Nhìn lại lịch sử ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỷ 19 đã có một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên đã đặt nền móng cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của Nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Ngày 02/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội "Những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.
Tháng 02/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52 ngày 05/02/1985, lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của hân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.
Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày 21/6 cũng là dịp để những người làm báo nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi “
Văn hóa là một mặt trận”, “
Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong điện gửi Hội Nhà báo Á - Phi (1965), Bác Hồ viết: “
Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”; “
Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”.
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước. Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Bác dạy: “
Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Đến Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác lại nói: “
Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày để tôn vinh, tri ân những nhà báo đã đóng góp tâm sức vì một nền báo chí nước nhà vững mạnh, đưa đến độc giả những bài báo phản ánh chân thực các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh.
Ngày 21/6 không đơn thuần là ngày kỷ niệm mà còn là dịp để những người làm báo nhìn lại những thành tựu, để thêm tự hào và niềm tin, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp báo chí cách mạng.
Bộ Nội vụ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thôngNăm 2019, trên cơ sở phương châm hành động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, phát triển”, Bộ Nội vụ xác định phương châm hành động của ngành là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin”.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thông tin, truyền thông, ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã ký Quyết định số 255/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch truyền thông về các lĩnh vực công tác của Bộ Nội vụ năm 2019. Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ ban hành kế hoạch truyền thông về các lĩnh vực công tác của Bộ, với mục đích kịp thời thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật, các lĩnh vực quản lý nhà nước, kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Nội vụ. Qua đó, góp phần nâng cao hình ảnh, vị trí, vai trò của Bộ Nội vụ. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, ngành Nội vụ với công tác truyền thông; tiếp nhận thông tin phản hồi từ người dân, doanh nghiệp thông qua các kênh thông tin và phản biện xã hội.
Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Bộ trong việc tuyên truyền, phản ánh kịp thời những nội dung, nhiệm vụ cảa Bộ, ngành Nội vụ được công chúng quan tâm; chủ động tuyên truyền định hướng dư luận xã hội trong quá trình xây dựng chính sách và các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành của Bộ, tạo sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp. Chủ động cung cấp thông tin thông qua các kênh truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về các lĩnh vực công tác của Bộ Nội vụ.
Trước đó, ngày 17/6, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã gửi thư chúc mừng các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ, ngành Nội vụ và có buổi gặp mặt các nhà báo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông đã phối hợp, đồng hành cùng với Bộ trong suốt thời gian qua nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019).
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí
Một số hình ảnh chúc mừng Trung tâm Thông tin nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6:
Thanh Tuấn - Thu Trang