốt từ Thành phố đến cơ sở.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về xây dựng chính quyền điện tử tại Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố xác định xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy cũng như tạo môi trường thông thoáng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ tháng 12/2015, Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo. Đến nay, việc xây dựng chính quyền điện tử đã được triển khai ở nhiều nơi với hệ thống dùng chung, phần mềm thống nhất. Hiện có 19 ứng dụng dùng chung trên môi trường mạng phục vụ công tác cấp hộ chiếu, khai báo tạm trú tạm vắng của người nước ngoài; 5 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đang thí điểm ở 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Thành phố sẽ tổng kết và nhân rộng mô hình này ra tất cả các quận từ ngày 01/9/2016.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết, vừa qua, Thành phố đã triển khai hệ thống đăng ký tuyển sinh đầu cấp (lớp 1 và lớp 6) qua mạng Internet. Nhờ đó, phụ huynh chỉ cần đăng ký qua mạng, không cần đến tận nơi như mọi năm, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí… Thời gian tới, từ ngày 01/9 sẽ triển khai quản lý 1,7 triệu học sinh của thành phố ở tất cả các cấp học (từ mẫu giáo đến lớp 12) bằng học bạ điện tử.
Đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến các sở, ban, ngành cũng được yêu cầu đào tạo lại về công nghệ thông tin.
Hà Nội sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử theo hướng xây dựng trung tâm quản trị mạng tích hợp của toàn thành phố với hệ thống dữ liệu tập trung. Hệ thống này sẽ được sử dụng để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội bền vững của thành phố.
Về các dự án quy hoạch treo làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đã rà soát các dự án treo, phê duyệt 32/35 quy hoạch phân khu, công bố rộng rãi thông tin để người dân biết để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thành phố đang nỗ lực đến tháng 6/2017, sẽ cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn toàn Thành phố; khắc phục các tồn tại ở các khu vực có dự án treo, đối với các nhà chung cư mà chủ đầu tư không nộp thuế, tiền sử dụng đất; các dự án không khả thi.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, Thành phố đã đề xuất và được đồng ý cho triển khai việc cấp sổ đỏ đối với các hộ dân đã mua nhà dự án nhưng chủ đầu tư còn nợ thuế…
Biểu dương cách làm này của Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đánh giá cao sự quyết liệt, nỗ lực của Hà Nội để đảm bảo quyền lợi của nhân dân, không để tái diễn tình trạng người dân trở thành “con tin” của chủ đầu tư.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, kết quả CCHC của Hà Nội thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện giải phóng sức sản xuất, thu hút đầu tư; người dân hài lòng, tin tưởng vào chính quyền.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ
phát biểu tại buổi làm việc
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, qua theo dõi và qua báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, Hà Nội là một địa phương chỉ đạo công tác CCHC rất tốt, đang là một trong những địa phương đứng đầu cả nước. Lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo thiết thực, Thành ủy có Chương trình, Hội đồng nhân dân có Nghị quyết, Ủy ban các cấp có Kế hoạch triển khai rất cụ thể. Đánh giá về chỉ số CCHC, Hà Nội luôn nằn trong những tỉnh, thành phố đứng đầu (năm 2013 xếp thứ 5, năm 2014 tăng thêm 2 bậc lên vị trí thứ 3), Chỉ số CPI, năm 2014 tăng 7 bậc so với năm 2013, năm 2015 tăng 2 bậc so với năm 2014; đặc biệt là Chỉ số hài lòng của người dân được đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực mà thành phố Hà Nội cần quan tâm hơn là: chất lượng đội ngũ cán bộ đứng thứ 27 trong toàn quốc; bộ máy hành chính xếp thứ 14 trong toàn quốc; cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Qua đánh giá chung, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng đồng tình với một số đề xuất trong thời gian tới, của UBND thành phố Hà Nội; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung: Rà soát lại toàn bộ Chương trình, Nghị quyết, Kế hoạch qua triển khai Luật mới, các quy định mới, những gì chưa phù hợp cần phải điều chỉnh. Đưa công tác CCHC là trọng tâm trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Đại hội của Thành phố. Quan tâm triển khai mô hình Trung tâm hành chính công trực thuộc UBND hoặc trực thuộc Văn phòng UBND. Hà Nội là thủ đô, vì vậy có một số lĩnh vực cần đưa ra cơ chế đặc thù: tổ chức bộ máy, biên chế; cơ sở vật chất chưa tương xứng, quy hoạch hệ thống công sở hành chính theo hướng tập trung hoặc xã hội hóa.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác CCHC, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế của Thủ đô. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Hà Nội cần phát huy vai trò đi đầu cả nước về cải cách hành chính, vì vậy, nếu thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà thì người dân, doanh nghiệp trong nước không làm ăn tốt được, nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể hài lòng, cần phải khắc phục. Với hướng đi của Hà Nội trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu loại bỏ ngay tư duy “Hà Nội không vội được đâu”, tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất, đúng pháp luật cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh… Đối với tình trạng lãnh đạo các sở, ngành vắng họp mà không có lý do hoặc trong ngày làm việc mà cả đơn vị đi nghỉ mát… Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội có các biện pháp mạnh, xử lý nghiêm minh các vi phạm; chú trọng nâng cao kỷ luật, cương hành chính; loại bỏ ngay những cán bộ không đảm bảo phẩm chất đạo đức…
Cho rằng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Hà Nội xếp thứ 24 là chưa xứng tầm, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tập trung rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan theo hướng tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; xây dựng người công chức liêm chính, trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân… Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, thực hiện tốt việc xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và công tác tiếp nhận thủ tục hành chính tại một cửa, một cửa liên thông của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra công tác CHCC tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao đổi với người dân
đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND quận Hoàn Kiếm
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của UBND quận Hoàn Kiếm