Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi Tọa đàm
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, sau một thời gian đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, đã đạt được nhiều kết quả tích cực và rất quan trọng. Tuy nhiên, ở một số nơi, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng, còn hình thức và mờ nhạt.
Bộ Nội vụ tổ chức buổi Tọa đàm để thêm một lần nữa không chỉ học lại tấm gương sáng ngời về nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn tìm ra những giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Bên cạnh đó, buổi Tọa đàm còn nhằm mục đích nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng và ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, của cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ nói riêng.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ một số vấn đề trọng tâm, đó là: những nội dung cơ bản trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu gương và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tình hình thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua; kiến nghị các giải pháp để đẩy mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm chỉ đạo của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thời gian tới. Đặc biệt, những điều kiện cần và đủ để thực hiện các giải pháp đó.
GS. TS. Hoàng Chí Bảo phát biểu tại buổi Tọa đàm
Theo GS. TS. Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, suốt cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vì nước, vì dân. Người là hiện thân của đức hy sinh và lòng dũng cảm, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Nêu gương đã trở thành một đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Hồ Chí Minh, nét văn hóa điển hình trong lãnh đạo và quản lý, trong giao tiếp và ứng xử của Người.
GS. TS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, muốn nêu gương được thì hành động phải xuất phát từ động cơ trong sáng và nhân đạo. “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền” và gương mẫu là cách lãnh đạo, quản lý tốt nhất trong thời đại ngày nay. Cùng với đó, phải biết kết hợp lãnh đạo bằng khoa học (tức là trí tuệ của người lãnh đạo) với đạo đức và hành động.
Nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là việc tôn trọng Nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, bởi vì: “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Cụ thể là việc dùng người, có lẽ không ai có biệt tài dùng người như Chủ tịch Hồ Chí Minh, không câu nệ là đảng viên hay không đảng viên, mà phải có “thực đức, thực tài, thực tâm”. Những người Bác quy tụ đều là những người tài đức vẹn toàn và đều được sử dụng vào những vị trí phù hợp, giúp họ phát huy được hết khả năng vốn có.
Do đó, theo GS. TS. Hoàng Chí Bảo, cán bộ, đảng viên cần phải “thực học để có thực lực, từ đó mới có thực tài”; chú trọng tự nêu gương và nêu gương.
Đặc biệt, phong cách làm việc chu đáo, nền nếp, giữ đúng lời hứa của Người đã thể hiện phong cách khoa học trong công việc và biết trọng nhân cách con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phê bình công việc chứ không được phép xúc phạm nhân phẩm con người; nghiêm khắc mà bao dung. Không chỉ nêu gương của cán bộ, đảng viên mà phải học tấm gương của Nhân dân. Chú trọng nêu gương nhưng không nên chú trọng hóa.
GS. TS. Hoàng Chí Bảo khẳng định, sự nêu gương, noi gương cuối cùng cũng có thước đo, đó chính là lòng tin của người dân với Đảng, với Nhà nước và sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước. Việc lãnh đạo, quản lý phải kết hợp giữa pháp trị và đức trị.
TS. Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại buổi Tọa đàm
Đồng quan điểm với GS. TS. Hoàng Chí Bảo, TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, muốn nêu gương cần phải có điều kiện, hoàn cảnh để nêu gương, cần phải có cơ chế và phải đảm bảo để người nêu gương được phát triển, không bị triệt tiêu.
Trong hoạt động công vụ, trách nhiệm luôn phải gắn với quyền lợi, vậy cơ chế nào để kết nối giữa quyền và lợi ích để người cán bộ, đảng viên nêu gương? Đó chính là việc xây dựng thể chế minh bạch, khách quan cả trong thể chế của Đảng và thể chế của Nhà nước. Cần phải có một cơ quan tham mưu để quy định rõ điều kiện, cơ chế nêu gương.
