Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là văn kiện rất quan trọng của Đảng, với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế, cần được các cấp, ngành, mọi cán bộ, Đảng viên quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả. Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thi hành; tuy nhiên, cũng còn nhiều nội dung của Nghị quyết cần được tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn, cung cấp luận cứ khoa học tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tổ chức cán bộ nói chung; về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ khái niệm “cán bộ cấp chiến lược”, các tiêu chí để xác định, đánh giá cán bộ cấp chiến lược và các giải pháp đề xuất của đại biểu cần tập trung vào hai trọng tâm và năm đột phá theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW.
GS.TS. Võ Khánh Vinh phát biểu tại Hội thảo
GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác tham mưu; trong đó, các yếu tố cần phải có của cán bộ làm công tác tham mưu là năng lực, phẩm chất, uy tín.
Ông cho rằng, công tác tham mưu, đặc biệt tham mưu cấp chiến lược là hoạt động góp phần hình thành chính sách, pháp luật tốt, “vai trò của người quyết định rất quan trọng nhưng công tác tham mưu còn quan trọng hơn”, ông Vinh nhấn mạnh. Bởi vì, tham mưu là điểm đầu của sáng tạo, sáng tạo xây dựng chính sách, pháp luật để xây dựng đất nước phát triển; do đó, phải xác định rõ vai trò tham mưu của cán bộ và phải coi đây mà một nghề mang tính chuyên nghiệp.
Cùng với đó, cần phải xác định chức năng của đội ngũ này như: chức năng nghiên cứu lý luận về chính sách, pháp luật và lý luận tham mưu; tiếp đến là nghiên cứu thực tiễn việc thực hiện các chính sách, pháp luật; thứ ba là nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài; thứ tư là nghiên cứu dự báo, tức là phải có tầm nhìn dự báo mang tính dài hạn. Đồng thời, cần phân loại đội ngũ cán bộ này theo lĩnh vực hành pháp, tư pháp, quản lý, kinh tế, xã hội…
Về năng lực cán bộ tham mưu cấp chiến lược được hiểu như một hệ thống năng lực của đội ngũ, bao gồm: năng lực tư duy và năng lực nhận biết (tư duy vượt trước và tư duy sáng tạo); năng lực trí tuệ; năng lực tầm nhìn (năng lực xác định mục tiêu, năng lực các quan điểm và định hướng phát triển); năng lực đánh giá; năng lực nhạy bén chính trị.
GS. TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, năng lực cán bộ tham mưu cấp chiến lược ở nước ta có tiềm năng lớn, có năng lực, có khả năng tham mưu chính sách pháp luật trong bối cảnh xã hội thay đổi. Về phẩm chất, nhìn chung đội ngũ cán bộ này có lập trường, tư tưởng vững vàng, có đạo đức, có uy tín… Tuy nhiên, đội ngũ này còn thiếu và yếu; không đồng đều ở các ngành, lĩnh vực khác nhau; hẫng hụt về thế hệ. Bên cạnh đó, công tác cán bộ đối với đội ngũ này còn nhiều bất cập, chưa có chính sách cụ thể, chưa có bộ tiêu chí đánh giá, chưa có môi trường để phát huy sáng tạo của đội ngũ này.
Do đó, GS. TS. Võ Khánh Vinh cũng cho rằng, giải pháp nâng cao năng lực là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả xây dựng chính sách, pháp luật; do đó, phải xây dựng chính sách quốc gia để phát triển đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; hoàn thiện chính sách pháp luật để bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ này, phát triển được nhiều nhân tài tham mưu; xây dựng bộ tiêu chí để thu hút, trọng dụng, đánh giá, phát huy đội ngũ…
GS. TSKH. Trần Văn Nhung phát biểu tại Hội thảo
GS. TSKH. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đánh giá cao việc ra đời của Nghị quyết số 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết đã trình bày lý luận, thực tiễn của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ rường cột, bảo đảm thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
GS. Nhung đã cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược được quy định trong Nghị quyết số 26 bằng “công thức” cần có trong thời đại công nghệ 4.0 là phải nhìn vào bản chất, tố chất con người, đó là: có sức khỏe tốt, có tầm nhìn, có trái tim nhân hậu; có bộ óc tốt, có kỹ năng sống tốt, có ngoại ngữ và công nghệ thông tin tốt.
GS. Nhung cho rằng, sức khỏe dẻo dai ở mức cao sẽ chịu được sức ép từ mọi phía; do đó, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 phải có quy định cụ thể về sức khỏe để đủ sức làm việc và cống hiến hiệu quả, lâu dài; bởi vì, “không thể có trí tuệ minh mẫn trên một cơ thể ốm yếu”.
GS. Nhung nhấn mạnh, cần phải làm rõ về định nghĩa thế nào là cán bộ cấp chiến lược mới có thể xây dựng được các bộ tiêu chí; nếu không có định nghĩa thì cần phải có mô tả cụ thể. Đồng thời, nhấn mạnh đến vai trò và tầm cỡ quốc gia, quốc tế của những cán bộ cấp chiến lược, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Họ cần phải có những năng lực và phẩm chất làm việc, lãnh đạo ở quy mô sâu rộng trong thời đại toàn cầu hóa, để xây dựng, phát triển bền vững và hợp tác, đấu tranh hiệu quả bảo vệ đất nước.
TS. Phạm Tuấn Khải phát biểu tại Hội thảo
TS. Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là những con người có bản lĩnh, trí tuệ và có tiên phát nhằm tham mưu giúp Đảng, Nhà nước những vấn đề mang tính định hướng chiến lược và là công cụ để thực thi chiến lược kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, phải đặt đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ cấp chiến lược nói riêng trong hoạt động công vụ, nhằm vận dụng tốt những kiến thức được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ nghề nghiệp, giải quyết các vấn đề đặt ra trong từng ngạch, bậc, vị trí công tác được giao.
