BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo khoa học: Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay (Phiên thứ 2)

08/05/2019 20:07

Chiều ngày 08/5, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ và Viện KAS, Cộng hòa Liên bang Đức tiếp tục chương trình Hội thảo khoa học: “Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay”, Phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề: “Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương - Thực trạng và đề xuất”. 

Tại Phiên thứ 2, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng phân cấp quản lý nhà nước; đẩy mạnh quyền tự chủ của các cấp chính quyền địa phương; đề xuất sửa đổi, hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương; các văn bản pháp luật về phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương; đề xuất cơ chế ủy quyền của các chủ thể có thẩm quyền được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; …

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Nguyễn Viết Trọng phát biểu tại Hội thảo

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Nguyễn Viết Trọng đánh giá, về cơ bản, việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương đã phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các nội dung được Trung ương phân cấp cho địa phương đã được triển khai thực hiện đầy đủ và bảo đảm theo quy định của pháp luật, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn; giúp các địa phương chủ động hơn trong thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Thông qua phân cấp, phân quyền đã từng bước rà soát, loại bỏ chồng chéo và phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý. Cũng thông qua việc phân cấp, vai trò của các cấp hành chính ở địa phương ngày càng được khẳng định; khuyến khích, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền địa phương, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Viết Trọng đề nghị đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công như: phân cấp điều chỉnh dự án, phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gắn với trách nhiệm của từng cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư; phân cấp trong việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm. Đề nghị phân cấp cho chính quyền địa phương được quyết định biên chế, vị trí việc làm công chức, viên chức; Chính phủ chỉ quy định khung biên chế tối đa theo phân loại đơn vị hành chính (loại đặc biệt, loại I, II, III)...

Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Văn Đạo phát biểu tại Hội thảo

Nhằm đẩy mạnh quyền tự chủ của các cấp chính quyền địa phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Văn Đạo kiến nghị, xác định phân cấp quản lý nhà nước là vấn đề mang tính chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước; vừa bảo đảm sự lãnh đạo, điều hành tập trung thống nhất, thông suốt của Trung ương, vừa phù hợp tính đặc thù của mỗi địa phương. Xác định cụ thể hơn những lĩnh vực Trung ương sẽ phân cấp hoặc không phân cấp cho chính quyền địa phương. Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Trung ương đối với việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện phân cấp quản lý. Giảm tư tưởng “xin - cho”, ỷ lại trong thực hiện thẩm quyền của các cơ quan nhà nước.

Ông Đỗ Văn Đạo cho rằng, bộ máy hành chính địa phương ở đô thị cần tập trung, vận hành thông suốt, nhanh nhạy, không thể cắt khúc công việc như ở nông thôn. Việc phân cấp quản lý giữa chính quyền ở thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh không thể giống như phân cấp ở chính quyền huyện thuộc cấp tỉnh, huyện cũng như giữa phường, thị trấn và xã cũng khác nhau. Theo tinh thần Hiến pháp 2013, cấp chính quyền địa phương phải được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, do luật định.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Văn Đạo cũng khẳng định, dù phân cấp quản lý nhà nước theo hướng nào, mức độ nào thì quyền lực nhà nước phải thống nhất, tập trung, thông suốt, có sự phân công phối hợp thực hiện giữa quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. 

Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cũng đồng tình với kiến nghị của tỉnh Hòa Bình trong lĩnh vực quản lý nhà nước về biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, đề nghị Bộ Nội vụ đề xuất với Chính phủ sửa đổi các quy định theo hướng trao cho UBND tỉnh thêm thẩm quyền trong việc xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với những trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định nâng bậc lương trước thời hạn đối với ngạch Chuyên viên cao cấp và tương đương mà không qua ý kiến thống nhất với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện. 

Cùng với đó, triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn liền với tổ chức thanh tra, kiểm tra theo định kỳ và hàng năm tại các cơ quan, đơn vị các cấp, các ngành; trên cơ sở đó, kịp thời đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ phân cấp đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thơm phát biểu tại Hội thảo

Ở một góc độ khác, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thơm chỉ ra một số khó khăn của các địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ được phân cấp, như: quy định tại Luật đất đai không cho phép ủy quyền cho UBND cấp huyện đối với hồ sơ giá đất phục vụ công tác bồi thường nên quá trình thực hiện phải qua nhiều bước: tại UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh, UBND tỉnh nên khối lượng hồ sơ phê duyệt giá tại UBND tỉnh nhiều, mất nhiều thời gian do qua nhiều quy trình, quy định.

Về lĩnh vực Y tế, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp nhưng thực chất việc phân cấp vẫn chưa được thể thực hiện theo Nghị định, nhất là về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, nhân lực làm việc và công tác tài chính do các Bộ, ngành Trung ương còn giữ việc, lo ngại phân cấp mạnh dẫn đến tình trạng cục bộ, cát cứ, phân tán; hoặc thiếu tính đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện và còn nhiều quy định khác ràng buộc của các cấp thẩm quyền...

