BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị tổng kết công tác hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện năm 2016

14/12/2016 16:10

Sáng ngày 14/12/2016, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện năm 2016.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị 

Dự Hội nghị có các đồng chí đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Dân vận Trung ương; đại diện các Bộ, ngành Trung ương: Văn phòng Chính phủ, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh: Hà Nam, Cao Bằng, Quảng Trị, Nam Định, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình; lãnh đạo các Hội, Liên hiệp Hội, Tổng hội, Quỹ; các đồng chí nguyên Thứ trưởng, nguyên là Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và lãnh đạo, chuyên viên Vụ Tổ chức phi chính phủ - Bộ Nội vụ.
Đại biểu dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và quản lý của chính quyền các cấp, thời gian qua các hội được thành lập và hoạt động trên cơ sở quy định của pháp luật, điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phát huy được vai trò tập hợp, đoàn kết và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia cung ứng các dịch vụ, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, hoạt động từ thiện, nhân đạo, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Xuât phát từ nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng, các tổ chức hội được thành lập ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, đối ngoại nhân dân, nông nghiệp, kinh tế, thông tin, khoa học và công nghệ, các quỹ từ thiện trong quá trình hoạt động đã đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động của các tổ chức hội bước đầu có hiệu quả, góp phần thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước, các tổ chức hội ngày càng phát huy được vai trò là cầu nối giữa hội viên với cơ quan nhà nước góp phần tích cực vào giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ, tổ chức phi chính phủ. Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với công tác quản lý hội, quỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội, quỹ Việt Nam ra đời, hoạt động bền vững theo quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập trong tổ chức, hoạt động và quản lý hội; đồng thời tạo điều kiện để hội, quỹ hoạt động có hiệu quả hơn, trong thời gian tới cần tăng cường mối quan hệ trao đổi thông tin hai chiều với cơ quan quản lý nhà nước. 

Hội nghị tổ chức nhằm cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, quỹ; lắng nghe ý kiến trao đổi, phản ánh của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hội, quỹ hoạt động; tiếp tục thể chế hóa Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, sớm trình Chính phủ ban hành, khắc phục bất cập, thủ tục, quy trình thành lập, quản lý, thanh kiểm tra xử lý vi phạm của hội; nắm bắt nhu cầu thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc của hội trong quá trình tổ chức và hoạt động.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cần tập trung, tích cực thảo luận, trao đổi trên cơ sở các tham luận của các Bộ, ngành, địa phương và các hội, quỹ để đánh giá, đóng góp ý kiến nhằm chỉ rõ những mặt được, đóng góp tích cực của tổ chức hội, quỹ trong thời gian qua; chỉ ra những khó khăn, bất cập mà hội, quỹ đang gặp phải; đề xuất, kiến nghị với Bộ Nội vụ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực mà hội có hoạt động cần điều chỉnh, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; các bộ, ngành Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ thực hiện tốt công tác tham mưu Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội, quỹ; các Sở Nội vụ địa phương tích cực tham mưu xây dựng văn bản dưới luật phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội quần chúng hoạt động trên địa bàn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời các đại biểu cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn tổ chức, hoạt động, quản lý hội, quỹ trong tình hình hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất, toàn diện, hiệu quả.


Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ - Bộ Nội vụ Hà Thị Dung trình bày Báo cáo tại Hội nghị 

Theo Báo cáo tổng kết công tác hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện năm 2016 (Báo cáo) được Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ - Bộ Nội vụ Hà Thị Dung trình bày tại Hội nghị, nhu cầu lập hội, quỹ ngày càng nhiều và đa dạng; trong thời gian qua, số hội, quỹ có phạm vi hoạt động cả nước tăng nhanh theo các năm: năm 2012 là 09 hội, quỹ; năm 2013 là 20 hội, quỹ; năm 2014 là 21 hội, quỹ; năm 2015 là 24 hội, quỹ. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với hội từng bước đổi mới, trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước được xác định rõ theo phân công, phân cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho hội hoạt động đúng theo quy định của Nhà nước, điều lệ hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Để tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho hội quần chúng phát huy vai trò, sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho hội tham gia hoạt động xã hội hóa, từ thiện nhân đạo, tư vấn, phản biện, giám định xã hội, cung ứng dịch vụ công và các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hội hoạt động có hiệu quả, tham gia vào một số hoạt động của cơ quan nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra hội được thực hiện thường xuyên đã tạo điều kiện giúp hội hoạt động hiệu quả, đúng hướng theo quy định của pháp luật và điều lệ hội. Hàng năm, cơ bản các hội đều thực hiện báo cáo về tổ chức và hoạt động của hội theo quy định, qua đó cơ quan quản lý nhà nước về hội kịp thời nắm bắt được tình hình tổ chức, hoạt động của hội, góp phần thực hiện công tác quản lý nhà nước về hội đạt hiệu quả hơn.

Một số bộ, ngành đã tích cực hỗ trợ hội hoạt động, thông tin cho hội về chiến lược phát triển ngành, tạo điều kiện để hội tham gia cung ứng dịch vụ; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và mời tham gia ban soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định… hoặc giao hội cấp chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với hội hoạt động trong lĩnh vực do Bộ quản lý và phân công bộ phận tham mưu giúp Bộ quản lý nhà nước đối với hội. Công tác quản lý nhà nước đối với hội đảm bảo chặt chẽ, hội được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về hội như: công tác quản lý còn bất cập, thủ tục thành lập hội còn mất nhiều thời gian, mối quan hệ phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với các hội quần chúng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa phát huy đầy đủ vai trò, vị trí của các hội; văn bản quy phạm pháp luật thiếu quy định về chế tài xử lý khi các hội vi phạm trong quá trình hoạt động, chưa có các quy định cụ thể về tạm đình chỉ hoạt động, giải thể, thu hồi con dấu khi hội có mâu thuẫn nội bộ kéo dài và không tự giải quyết được; văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hội chưa có sự thống nhất, đồng bộ; một số hội chưa thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước, có xu hướng hành chính hóa, đề nghị được lập hội thành hệ thống từ Trung ương đến cơ sở; một số hội hoạt động còn hình thức, chưa gắn hoạt động của hội với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nội dung, phương thức hoạt động chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, chưa đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích thiết thực của hội viên; chưa phát huy được tính tự chủ, năng động, sáng tạo, khả năng tập hợp, thu hút hội viên…

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu tham dự đã nghiêm túc trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Báo cáo. Nhìn chung, các ý kiến góp ý của các đại biểu tập trung vào đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hội, quỹ năm 2016, phương hướng và giải pháp trong giai đoạn tới. Trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu, tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, trong thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, ban hành hệ thống pháp luật, những cơ chế, chính sách nhằm phát huy một cách tốt nhất ý chí của các hội, quỹ góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý thống nhất, toàn diện, hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị

Tin, ảnh: Anh Cao
Tìm kiếm