Nhấn mạnh đến kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, TS. Phạm Tuấn Khải khẳng định, chính sách, pháp luật là yếu tố cấu thành quan trọng của thể chế. Chính sách, pháp luật (dù hiểu ở góc độ nào) cũng là để thể chế quan điểm, đường lối của Đảng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, về nguyên tắc, phải tuân thủ tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của hệ thống chính trị; phân định thẩm quyền giữa các cơ quan, người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước trong quá trình tham mưu, xây dựng chính sách, pháp luật. Đặc biệt, phải khách quan, khoa học, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong quá trình tham mưu…
Để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, xây dựng chính sách, pháp luật, TS. Khải cho rằng, phải xây dựng được đội ngũ tham mưu, xây dựng chính sách, pháp luật vừa giỏi về chuyên môn, kỹ năng, kiến thức và khả năng đáp ứng nhanh nhạy với các diễn biến phức tạp trên thế giới và sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực; vừa đủ phẩm chất chính trị để triển khai, cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ nói chung, trong công tác tham mưu chính sách, pháp luật nói riêng… Đây là những việc cần làm ngay trong điều kiện phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ” như Nghị quyết số 26 đã đề ra.
PGS. TS. Vũ Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo
PGS. TS. Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, do đó, cán bộ cấp chiến lược là gốc của gốc.
PGS. TS. Vũ Văn Phúc cho rằng, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất, xứng tầm nhiệm vụ thì công tác cán bộ phải được công khai, minh bạch; công khai từ đầu vào đến đầu ra và phải cạnh tranh lành mạnh. Nghị quyết Trung ương đã có đủ nhưng cần phải cụ thể hóa, chi tiết; đồng thời, phải phát huy dân chủ hơn nữa trong Đảng và xã hội để Nhân dân giám sát; phải khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kỷ luật cả những người làm công tác tổ chức cán bộ nếu cán bộ đó vi phạm pháp luật như một số cán bộ trong thời gian vừa qua.
PGS. TS. Vũ Văn Phúc khẳng định, hơn hết, mỗi cán bộ đều phải tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, năng lực, nếu không tu dưỡng, rèn luyện thì tất cả đều là vô nghĩa. Đồng thời, đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ tiêu chí định lượng các đặc trưng định tính của cán bộ để cất nhắc, đề bạt theo hướng coi trọng thực chất, không rơi vào chủ nghĩa hình thức thiên về bằng cấp, tuổi tác…; đặc biệt, chú trọng năng lực tự vươn lên qua thực tiễn của cán bộ và dự báo phát triển hơn nữa của cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm.
TS. Thang Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo
TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, “một người lo bằng kho người làm”, đó là đội ngũ tinh hoa của đất nước, là cán bộ cấp chiến lược, có vị trí ra quyết định và kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế độ chính sách và cách ứng xử phù hợp đối với đội ngũ này. Do đó, TS. Thang Văn Phúc đề nghị, phải xác định ai là cán bộ cấp chiến lược và cần có chính sách đặc biệt cho đội ngũ này. Đồng thời, phải xác định được ai là người chịu trách nhiệm đối với đội ngũ này, không thể nói trách nhiệm chung chung.
TS. Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại Hội thảo
Về vấn đề tham nhũng, TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nếu kiểm soát quyền lực không tốt thì mãi vẫn còn tình trạng tham nhũng. Ông Quyền cho biết, ở các nước không có Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng họ có Luật Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, như vậy mới có thể kiểm soát được tham nhũng.
TS. Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, trước tiên phải kiểm soát xung đột lợi ích; thứ hai là phải công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; thứ ba, phải xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, lãnh đạo, quản lý; thứ tư, phải kiểm soát quyền lực thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thứ năm, phải kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan tổ chức, đơn vị, là kênh quan trọng của kiểm soát quyền lực trong phòng chống tham nhũng; thứ sáu, phải kiểm soát quyền lực qua việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; cuối cùng là bảo đảm dân chủ thực chất trong quản lý nhà nước, công tác cán bộ để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
TS. Trần Văn Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Liên quan đến quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, TS. Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, thứ nhất, việc tổ chức quy hoạch phải nghiên cứu để khắc phục quy trình công tác cán bộ hạn chế hiện nay; thứ hai, thực hiện việc luân chuyển để thử tài cán bộ, phải đưa cán bộ thử sức với nhiệm vụ khó để đánh giá năng lực thực tài; thứ ba, về quy trình, đã có nhiều bước và rất rõ nhưng chưa kết hợp được nguyên tắc tập trung và nguyên tắc dân chủ; thứ tư, cần xây dựng cơ chế bảo vệ người dám làm, dám chịu, khách quan, công bằng, do đó, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định.
TS. Trần Văn Tuấn khẳng định, nếu làm tốt các vấn đề trên thì không có chỗ cho người không đủ điều kiện vào bộ máy; đồng thời, phải phải kết hợp hài hòa trách nhiệm của người đứng đầu, người giới thiệu và kết hợp các nguyên tắc tập trung, dân chủ trong công tác cán bộ…
Quang cảnh Hội thảo
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn trân trọng cám ơn và ghi nhận, tiếp thu ý kiến quý báu của các đại biểu đã làm rõ thêm những vấn đề đặt ra tại Hội thảo.
Mặc dù, các ý kiến có thể trái ngược nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng đã tập trung xoay quanh những vấn đề liên quan đến cán bộ cấp chiến lược. Ý kiến của các đại biểu sẽ giúp Bộ Nội vụ củng cố thêm các luận cứ khoa học cho việc tham mưu giúp Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, qua đó giúp Bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.
Thanh Tuấn