BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

20/01/2020 14:52

Ngày 20/01, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cùng lãnh đạo tỉnh An Giang đã đến dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại tỉnh An Giang. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ giai đoạn từ tháng 4/1947-11/1947.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân dâng hương kính viếng Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm ở Cù lao Ông Hổ, thuộc tổ 4, ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Khu lưu niệm được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử vào năm 1984 và di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nghe giới thiệu về Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Theo Lịch sử Bộ Nội vụ (1945-2005), cuối năm 1946, ngay trước khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng được cử thay mặt Chính phủ đi kinh lý ở miền Trung. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng với uy tín to lớn của bậc đại chí sĩ, Cụ đã hăng hái nhận nhiệm vụ trở về tuyến lửa miền Trung để động viên đồng bào chiến sĩ ra sức chiến đấu, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ. Đến Quảng Ngãi, chẳng may Cụ bị ốm nặng rồi qua đời vào ngày 21/4/1947.

Cụ Huỳnh mất đi là một tổn thất lớn đối với cách mạng Việt Nam, với Chính phủ và Nhân dân ta nói chung và đối với Bộ Nội vụ nói riêng.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi sổ lưu niệm tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Nhằm kịp thời bổ sung lãnh đạo Bộ, tại phiên họp ngày 30/4/1947, Hội đồng Chính phủ đã thông qua đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Tôn Đức Thắng, một cán bộ Đảng lão thành có uy tín rất lớn, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Trần Duy Hưng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ và ông Khuất Duy Tiến giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ. 

Tới ngày 09/11/1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phan Kế Toại, một nhân sĩ yêu nước từng giữ chức Khâm sai đại thần của triều Nguyễn tại Bắc Kỳ, được cử giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay cho ông Tôn Đức Thắng được cử giữ chức Thanh tra đặc biệt toàn quốc.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh An Giang tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng bắt đầu hình thành từ 12/1988, khi Bộ Văn hóa - Thông tin có quyết định công nhận ngôi nhà ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, nơi Bác Tôn sinh sống thời niên thiếu, là di tích lịch sử lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Sau đó, chính quyền địa phương tiến hành việc tôn tạo, trùng tu và quy hoạch xây dựng, để đến hôm nay nơi đây trở thành khu di tích lịch sử phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Khu lưu niệm này không chỉ là điểm đến của du khách, mà còn là nơi để sinh hoạt truyền thống, về nguồn và là tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong những ngày lễ lớn của đất nước.

Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng trên khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, với tổng diện tích 1.600 m². Đền được xây dựng vào năm 1997. Kiểu dáng đền rất gần gũi với truyền thống của dân tộc, với kiểu mái nhị cấp, lợp ngói đại ống đỏ, bờ nóc đắp bộ tượng lưỡng long tranh châu, bốn phía được đắp tượng hình rồng vốn đặc trưng cho kiến trúc cổ của Việt Nam. Phía trong chính điện được trang trí rất công phu, tên của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khắc theo lối chữ giả cổ, mặt chữ được mạ bằng vàng. Xung quanh đền trang trí biểu tượng ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh). Nổi bật là bức tượng bán thân của Bác Tôn được đúc bằng đồng đặt trên bục cao, nặng 310 kg; phía sau bức tượng là hình mặt trống đồng Ngọc Lũ được chạm nổi toát lên vẻ trang nghiêm.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn với trên 100 hình ảnh tư liệu, hiện vật quý giá. Từ hình ảnh bến đò Ô Môi in dấu chân Bác Tôn mỗi ngày đến trường, đến khi Bác làm thợ tại xưởng máy Ba Son, hình ảnh Bác Tôn kéo cao lá cờ đỏ trên cột chiến hạm France ủng hộ nước Nga xô viết, đến khi Bác Tôn tham gia cách mạng rồi bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù và lưu đày tại nhà tù Côn Đảo…, nhưng Bác vẫn không ngừng hoạt động cách mạng…

Thanh Tuấn - Đăng Minh

Tìm kiếm