Đặc biệt, cần giáo dục một số kỹ năng nêu gương đối với cán bộ, đảng viên trong điều kiện các chuẩn mực xã hội ngày nay khác ngày xưa rất nhiều, như phải có nhiều tiền, có bằng cấp cao, có chức vụ cao…, và bằng mọi giá để họ đạt được những thứ đó, bất chấp liêm sỉ.
Còn TS. Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ lại cho rằng, muốn nêu gương thì trước hết cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thi hành công vụ.
Do đó, TS. Phạm Tuấn Khải đề nghị phân biệt rõ đối tượng, phạm vi, nội dung trong việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Phân biệt rạch ròi giữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với hệ quả của việc học tập trong từng thời điểm, đối với từng loại cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.
GS. TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia cũng cho rằng, tấm gương sáng ngời của Bác trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết. Trong công tác tổ chức và biên chế, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu là quan trọng, người đứng đầu phải có phương án để tinh giản biên chế; phải dám nhận biên chế thấp “để đỡ lương cho nhà nước và thêm người cho sản xuất” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói.
GS. TS. Nguyễn Hữu Khiển nhấn mạnh, người tốt thì ko cần nêu gương thì họ vẫn là người tốt, người không tốt thì có gí vào người một tấm gương thì cũng chẳng ai soi. Do đó, trình độ, năng lực và phẩm chất thể hiện hàng ngày là yếu tố quyết định thành công trong khuôn khổ, phạm vi trách nhiệm của người quản lý. Trách nhiệm nêu gương thuộc về đạo đức công vụ, còn phương pháp, kinh nghiệm thuộc về kỹ năng là những yếu tố chủ quan hết sức quan trọng đối với người đứng đầu ở mọi cấp.
PGS. TS. Vũ Văn Phúc phát biểu tại buổi Tọa đàm
PGS. TS. Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, một quan điểm hết sức quan trọng trong việc thực hành nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu đi đầu, đó là “cán bộ xung trước; làng nước theo sau; việc khó đến đâu; cũng làm được hết”.
PGS. TS. Vũ Văn Phúc nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có tư tưởng về nêu gương mà cuộc sống hàng ngày của Người đã là một tấm gương sáng ngời . Tuy nhiên, không phải Bác vĩ đại đến mức mà chúng ta không thể làm theo. Vấn đề là có làm hay không mà thôi!
Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, PGS. TS. Vũ Văn Phúc cho rằng, chưa bao giờ Đảng ta lại có nhiều quy định về nêu gương như hiện nay, có đến ba quy định nêu gương ở ba cấp, đó là Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng iên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
PGS. TS. Vũ Văn Phúc cho rằng, cán bộ ở cấp càng cao thì càng phải nêu gương nhiều hơn nữa và nếu ngược lại, thì đó là điều mà Nhân dân không muốn thấy. Đặc biệt là cần phải nêu gương trong những việc làm cụ thể như việc kê khai tài sản trung thực và từ chối nhận bất cứ thứ quà gì của bất cứ ai…
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Bế mạc buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá rất cao các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học đã phát biểu về nêu gương và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn gút lại một số vấn đề rất đáng lưu tâm để tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, đó là: tự mình phải tu dưỡng rèn luyện; đề cao pháp luật nhưng không bỏ qua điều chỉnh hành vi đạo đức; có cơ chế kết nối để đảm bảo mối quan hệ giữa pháp luật và nêu gương; hoàn thiện thể chế về luật pháp của Nhà nước và các quy định của Đảng; có cơ chế bảo vệ cán bộ.
Thứ trưởng cho rằng, nếu làm được tốt việc nêu gương và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên thì góp phần không nhỏ vào việc xây dựng, chỉnh đốn đảng và góp phần củng cố, xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Tạp chí Tổ chức nhà nước tiếp thu đầy đủ ý kiến tại buổi Tọa đàm, tham mưu giúp Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Bộ, lãnh đạo Bộ ban hành các quy định về nêu gương để áp dụng trong Bộ, xa hơn nữa là chuẩn bị luận cứ khoa học trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến cán bộ công chức, viên chức./.
Thanh Tuấn