Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ/ Ban Tổ chức cán bộ; đại diện các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Trường Chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng đến việc xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở này đã từng bước cập nhật, nâng cao trình độ, kỹ năng giải quyết công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần không nhỏ vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực hoạch định chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và thực thi giải quyết các yêu cầu của nhân dân, doanh nghiệp, của công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của nước ta.
Tuy nhiên, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng bộc lộ nhiều bất cập: bất cập về hệ thống tổ chức, bộ máy; bất cập về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động. Tổ chức hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhiều nhưng không mạnh, không thống nhất. Bộ máy tổ chức cồng kềnh, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều chồng chéo, trùng lắp, chất lượng chưa cao. Đội ngũ công chức, viên chức của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhiều nhưng hoạt động chưa hiệu quả…
Do đó, Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị. Mục đích của Đề án là phân tích rõ thực trạng, đề xuất các giải pháp sắp xếp, tổ chức lại hệ thống, tổ chức bộ máy tinh gọn; cơ chế hoạt động hiệu quả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước trong tình hình mới.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề như: quan điểm chỉ đạo và yêu cầu của Đề án; phạm vi và đối tượng; mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể; các nhiệm vụ, giải pháp và tính khả thi của Đề án; phân công trách nhiệm thực hiện Đề án và các vấn đề thực tiễn khác.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Nguyễn Ngọc Vân báo cáo tại Hội thảo
Báo cáo dự thảo Đề án, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Ngọc Vân cho biết, mục tiêu của Đề án giai đoạn 2019-2025 là tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bồi dưỡng theo hướng tinh gọn, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán, chồng chéo và trùng lắp, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Mỗi Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương chỉ có tối đa 01 cơ sở bồi dưỡng. Các cơ sở bồi dưỡng có tổ chức bộ máy gọn nhẹ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Xây dựng và thực hiện cơ chế tự chủ của các cơ sở bồi dưỡng; phấn đấu đến năm 2025 có 20% cơ sở bồi dưỡng bảo đảm tự chủ chi thường xuyên, 90% bảo đảm tự chủ tối thiểu 50% chi thường xuyên; tối thiểu 40% cơ sở bồi dưỡng tự chủ về thực hiện nhiệm vụ và 20% tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự.
Mục tiêu giai đoạn 2026-2030 là 100% cơ sở bồi dưỡng có cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý đáp ứng yêu cầu cải cách chế độ công vụ, công chức; giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm từ 70% trở lên thời lượng của các chương trình bồi dưỡng mà cơ sở thực hiện. Nâng dần mức độ tự chủ của các cơ sở bồi dưỡng, phấn đấu đến năm 2030 có tối thiểu 50% cơ sở bồi dưỡng bảo đảm tự chủ chi thường xuyên, 50% cơ sở còn lại bảo đảm tự chủ tối thiểu 60% trở lên chi thường xuyên; tối thiếu 50% cơ sở bồi dưỡng tự chủ về thực hiện nhiệm vụ; tối thiếu 30% cơ sở bồi dưỡng tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự.
Đề án cũng đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp để đảm bảo thực hiện Đề án thành công sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; xác định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức lại hệ thống cơ sở bồi dưỡng; tổ chức lại bộ máy bên trong của các cơ sở bồi dưỡng; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; đầu tư cơ sở vật chất; đổi mới cơ chế hoạt động và đổi mới cơ chế tài chính của các cơ sở bồi dưỡng…
Thứ trưởng Triệu Văn Cường phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết xây dựng Đề án để đảm bảo tổ chức bộ máy các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tinh gọn, hoạt động hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Nội dung Đề án được xây dựng công phu, kết cấu khoa học, đảm bảo đầy đủ nội dung; số liệu được thống kê sinh động, phản ánh đúng thực trạng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hiện nay…
Ông Giang Đức Chung phát biểu tại Hội thảo
Ông Giang Đức Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại 06 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ là một trong những quyết tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tập trung, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay. Do đó, việc xây dựng Đề án này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo tổ chức bộ máy được tinh gọn, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức hợp lý.
Về phần Tổ chức thực hiện có quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 125/2011/NĐ-CP ngày 30/12/2011 của Chính phủ quy định về trường của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án sắp xếp lại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, do đó, cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ trong việc xây dựng Đề án, đảm bảo tính thống nhất, không trùng chéo.
Ông Nguyễn Duy Vũ, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, phần đánh giá cần mang tính khách quan hơn và đề xuất đổi mới các nội dung cần được nghiên cứu kỹ hơn. Đối với phần Tổ chức thực hiện, đề nghị bổ sung nhiệm vụ của Bộ Nội vụ trong việc hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm và những vấn đề mới đặt ra trong quá trình sắp xếp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Ông Nguyễn Duy Bình phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ đề nghị bổ sung thực trạng chính sách của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để đưa ra giải pháp phù hợp. Cùng với đó, xây dựng lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy cần cụ thể hơn để đảm bảo thực hiện Đề án thành công.
Ông Ngô Văn Giang phát biểu tại Hội thảo
Ông Ngô Văn Giang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ kinh tế - kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các Tổng cục, Cục của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi điều chỉnh. Về mục tiêu cụ thể, đề nghị bổ sung việc sáp nhập Trường Chính trị cấp huyện vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy cần được thực hiện dứt điểm trong giai đoạn 2019-2025. Giai đoạn 2026-2030, cần xây dựng và phát triển một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có danh tiếng, có đủ năng lực và uy tín để có thể bồi dưỡng cho công chức, viên chức các nước trong khu vực ASEAN. Về giải pháp, đề nghị bổ sung nội dung nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Cùng với đó, bổ sung trách nhiệm thực hiện Đề án của Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, cần thiết bổ sung thêm quy định: thường xuyên sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách liên quan đến cơ chế tài chính, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, cần phân định rõ hoạt động sự nghiệp sử dụng ngân sách và hoạt động sự nghiệp không sử dụng ngân sách; hướng dẫn khung xác định giá dịch vụ đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục đơn vị sự nghiệp công được sử dụng ngân sách; đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật trong việc dự toán, xác định giá dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng…
Quang cảnh Hội thảo
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến của các đại biểu với nội dung góp ý phong phú, mang tính thực tiễn cao, đa số góp ý trực tiếp vào nội dung Đề án. Bên cạnh đó, Bộ trưởng rất mong nhận được góp ý của tất cả đại biểu sau Hội thảo để Bộ Nội vụ hoàn thiện, trình Bộ Chính trị cho ý kiến vào tháng 3/2019.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Tổ biên tập bổ sung thêm quan điểm xây dựng Đề án và bổ sung đánh giá tác động của việc tổ chức sắp xếp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá lại thực trạng về tổ chức các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Bổ sung đối tượng điều chỉnh và phân định rõ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức với các cơ sở đào tạo đại học và các cơ sở đào tạo khác để có cơ chế tài chính, chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, Tổ biên tập phải bám sát Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong việc xây dựng Đề án. Sử dụng thống nhất một thuật ngữ là “sắp xếp” các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với các Trường, Trung tâm, Viện thuộc các Bộ, ngành có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cần được sắp xếp lại đảm bảo không được trùng lắp chức năng, nhiệm vụ.
Về kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, Bộ trưởng ghi nhận các ý kiến và đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu thêm, không thể áp đặt kinh nghiệm quốc tế ngay vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Trong Đề án cần giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế có liên quan.
Bộ trưởng cũng đề nghị, trong năm 2019, theo phân cấp thì các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tự sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong, không chờ hướng dẫn của cấp trên./.
Thanh Tuấn