BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Họp Ban soạn thảo xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi)

08/10/2018 20:48

Chiều ngày 08/10, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) nhằm phân công nhiệm vụ các thành viên Ban soạn thảo; đóng góp ý kiến và đề xuất các nội dung liên quan đến xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi).
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Trưởng ban soạn thảo xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) chủ trì buổi họp.

Tham dự buổi họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) là đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long công bố Quyết định số 2127/QĐ-BNV

Tại buổi họp, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long công bố Quyết định số 2127/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thành lập Ban soạn thảo xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi), gồm 27 thành viên là đại diện các Bộ, ngành Trung ương.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác thanh niên Doãn Đức Hảo báo cáo tại buổi họp

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác thanh niên Doãn Đức Hảo báo cáo nội dung chính sách trong dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và báo cáo dự  thảo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban soạn thảo.

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các đại biểu cho ý kiến về nội dung phân công nhiệm vụ các thành viên Ban soạn thảo; về kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện; đồng thời, rà soát lại các nội dung đã phân công còn nhiệm vụ nào chưa được đề cập.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại buổi họp

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Luật Thanh niên được ban hành năm 2005, qua một thời gian thực hiện đã có những bất cập cần được sửa đổi cho phù hợp. Cơ quan thường trực (Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ) đã dự thảo đề cương Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 7 chương với 51 điều (Luật Thanh niên năm 2005 gồm 6 chương với 36 điều). Thứ trưởng đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến vào nội dung dự thảo. Ngoài buổi họp nay, các ý kiến góp ý có thể trao đổi bằng văn bản hoặc qua thư điện tử, đảm bảo thời gian nhanh nhất và chất lượng.

Thảo luận tại buổi họp, các đại biểu cơ bản thống nhất đối với các nhiệm vụ được phân công và cho rằng, sự cần thiết xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) để đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của thanh niên cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên trong thời đại mới. 

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các Bộ, ngành đã có các chính sách quan tâm đến thanh niên nhưng thực sự chưa được thực chất; ngoài ra, báo cáo đánh giá còn nhiều định tính, chưa cụ thể. Luật Thanh niên năm 2005 chủ yếu mang tính khái quát chung và chiến lược, chưa được quy định cụ thể và có tính chế tài mạnh, do đó, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với thanh niên.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thêm, trên thế giới có 2 quốc gia có Luật Thanh niên là Serbia và Hunggary đều đưa ra chiến lược phát triển thanh niên, kinh phí thực hiện chiến lược đó và phân định rõ khoản kinh phí nào của các cơ quan nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động của thanh niên. Đây là nội dung mang tính khuyến khích và động viên để thanh niên có cơ hội phát triển, tham gia đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. 

Nhất trí cao với các nội dung về quản lý nhà nước về thanh niên, xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về thanh niên để quản lý thống nhất toàn quốc, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất có quy định chế độ hỗ trợ pháp lý để giúp đỡ thanh niên, thành lập các quỹ hỗ trợ thanh niên từ các nguồn lực của xã hội.

Quang cảnh buổi họp

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Luật Thanh niên (sửa đổi) là một luật khó vì thanh niên cũng là công dân Việt Nam, chịu sự điều chỉnh của các luật khác, do đó, dự thảo cần xác định rõ đặc thù của thanh niên để đưa vào dự thảo sửa đổi, đảm bảo không trùng lắp với các luật khác. Đề nghị trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể quản lý và đối tượng quản lý là thanh niên.

Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng quyền con người, trên cơ sở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải xây dựng luật theo hướng quy những chính sách ưu đãi để thanh niên có sức bật, có cơ hội phát triển và cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước. Các chính sách chung của nhà nước đối với thanh niên cần quy định mang tính khái quát, không nên quy định cụ thể để tránh tình trạng liệt kê nhưng không hết.

Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, về chính sách nhà ở cho thanh niên, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã có quy định các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội đã bao trùm tất cả các đối tượng, trong đó có thanh niên, do đó, Luật Thanh niên (sửa đổi) cần được rà soát để tránh trùng lắp các quy định tại các luật đã ban hành. 

Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ phát biểu tại buổi họp

Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban soạn thảo tương đối rõ nhưng kế hoạch và thời gian triển khai thực hiện cần quy định rõ hơn để các thành viên phải tham gia tích cực, chủ động.

Về quan điểm xây dựng luật cũng cần cụ thể vì đây là luật mang tính tổng hợp, nếu dự thảo mang tính chung chung thì không phải là luật; mà dự thảo cụ thể thì rất khó và có thể trùng lắp. Do đó, cần có quan điểm rõ ràng trong việc chỉ đạo xây dựng; phải chấp nhận ở mức chung chung, mang tính định hướng, không thể quy định cụ thể vì các luật chuyên ngành đã có quy định. Tuy nhiên, cần rà soát những vấn đề còn thiếu để đưa vào dự thảo. Đề cương dự thảo luật cần có quy định nhằm khơi gợi sáng tạo cho thanh niên khởi nghiệp.

Đại diện Bộ Tư pháp đề nghị thay đổi cách tiếp cận trong việc xây dựng luật. Để luật có tính khả thi thì cần tiếp cận theo hướng có thể quy định chi tiết một số nhiệm vụ mà các luật chuyên ngành chưa quy định. Ngoài ra, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cũng cần điều chỉnh đối tượng thanh niên đặc thù như: thanh niên sau cai nghiện, sau cải tạo, thanh niên khuyết tật… vì họ là thanh niên yếu thế, cần có sự bình đẳng và quan tâm của xã hội để giúp đỡ họ có những đóng góp, cống hiến cho xã hội, xóa bỏ triệt để tận gốc các tệ nạn xã hội nói chung.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Nguyên Anh phát biểu tại buổi họp

Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị, dự thảo luật cần tập trung phát triển thanh niên, tìm ra điểm nhấn cái thanh niên cần để họ có nhiều đóng góp, phát triển bền vững cho đất nước. Trước hết là phát triển nguồn nhân lực, trong đó thể lực và trí lực đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới hiện nay nhưng vấn đề “tâm lực” cần được quan tâm, để họ được cống hiến, phát huy.

Đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung thêm điều quy định về nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi họp

Kết luận bổi họp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu. Bộ trưởng đề nghị cơ quan thường trực tiếp thu đầy đủ ý kiến, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và quyền lợi của thanh niên, hoàn thiện dự thảo và xin ý kiến các thành viên Ban soạn thảo trước khi họp phiên thứ hai trong tháng 10/2018.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, dự thảo luật không trùng với các quy định hiện hành, vì luật không quy định cụ thể đối với các vấn đề chuyên ngành.

Về thời gian trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 còn ngắn nhưng công việc còn nhiều, do đó, đề nghị cơ quan thường trực, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần thiết kế các nhóm vấn đề, phân công cụ thể, chi tiết hơn cho các thành viên để đảm bảo tiến độ theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019./.

Thanh Tuấn

Tìm kiếm