BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Ngành Nội vụ xác định 9 nhiệm vụ cải cách hành chính trong năm 2020

27/12/2019 13:43

Theo Báo cáo số 6466/BC-BNV ngày 24/12/2019 của Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2019 của Bộ Nội vụ đánh giá, năm 2019, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt và thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự hoạt động có hiệu quả của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tác động tích cực đến hành động của chính quyền các cấp, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

Đồng thời, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành, địa phương đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

Ngoài ra, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế như: tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. Vẫn tồn tại một số văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là giữa các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và đất đai. Còn tồn tại tình trạng gửi song song cả văn bản giấy và văn bản điện tử tại một số cơ quan; tình trạng văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia nhưng không bao gồm chữ ký số hoặc không đủ thông tin xác thực chữ ký số dẫn tới các đơn vị nhận không đủ cơ sở để xử lý văn bản điện tử.

Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành Trung ương còn chậm công bố các nhóm thủ tục hành chính thực hiện liên thông hoặc công bố không đầy đủ. Việc liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành của một số Bộ, ngành với phần mềm một cửa điện tử của các địa phương còn bất cập, gây khó khăn cho các địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Một số địa phương công khai số liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm còn chưa đúng so với kết quả kiểm tra thực tế. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực trọng tâm, như: đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội. Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với tiến độ đề ra, chỉ đạt 28%. Việc triển khai thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn chậm, chỉ đạt 7,8% so với kế hoạch.

Để công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ năm 2020 đạt được kết quả tốt, Báo cáo đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Một là, các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý một cách sáng tạo, hiệu quả và toàn diện, bám sát các mục tiêu, yêu cầu cải cách của Chính phủ; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được giao.

Chú trọng công tác theo dõi, đánh giá và tăng cường khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động của cải cách hành chính. Bộ Nội vụ tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ triển khai các hoạt động xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, các tỉnh và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020, đảm bảo chính xác, khách quan, thiết thực và hiệu quả.

Hai là, Bộ Nội vụ chủ trì hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, đảm bảo tính toàn diện, khoa học, thiết thực, hiệu quả; trình Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi để triển khai thực hiện.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trọng tâm vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, quản lý công chức, viên chức, tổ chức bộ máy và thể chế về môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử.

Trong đó, Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua; có biện pháp nâng cao chất lượng thẩm định văn bản, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý đối với các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản trước khi ban hành; tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật tại Bộ, ngành, địa phương.

Bốn là, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định thủ tục hành chính; thường xuyên rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính không phù hợp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các quy định pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Các Bộ, ngành, địa phương chuẩn hóa các quy trình nội bộ, quy trình điện tử và thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn. Đồng thời, thường xuyên rà soát, chuẩn hóa dữ liệu thủ tục hành chính và tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, cấp bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Năm là, đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện tốt việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Triển khai các giải pháp để triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định.

Sáu là, thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý công chức, viên chức để cụ thể hóa các quy định mới tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng công chức đúng với năng lực, tiêu chuẩn của vị trí việc làm đã được phê duyệt; triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bẩy là, tập trung rà soát, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ các giải pháp để đổi mới và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo lộ trình đã được phê duyệt; sớm hoàn thiện việc xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và Đề án tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương theo lộ trình đến năm 2020.

Tám là, triển khai có hiệu quả Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh; nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ, ngành, địa phương đáp ứng đầy đủ các tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Thực hiện tốt việc trao đổi văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Các Bộ, ngành chỉ đạo sớm chấm dứt tình trạng sử dụng song song văn bản giấy và các văn bản điện tử tại các Bộ, ngành, địa phương; nâng cấp phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại cơ quan, đơn vị, đảm bảo đáp ứng các quy định mới về nghiệp vụ văn thư, lưu trữ điện tử.

Bộ Nội vụ hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 về công tác văn thư; sớm xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các thông tư của Bộ Nội vụ về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư và các tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào.

Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, bảo đảm không làm kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ khi sử dụng dịch vụ này.

Chín là, các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay trong quá trình thực hiện cải cách hành chính. Tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính đề ra; kịp thời phát hiện và giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ có biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Tổ kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ./.

 

Anh Cao

Tìm kiếm