Bà Nguyễn Thị Thơm đề nghị phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thi nâng ngạch công chức từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự và tương đương; từ ngạch nhân viên, cán sự và tương đương lên ngạch chuyên viên và tương đương, không phải qua khâu thẩm định, phê duyệt của Bộ Nội vụ trước khi thực hiện…

TS. Dương Quang Tung phát biểu tại Hội thảo

Bình luận các vấn đề đặt ra tại các tham luận, TS. Dương Quang Tung, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ cho rằng, các tham luận đều đề nghị cần phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một số việc phân cấp cho chính quyền tỉnh nhưng Bộ, ngành Trung ương vẫn nắm quyền kiểm soát, như vậy việc “phân cấp mang tính nửa vời”; đặc biệt trong vấn đề phân cấp ngân sách vì ngân sách là thống nhất.

Câu chuyện phân cấp, phân quyền, tản quyền, tập quyền là câu chuyện đặt ra từ 30 năm nay nhưng vẫn mang tính thời sự. Hai nghịch lý trong phân cấp, phân quyền được TS. Dương Quang Tung chỉ ra là “cái cần buông thì nắm, cái cần nắm thì buông” và “tình trạng cát cứ về thẩm quyền ở địa phương còn lớn”. 

PGS. TS. Bùi Xuân Đức phát biểu tại Hội thảo

PGS. TS. Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, phân cấp và phân quyền cho địa phương là một đòi hỏi của xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay, với tinh thần để cho chính quyền địa phương được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức và xây dựng địa phương, là sự tiếp tục tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta về tổ chức chính quyền địa phương được tiến hành từ trước đến nay và nay đã trở thành hiến định.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 chưa cụ thể hóa được vấn đề phân cấp, phân quyền; và nếu có thì phân cấp còn lúng túng; phân quyền hầu như chưa được đặt ra vì phân cấp là phạm vi được thực hiện trong quản lý hành chính nhà nước; phân quyền là phạm vi của hiến định.

Phân quyền là thừa nhận cái quyền của chính quyền của địa phương, tuy nhiên, phân quyền khi xã hội phải đạt được một trình độ nhất định; và trước mắt chỉ nên phân quyền cho một số địa phương nhất định. Do đó, Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần xác định và thể hiện rõ hơn nữa quan điểm này. Tư tưởng phân quyền và những nguyên tắc phân quyền cần phải được quy định trong chính Hiến pháp, là nhiệm vụ của Hiến pháp. Hiện Hiến pháp chưa sử dụng và quy định đích danh thuật ngữ này mà vẫn dùng các khái niệm “quyết định các vấn đề của địa phương”, “phân định thẩm quyền”, “được giao thực hiện một số nhiệm vụ”.

Phát biểu tại Hội thảo, Ngài Peter Girke, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam vui mừng vì đã học hỏi được nhiều điều từ Hội thảo này. Hội thảo đã làm rõ được nhiều vấn đề đặt ra, như: phân cấp, phân quyền, vấn đề có cho phép chính quyền địa phương thu thuế hay không; vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức, quản lý biên chế .... Đặc biệt, một số ý kiến đề nghị có cơ chế giám sát mạnh hơn nữa vấn đề phân cấp, phân quyền.

Hội thảo cũng đã đạt được mục đích chính là Nhà nước làm thế nào để phục vụ công dân một cách tốt nhất trên tất cả lĩnh vực kinh doanh, giáo dục, y tế, đời sống xã hội… đó là lý do tổ chức Hội thảo này. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ khái niệm phân cấp, phân quyền trước khi đi vào những vấn đề sâu hơn; cần có sự tham gia của hệ thống tư pháp trong quá trình giám sát phân cấp, phân quyền, nhưng không thể bỏ qua quyền lập pháp của Quốc hội.

Ngài Peter Girke cho rằng, Việt Nam có hệ thống văn bản chi tiết liên quan đến vấn đề phân cấp, do đó, cần phát huy những kết quả đã đạt được thông qua thực hiện Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Nguyễn Ngọc Vân phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, thừa ủy quyền của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Nguyễn Ngọc Vân khẳng định, các bài tham luận có hàm lượng khoa học cao, đóng góp nhiều vấn đề thực tiễn, góp phần vào việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hội thảo đã làm rõ hơn những vấn đề phân công, phân cấp, phân quyền, vai trò của chính quyền địa phương trong việc thực hiện phân cấp, phân quyền. Các mô hình được đề xuất liên quan đến phân cấp, phân quyền cũng đáng để nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn.

Hội thảo cũng đã được nghe các kinh nghiệm quốc tế về phân cấp, phân quyền và cho rằng, “đã phân quyền rồi thì không được giám sát mà nếu có vấn đề gì xảy ra thì phải ra tòa Hiến pháp”. Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để có thể áp dụng vào thực tiễn ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các bình luận của các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đã giúp các cơ quan quản lý có thêm lý luận để thực hiện việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện thể chế liên quan.

Viện trưởng Nguyễn Ngọc Vân mong rằng, thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Viện KAS nhiều hơn nữa trong các hoạt động khoa học và thực tiễn./.


Thanh Tuấn

Tìm kiếm