Ổn định sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo góp phần ổn định chính trị - xã hội
Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng
Năm 2019, hoạt động tôn giáo tại Việt Nam diễn ra sôi động, đảm bảo theo đúng Hiến chương, Điều lệ và tuân thủ quy định của pháp luật; nhiều hoạt động tôn giáo khu vực và quốc tế đã góp phần giới thiệu về đất nước con người Việt Nam, thể hiện sinh động chủ trương, chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak 2019) tại Hà Nam với đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ; Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai với đại biểu đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ; Dòng Chúa Cứu thế tổ chức Đại hội Liên hiệp Dòng Chúa Cứu thế châu Á - châu Đại Dương tại thành phố Hồ Chí Minh; Đạo Cao Đài tổ chức Hội yến Diêu Trì cung… Các đại hội, hội nghị của các tổ chức tôn giáo (Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đại hội nhiệm kỳ Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; Đại hội đồng các Hội thánh Tin lành…) đều được tổ chức thuần túy, tuân thủ pháp luật, nhân sự và đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc.
Xu hướng đối thoại, tuân thủ luật pháp, đóng góp các giá trị tốt đẹp của các tôn giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là chủ yếu, phổ biến. Nhiều hoạt động được các tôn giáo tham gia tích cực. Đặc biệt, cuộc gặp mặt, biểu dương các chức sắc, chức việc có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Thủ tướng Chính phủ tại Đà Nẵng (tháng 8/2019), đã mở ra một hướng tranh thủ hiệu quả. Kết quả cuộc gặp đã động viên, ghi nhận đóng góp của đồng bào có đạo, tạo sự yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Các lễ hội truyền thống tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong xã hội được phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Các hoạt động vi phạm pháp luật, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động chống đối cực đoan trong tôn giáo giảm mạnh cả về số vụ và tính chất, quy mô.
Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện, ổn định sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước; đóng góp tích cực trong ổn định chính trị xã hội; thủ tục hành chính nhanh gọn, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống trục văn bản điện tử quốc gia và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tổ chức, cá nhân tôn giáo và người dân hài lòng; mối quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền các cấp gắn bó hơn, tạo đồng thuận xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đã kịp thời phát hiện chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn tâm linh, hoạt động tôn giáo trái pháp luật; công tác đối ngoại tôn giáo đảm bảo nguyên tắc, chủ động đấu tranh, phản bác luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cho chức sắc, tín đồ tôn giáo; mở các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị, nhất là kiến thức, kinh nghiệm đối thoại, gặp gỡ, trao đổi với chức sắc tôn giáo, làm hạn chế những lúng túng trong công tác này; tham mưu với chính quyền các cấp giải quyết kiến nghị chính đáng của các tôn giáo đảm bảo đúng chính sách, pháp luật; xử lý, giải quyết các vụ việc tôn giáo phức tạp, phát sinh kịp thời; phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Nâng cao nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chứcNăm 2020, trong xu thế hội nhập, mở cửa, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng dự báo, các tôn giáo đều đẩy mạnh hoạt động truyền giáo; bên cạnh đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước và người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, làm việc gia tăng, sẽ có nhiều hệ phái, tổ chức tôn giáo mới ở nước ngoài truyền bá vào Việt Nam; các tổ chức tôn giáo tăng cường truyền đạo xuyên biên giới, thông qua mạng Intenet để đào tạo chức sắc, thuyết giảng không cần địa điểm và không xin phép... gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Một bộ phận chức sắc tôn giáo cực đoan, có tư tưởng định kiến với Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để kích động quần chúng tín đồ có các hoạt động trái Hiến chương điều lệ, chống chính quyền; gây phức tạp về an ninh, trật tự. Mâu thuẫn nội bộ trong các tổ chức tôn giáo; sự xuống cấp đạo đức, lối sống của một số tu sỹ... chưa được giải quyết dứt điểm sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự.
Trước tình hình trên, Chính phủ và Bộ Nội vụ cần quan tâm chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, giảm thiểu nhận thức lệch lạc, mê tín dị đoan từ trong đội ngũ công chức và ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các ban, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố có chế độ chính sách thu hút đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo; sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp ngăn chặn, quản lý chặt chẽ các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới có tính cực đoan, không để hình thành tổ chức hoạt động trái pháp luật, gây bức xúc trong xã hội. Tăng cường công tác tiếp xúc, vận động chức sắc, chức việc tôn giáo; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo đăng ký và tổ chức các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo, hoàn thành trong năm 2021.
Các cấp, các ngành cần chủ động nghiên cứu và tham mưu giúpChính phủ về hoàn thiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan như đất đai, xây dựng, y tế, giáo dục… Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân và các tổ chức tôn giáo; phát huy nguồn lực của các tôn giáo đóng góp cho xã hội trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, góp phần giảm ngân sách nhà nước./.
Thanh Tuấn